Chuyện chưa kể về dàn xe hộ tống Tổng thống Trump ở Việt Nam
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Đoàn xe hộ tống Tổng thống Trump dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 có quy mô nhỏ hơn so với dàn xe của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.
Ngày 8/11, máy bay vận tải C-17 chở đoàn xe hộ tống Tổng thống Donald Trump hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Như mọi lần, dàn xe của người đứng đầu nước Mỹ gây sự chú ý lớn với người dân và báo chí địa phương bởi quy mô lớn và sự chuyên nghiệp.
Đây cũng chính là những chiếc xe đã xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 5/2016, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama.
Cadillac One 2.0 tiếp tục lỡ hẹn
Vì một số lý do kỹ thuật, chiếc Cadillac One thế hệ mới phục vụ tổng thống thứ 45 của Mỹ đã bị lỡ hẹn trong nhiều dịp quan trọng.
Theo trang Autoweek, General Motors đã nhận 15 triệu USD của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ để sản xuất lô xe mới cho Tổng thống Trump, nhưng đến giờ chiếc xe này vẫn còn trong quá trình thử nghiệm. Tất nhiên trong thời gian chờ đợi, ông Trump vẫn cảm thấy an toàn trên những chiếc “The Beast” được thừa hưởng từ thời Obama.
Nếu so với dàn xe của Obama trong lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, dàn xe của Trump có quy mô nhỏ hơn. Khi đó, đoàn xe hộ tống Obama có khoảng 14 chiếc xe chuyên dụng, nhưng lần này chỉ còn 11 chiếc.
Cơ quan Mật vụ Mỹ là bậc thầy trong việc phán đoán tình hình và đưa ra những giải pháp an toàn phù hợp. Họ luôn muốn tổng thống của mình được an toàn nhất, nhưng kinh phí cũng là vấn đề khiến tổ chức này đau đầu. Dựa trên những đánh giá về mức độ nguy hiểm của khu vực, số lượng xe và người sẽ được cắt giảm phù hợp.
Một đoàn xe hộ tống tổng thống Mỹ tiêu chuẩn gồm khoảng 26 chiếc, trong đó bắt buộc phải có hai mẫu “The Beast” chống đạn. Đoàn xe tại Đà Nẵng có quy mô nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng trên 10 chiếc bên cạnh các xe cảnh sát địa phương, xe hậu cần.
Năm 2016, khi Tổng thống Obama thăm Baghdad (Iraq), đoàn xe được bảo vệ bởi hàng chục chiếc có khả năng phá sóng và tác chiến điện tử, ngoài ra còn có 3 chiếc Humvee bản quân sự dẫn đầu.
Tại Việt Nam, 11 chiếc xe vây quanh “Quái thú” gồm Route Car và Pilot Car có nhiệm vụ dẹp đường, Lead dùng để dẫn đường. Hai chiếc Stagecoach và Spare là 2 chiếc Cadillac One giống hệt nhau, trong đó một chiếc chở tổng thống và một chiếc đóng thế. Chiếc xe mật danh Halfback chở những tay súng thiện xạ có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống ở tầm gần.
Mẫu Watchtower có nhiệm vụ phá sóng, chống các thiết bị bom điều khiển từ xa. Xe Control và Support chở đội ngũ chuyên viên y tế, chuyên gia an ninh. Hawkeye Renegade chở đội phản ứng nhanh tinh nhuệ. Mẫu Suburban với mật danh Roadrunner dùng để liên lạc với Nhà Trắng. Chiếc xe thùng vuông Classified chống vũ khí hoá học, sinh học và phóng xạ.
Ngoài ra, đoàn tuỳ tùng còn có xe chở báo chí, môtô cảnh sát địa phương dẹp đường, chốt hậu, cứu thương… Giống như trước đây, dàn xe của Tổng thống Trump vẫn rất ồn ào mỗi khi xuất hiện, cho dù số lượng đã được giảm bớt.
Để đảm bảo quãng thời gian di chuyển của tổng thống ngắn nhất, cơ quan Mật vụ phải chuyển dàn xe tới địa điểm tổng thống Mỹ đặt chân trước 2 ngày. Đoàn sẽ chạy thử, tìm những phương án dự phòng. Quãng đường càng dài, độ nguy hiểm càng tăng.
Những chiếc xe luôn di chuyển theo đúng đội hình đã dàn sẵn nhằm có phương án hiệp đồng tác chiến khi đoàn xảy ra sự cố. Mỗi chiếc xe trong đoàn hộ tống sẽ trở thành lá chắn sống cho chiếc Stagecoach (Cadillac One chở tổng thống Mỹ) khi cần thiết.
Trực thăng Marine One sẵn sàng ứng cứu tại sân bay Đà Nẵng.
Những người phản đối cho rằng dàn xe của tổng thống Mỹ là sự phô trương thanh thế quá mức cần thiết, và số tiền để chi trả cho đoàn xe di chuyển được lấy từ thuế của công dân Mỹ.
Nhưng Nhà Trắng không nghĩ vậy. Họ cho rằng người đứng đầu quốc gia giàu có nhất thế giới luôn là trung tâm của sự nhòm ngó. Mỗi chuyến di chuyển của tổng thống Mỹ luôn là mồi ngon cho những kẻ khủng bố, vì vậy, vấn đề tiền bạc được gạt sang một bên, việc đảm bảo an toàn cho tổng thống mới là điều đáng quan tâm.
Nếu nhìn trên phương diện khác, đoàn xe hùng hậu bảo vệ tổng thống Mỹ cũng là một cách để quốc gia này thể hiện sức mạnh, phô diễn cho cả thế giới biết về vị thế của nước Mỹ.
Thoạt nhìn, có thể thấy đây là dàn xe an toàn nhất thế giới, là những pháo đài di động bất khả xâm phạm, nhưng những người trong cuộc thì cho rằng đây là đoàn xe nguy hiểm nhất thế giới, luôn bị những kẻ khủng bố rình rập.
Bất ngờ về xe tổng thống Mỹ dự APEC
Chuyến thăm châu Á dài 12 ngày, qua 5 quốc gia và 6 địa điểm dừng chân là chuyến công du quy mô lớn nhất của Tổng thống Trump kể từ khi nhậm chức. Về lý thuyết, Mật vụ Mỹ sẽ cần tới 12 chiếc “The Beast” cùng 6 đoàn hộ tống giống hệt nhau tại 6 thành phố mà ông Trump ghé thăm.
Tuy nhiên, chi phí cho một cuộc vận chuyển như vậy là vô cùng tốn kém, vì vậy cơ quan này chọn phương án “cuốn chiếu”, nghĩa là khi tổng thống Mỹ chuẩn bị dời đi, đoàn xe sẽ được vận chuyển tới địa điểm kế tiếp để chuẩn bị.
Điều này đôi khi cũng khiến mật vụ rơi vào tình thế khó xử. Người đứng đầu nước Mỹ không có hai chiếc limousine chống đạn sang trọng, vốn là biểu tượng quyền lực của quốc gia trong buổi lễ khai mạc APEC 2017 tại Đà Nẵng. Thay vào đó, ông Trump di chuyển trên chiếc Chevrolet Suburban chống đạn của lực lượng mật vụ. Nhiều khả năng trước đó, 2 chiếc The Beast đã được chuyển qua Philippines để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức quốc gia này vào ngày 12/11.
Cũng có thể, Mật vụ Mỹ cảm thấy Đà Nẵng khá an toàn nên không cần thiết phải phô trương lực lượng, hoặc chiếc Chevrolet Suburban đó là phương pháp đóng thế, khiến những kẻ khủng bố không thể ngờ tới.
Tất nhiên những chiếc Chevrolet Suburban của Mật vụ cũng được sản xuất riêng và có khả năng bảo vệ không thua kém nhiều so với “The Beast”.
Lịch sử limousine chống đạn cho tổng thống Mỹ
Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc xe chở tổng thống Mỹ lại được bảo vệ nghiêm ngặt đến vậy. Sự việc được đặc biệt quan tâm kể từ khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào tháng 11/1963 trên một chiếc limousine mui trần.
Quá khứ đau thương không cho phép Mật vụ Mỹ mắc thêm những sai lầm, và họ quyết tâm biến limousine của tổng thống thành “pháo đài trên bánh xe.”
Việc sử dụng những chiếc limousine bọc thép và sử dụng kính chắn đạn là giải pháp giúp công dân số 1 nước Mỹ tránh những thảm kịch tương tự.
Ngược dòng thời gian, limousine chống đạn đã được sử dụng cho tổng thống Mỹ từ cuối năm 1942, sau cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng của đế quốc Nhật.
Sunshine Special là mẫu limousine chống đạn đầu tiên của tổng thống Mỹ.
Sunshine Special là tên chiếc xe chở tổng thống Mỹ thời bấy giờ. Xe được trang bị thêm lớp giáp thép dày 1 inch (25 mm), bộ thu phát sóng vô tuyến, còi hú, đèn chớp và một khoang đựng súng tiểu liên. Chiếc xe này nặng 4.200 kg và dài hơn bản cơ sở 1,8 m.
Năm 1950, Tổng thống đắc cử Harry S. Truman đặt hàng General Motors chế tạo một chiếc Lincoln Cosmopolitan để dùng trong lễ nhậm chức. Chiếc xe này nâng cấp độ bảo vệ lên một tầm cao mới. Xe dài 6,1 m, rộng 2 m và nặng 2.900 kg (hơn 770 kg so với bản tiêu chuẩn).
The X-100 được bọc giáp sau vụ ám sát Kennedy gây chấn động. Ảnh: Autoweek.
Năm 1961, tổng thống John F. Kennedy sử dụng một chiếc Lincoln Continental bản sửa đổi trị giá 200.000 USD (khoảng 1,6 triệu USD tính theo thời giá hiện nay). Lực lượng Mật vụ gọi xe bằng biệt danh X-100. Đây là chiếc xe tinh vi nhất chở tổng thống từng được xây dựng.
Trên xe có máy lạnh, bộ đàm, bình chữa cháy, bộ dụng cụ sơ cứu và còi báo động. Điểm yếu duy nhất trên X-100 là phần mui di động được làm bằng kim loại nhẹ và nhựa trong suốt. Một chiếc ghế có gắn hệ thống nâng thuỷ lực giúp đưa tổng thống lên cao 270 mm trong những cuộc diễu hành. Những tính năng này giúp tổng thống và công chúng có thể dễ dàng giao lưu, nhưng thật không may, đây cũng là những tử huyệt khiến Kennedy bị ám sát.
Sau vụ ám sát Kennedy, Mật vụ Mỹ chi thêm 500.000 USD để cải tiến X-100, đổi màu sơn từ xanh đen sang đen và bọc giáp, cải tiến động cơ, thay bánh chống đạn. Bình xăng cũng được bọc bọt xốp để giảm tác động của ngoại lực khi va chạm.
Khoang hành khách được bọc bộ giáp nặng 730 kg, phần mui di động được thay bằng kính chống đạn có giá 125.000 USD. Cabin được bọc bằng 13 tấm kính chống đạn khác nhau, có độ dày từ 25 đến 46 mm.
Chiếc X-100 được nhiều đời tổng thống Mỹ sử dụng, chẳng hạn Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter và ngừng sử dụng năm 1977.
Các đời tổng thống tiếp theo, xe limousine tổng thống luôn là thứ được công chúng chờ đợi trong lễ nhậm chức. Thậm chí nó còn trở thành biểu tượng của quyền lực nước Mỹ.
Từ năm 1972, tổng thống Mỹ dùng Lincoln Continental. Đây cũng là chiếc xe chứng kiến vụ ám sát Tổng thống Gerald Ford, và là xe chở Tổng thống Ronald Reagan đến bệnh viện sau khi trúng đạn từ ba kẻ ám sát năm 1982.
Từ năm 1983, tổng thống Mỹ sử dụng chiếc Cadillac Fleetwood kéo dài và chống đạn. Năm 1989, tổng thống Mỹ sử dụng Lincoln Town Car làm xe chính thức. Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton tiếp tục dùng Cadillac Fleetwood trong những cuộc di chuyển.
Cadillac One dưới thời tổng thống George W. Bush. Ảnh: Motortrend.
Năm 2001, Tổng thống George W. Bush dùng chiếc Cadillac DTS kéo dài, chống đạn trong lễ nhậm chức. Dòng xe này được sử dụng 8 năm, cho tới năm 2009, Tổng thống Obama bắt đầu dùng chiếc “The Beast”, dòng xe đang được ông Donald Trump sử dụng.
Ngày nay, những chiếc xe chống đạn của tổng thống Mỹ không chỉ là một phương tiện đi lại mà còn là lô cốt di động, với hệ thống giáp tiêu chuẩn quân sự và hệ thống vũ khí tự vệ nhằm trả đũa mọi cuộc tấn công.
Đi cùng với xe tổng thống là chiếc xe đóng thế có hình dáng và trang bị tương tự. Ngoài ra, những chiếc Chevrolet Suburban trang bị hệ thống điện tử tiên tiến có khả năng làm lạc hướng tên lửa dẫn đường laser thường sử dụng trên các tên lửa chống tăng, phá sóng các thiết bị kích hoạt bom từ xa.
Một chiếc xe chuyên dụng với phần thùng sau bọc kín được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi nhằm phát hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học, vũ khí sinh học hay thậm chí vũ khí chứa phóng xạ.
Cũng không thể không nhắc tới đội ngũ đặc nhiệm luôn kề cận xe tổng thống, sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công, thậm chí biến thành lá chắn sống để đảm bảo an toàn cho người đứng đầu nước Mỹ.