Triều Tiên thử gì tiếp theo sau siêu tên lửa Hwasong-15?
Nguồn:Báo Điện tử Dân trí
Giới phân tích quân sự cho rằng việc tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 chưa khép lại chuỗi thử nghiệm của Triều Tiên, thay vào đó Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hệ thống vũ khí tiếp theo.
Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 với khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn và đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm tấn công hôm 29/11. Giới phân tích quân sự cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không dừng lại mà tiếp tục tiến hành thêm các vụ phóng thử tên lửa tiếp theo, trong đó có các tên lửa nâng cấp phóng từ tàu ngầm Pukguksong.
Song Zhongping, cán bộ nghỉ hưu từng công tác tại lực lượng tên lửa chiến lược thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết Triều Tiên có khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thử nghiệm các tên lửa phóng trên đất liền và trên biển tại khu vực Thái Bình Dương.
Lần gần đây nhất Bình Nhưỡng thử nghiệm các tên lửa phóng từ đất liền Pukguksong-2 là vào tháng 2 và tháng 5 năm nay. Triều Tiên được cho là đang nỗ lực phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-3 với tầm bắn lên tới hơn 2.000 km.
“Triều Tiên sẽ thường xuyên tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong sử dụng nhiên liệu rắn để chứng minh rằng nước này có năng lực tác chiến hạt nhân thực sự”, Song Zhongping, hiện là bình luận viên quân sự trên kênh Phoenix TV, cho biết.
“Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thêm các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12 và Hwasong-15, trong đó Hwasong-15 sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân để có thể thử nghiệm đầy đủ ở Thái Bình Dương”, ông Song cho biết thêm.
Triều Tiên phóng thử tên lửa Pukguksong-2 đầu năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Chuyên gia phân tích quân sự tại Macau Antony Wong nhận định tên lửa Pukguksong-3 của Triều Tiên sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc vì các tên lửa này được thiết kế để phóng từ bệ phóng được bảo vệ kỹ lưỡng nên khó bị định vị và phá hủy.
“Tôi nghĩ những diễn biến thử tên lửa mới nhất (trên bán đảo Triều Tiên) sẽ thúc đẩy Trung Quốc triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo HQ-19 ở tỉnh Liêu Ninh”, ông Wong cho biết, đồng thời tiết lộ rằng Bắc Kinh đã hoàn tất việc triển khai các hệ thống radar ở các khu vực dọc biên giới giáp Triều Tiên.
Tên lửa Pukguksong-3 được cho là đã xuất hiện trong lễ diễu binh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 15/4 vừa qua.
Cả tên lửa Pukguksong-2 và Pukguksong-3 đều được cho là có tầm bắn đủ sức nhắm tới Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực. Cả hai nhà phân tích Song và Wong đều chia sẻ quan điểm rằng các vụ thử tên lửa Hwasong của Triều Tiên gần đây cho thấy Bình Nhưỡng đủ khả năng tự phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này dựa trên công nghệ tiếp thu được từ Nga và Ukraine.
Theo ông Song, các bức ảnh và thông tin do Bình Nhưỡng tiết lộ cho thấy tên lửa Hwasong-15 lớn hơn tên lửa Hwasong-14. Tuy nhiên, Hwasong-15 cần tới 50 phút chuẩn bị trước khi đạt độ cao mục tiêu của tên lửa này, tức lâu hơn rất nhiều so với Hwasong-14.