Vì sao Trung Quốc vẫn "nhẹ nhàng" với Triều Tiên?

Ngày đăng: 07:55 03/12/2017 Lượt xem: 518



        Vì sao Trung Quốc vẫn "nhẹ nhàng" với Triều Tiên?

 

                                                                   Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Giữa bối cảnh các nước trên thế giới bắt đầu gây áp lực bằng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới nhất, câu hỏi về cách ứng xử của Bắc Kinh thu hút sự quan tâm đặc biệt.



Tiêu điểm - Vì sao Trung Quốc vẫn ''nhẹ nhàng'' với Triều Tiên?

Quan hệ Trung-Triều vẫn có sự gắn kết nhất định.

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa mới nhất hồi tuần này, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cảnh báo sẽ dùng biện pháp quân sự mạnh nhất nếu hành động khiêu khích đi quá giới hạn.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trích nước láng giềng bằng một tông giọng nhẹ nhàng hơn.

Vì sao Trung Quốc không "mạnh tay" với Triều Tiên?

Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua thuộc đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói với CNBC rằng, ông không nghĩ vụ thử tên lửa mới nhất "sẽ thay đổi lập trường của Trung Quốc với Triều Tiên".

Giải thích cho điều này, ông nói: "Trung Quốc tiếp tục muốn sự ổn định và phi hạt nhân trên bán đảo là ưu tiên hàng đầu của mình. Ngoài ra, nước này cũng thích sống chung với một người hàng xóm thân thiện hơn”.

Nhiều lo ngại bắt đầu được đưa ra sau khi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên manh nha ảnh hưởng đến an ninh và môi trường gần biên giới Trung Quốc, qua đó đe dọa gián tiếp đến sự ổn định xã hội của quốc gia này.

Với chuyến thăm của Tổng thống Trump cách đây không lâu, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa cảm thấy sự cấp bách trong việc gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng ngoài các biện pháp trừng phạt đi theo nghị quyết Liên Hợp Quốc.

Mặc dù Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc cắt đứt đường trung chuyển năng lượng đến Triều Tiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn từ chối đề xuất trên.

"Ưu tiên của Trung Quốc là sự ổn định trong khu vực, cũng như sự ổn định trong nước và một phần trong số đó là một liên minh với nước láng giềng Triều Tiên", Alison Evans, chuyên gia về rủi ro ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc IHS Markit đánh giá.

Tuy nhiên, bà cho rằng Triều Tiên giống như một “người em trai ngỗ nghịch” gây phiền muộn với Trung Quốc, đồng thời lưu ý, một số vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm nay còn diễn ra cùng lúc với một số sự kiện cấp cao của Bắc Kinh.

Lợi ích chiến lược

Với điều này, Bình Nhưỡng không chỉ khiến Bắc Kinh mất mặt mà nó còn cho thấy quốc gia hạt nhân này hành xử không theo cách mà đồng minh thường làm với nhau.

Dẫu vậy, vẫn có những gợi ý cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn đứng bên Triều Tiên nếu như Mỹ thực hiện một cuộc tấn công.

Chuyên gia Evans nhận định, đối với Trung Quốc, lý do cốt lõi nhất khiến nước này vẫn nhẹ tay với Triều Tiên là để bảo đảm lợi ích chiến lược trong khu vực và ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ đang lan rộng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sẵn sàng bênh vực Triều Tiên trước nguy cơ can thiệp từ phía Mỹ. Thời gian gần đây, Nga đang trở thành tiếng nói có uy tín hơn đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 1/12 rằng Mỹ có thể đang cố tình khiêu khích Triều Tiên để có cớ dùng các biện pháp cứng rắn với quốc gia này, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Người đứng đầu ngoại giao cho rằng, Washington đang muốn kích động Triều Tiên hơn nữa để tìm cách hủy diệt Bình Nhưỡng.

Tag:
tin tức liên quan