Bức ảnh ông Kim Jong Un kiểm tra tên lửa hé lộ điều đáng sợ về "quái vật" của Triều Tiên
Bức ảnh ông Kim Jong Un kiểm tra tên lửa hé lộ điều đáng sợ về "quái vật" của Triều Tiên
Nguồn:Báo Điện tử Thời Đại
Nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá các bức ảnh được Triều Tiên công bố để tìm thêm manh mối về vũ khí đáng sợ mới của nước này - tên lửa Hwasong-15.
Bức ảnh lãnh đạo Kim Jong Un kiểm tra tên lửa, do KCNA đăng tải ngày 30/11/2017, một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa Hwasong-15.
Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tên Hwasong-15 vào rạng sáng ngày 29/11. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un gọi sự kiện này đánh dấu Triều Tiên cuối cùng đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hình thành hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia".
Những hình ảnh tuyên truyền về vụ phóng Hwasong-15, được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố sau vụ phóng, hé lộ tên lửa này to lớn và uy lực hơn các đời tên lửa trước của họ, đồng thời cho thấy Triều Tiên đã lọt vào số ít quốc gia sở hữu tên lửa mạnh.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-15 do Triều Tiên công bố (Nguồn: AP)
Tên lửa của Triều Tiên là "một con quái vật"
Trang News.com.au (Australia) chỉ ra, để hình dung kích cỡ của Hwasong-15, chỉ cần nhìn vào bức ảnh ông Kim Jong Un giám sát quả tên lửa được đặt trên xe tải trong một kho chứa. Mặc dù góc chụp không thể hiện toàn bộ chiều dài của tên lửa, nhưng nó vẫn cho thấy kích cỡ "áp đảo" nhà lãnh đạo Triều Tiên - người được cho là có thân hình khá cao lớn. Ông Kim cao khoảng 1m70.
Chuyên gia Michael Duitsman, từ Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), đánh giá Hwasong-15 lớn hơn đáng kể so với tên lửa thế hệ trước.
"Đó là một tên lửa rất lớn, lớn hơn nhiều so với Hwasong-14," ông nói. Theo ông Duitsman, kích cỡ lớn hơn đồng nghĩa với tên lửa sẽ có tầm bay xa hơn nhờ chứa được nhiều nhiên liệu hơn.
"Nó (tên lửa Hwasong-15) là một con quái vật," giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông Vipin Narang, nói về khả năng của tên lửa Triều Tiên. Ông nhận định tên lửa này có khả năng mang vũ khí nhiệt hạch uy lực lớn, bất chấp việc Triều Tiên có chế tạo được đầu đạn nhỏ gọn phù hợp để lắp đặt trên tên lửa hay không.
"Họ không cần phải thu nhỏ kích cỡ (của đầu đạn để lắp vừa với tên lửa) quá nhiều," ông Narang cho biết, bởi kích thước tên lửa Hwasong-15 hiện nay khiến đây không còn là yêu cầu quá cấp thiết.
Quân đội Hàn Quốc phóng tên lửa Hyunmoo II xuống vùng biển phía Đông bán đảo vào rạng sáng 29/11, vài phút sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo Hwasong-15 (Ảnh: South Korean Defence Ministry)
Khó bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Các bức ảnh do KCNA công bố cho thấy tên lửa được vận chuyển bằng phương tiện 18 bánh. Bình Nhưỡng tự hào tuyên bố rằng xe phóng tên lửa này do Triều Tiên tự sản xuất.
Nếu thông tin này là chính xác thì đây sẽ là bước phát triển quan trọng, bởi Triều Tiên không còn cần phải mua bệ phóng từ các bên khác như Trung Quốc.
Các phương tiện này giúp việc di chuyển tên lửa dễ dàng hơn mà không bị đối thủ của Triều Tiên phát hiện, đồng thời cho phép họ phóng tên lửa ở các vị trí điều khiển từ xa, Điều này cũng khiến các nỗ lực phá hủy Hwasong-15 khó thực hiện hơn.
Dù vậy, chuyên gia Duitsman cho biết ông "không hoàn toàn tin" rằng Triều Tiên có thể tự chế tạo phương tiện chuyên chở và bệ phóng tên lửa, mà có thể sửa đổi dựa trên các mẫu mã của Trung Quốc.
Theo học giả Vipin Narang, phần mũi tên lửa Hwasong-15 lớn đến mức ông cho rằng nó thể mang vật "nghi binh" để qua mặt các lá chắn tên lửa của Mỹ. Dù còn nhiều nghi vấn về khả năng thực cũng như các công nghệ của tên lửa Triều Tiên, ông Narang khẳng định tên lửa mới rõ ràng đã đặt nước Mỹ vào tầm bắn của nó.
"Chúng ta phải giả thiết rằng thứ đó (tên lửa Triều Tiên) có thể đưa một đầu đạn tới được bờ Đông nước Mỹ," ông nói.