Mỹ, Hàn Quốc đồng loạt mắc bẫy ngọt ngào của Triều Tiên?

Ngày đăng: 02:58 08/01/2018 Lượt xem: 424


  
      Mỹ, Hàn Quốc đồng loạt mắc bẫy ngọt ngào của Triều Tiên?

 
 

                                                             Nguồn:Báo Điện tử VnMedia


Trong bối cảnh cộng đồng thế giới đang hy vọng vào một sự cải thiện trong quan hệ liên Triều thông qua những dấu hiệu tích cực trong thời gian vừa qua thì giới phân tích đã đưa ra lời cảnh báo bất ngờ về một “cái bẫy” ngọt ngào.ư



 

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Cụ thể, giới phân tích cho rằng, Nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên – ông Kim Jong Un có thể đang gài bẫy cả Mỹ và Hàn Quốc bằng những động thái xuống nước đầy thiện chí. Các nhà phân tích cảnh báo, mục đích cao nhất của Triều Tiên có thể là chia rẽ mối quan hệ liên minh bền chặt 70 năm qua giữa Mỹ và Hàn Quốc. 

Seoul và Bình Nhưỡng hôm 5/1 đã nhất trí về kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa họ trong hơn hai năm trở lại đây vào tuần tới. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Seoul và Washington đạt được thỏa thuận về việc hoãn tiến hành cuộc tập trận định kỳ chung hàng năm giữa họ cho đến sau Thế Vận hội Olympics Mùa Đông diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng tới. Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn luôn khiến Triều Tiên bừng bừng tức giận, tung ra hàng loạt lời cảnh báo, đe dọa và cả những động thái trả đũa.

Cuộc đối thoại liên Triều sắp tới – cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ hồi tháng 12 năm 2015, sẽ diễn ra vào ngày 9/1 tới ở Panmunjom – ngôi làng đình chiến ở vùng phi quân sự hóa được bảo vệ chặt chẽ giữa hai miền liên Triều.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cho rằng “việc đặt kỳ vọng một cách quá lạc quan” là “không nên” nhưng ông này nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để biến Thế Vận hội Olympics Pyeongchang thành một Thế Vận hội Olympics dành cho hòa bình và giúp giải quyết vấn đề hạt nhân một cách hòa bình”.

Sau nhiều tháng căng thẳng cao độ vì những tham vọng hạt nhân dường như không có điểm dừng của Triều Tiên với những phóng tên lửa liên tiếp trong đó các tên lửa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ và vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay, diễn biến trên bán đảo Triều Tiên đang đảo chiều chóng mặt trong những ngày gần đây.

Trong thông điệp đầu năm mới (1/1/2018), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã khiến Washington ớn lạnh khi cảnh báo lục địa Mỹ đã nằm trọn trong tầm tấn công hạt nhân của Triều Tiên và rằng “nút bấm hạt nhân” đã ở sẵn trên bàn của ông này.

Trái với thái độ thách thức và cứng rắn với Mỹ, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ thể hiện một lập trường “ngọt ngào” bất thường với láng giềng khi thể hiện mong muốn đối thoại với Hàn Quốc đồng thời tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng tham gia vào Thế Vận hội Olympics Pyeongchang.

Thông điệp trên của ông Kim Jong Un thể hiện “sự quay ngoắt lập trường 180 độ” của Bình Nhưỡng bởi trước đó họ luôn phớt lờ mọi nỗ lực rất lớn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In trong việc tìm kiếm một cuộc đối thoại song phương nhằm làm dịu căng thẳng.

Cũng rất nhanh sau thông điệp năm mới đầy bất ngờ nói trên, Triều Tiên lại tiếp tục có thêm các bước đi thể hiện sự nhún nhường, đó là nối lại đường dây nóng liên lạc giữa hai miền liên Triều và đồng ý với lời đề xuất tiến hành đàm phán song phương cấp cao của Hàn Quốc.

Không ít người đã bày tỏ hy vọng về triển vọng có thể tháo “ngòi nổ” trong cuộc khủng hoảng đã từng leo lên đến mức cao độ và tiến ngày một sát đến bờ vực chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự hoài nghi không phải là không có. Một số nhà phân tích cho rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang tìm cách khoét một hố sâu mâu thuẫn giữa hai đồng minh Hàn Quốc và Mỹ vào thời điểm cộng đồng quốc tế nên đoàn kết, thống nhất trong chiến dịch gây áp lực và trừng phạt Triều Tiên vì chương trình vũ khí và hạt nhân của nước này.

Tổng thống Moon từ lâu đã chủ trương ủng hộ đối thoại với Bình Nhưỡng để đưa nước này đến bàn đàm phán trong khi Mỹ khăng khăng cho rằng Triều Tiên cần phải có những bước đi cụ thể để giải trừ vũ khí hạt nhân trước khi bước đến bàn đàm phán.

'Rõ ràng, thông điệp năm mới của ông Kim là nhằm chia rẽ mâu thuẫn giữa Mỹ và Hàn Quốc”, giáo sư về khoa học chính trị của trường Đại học Handong – ông Park Won-Gon đã nói như vậy. Theo ông này, “điều quan trọng là Hàn Quốc không để bị Triều Tiên giật dây, điều khiển”.

Chia sẻ quan điểm với ông Park, ông Andrea Berger – một nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến James Martin, chỉ ra rằng, Bình Nhưỡng từ lâu đã có lịch sử “chìa ra cành olive” sau một giai đoạn làm leo thang căng thẳng. “Năm 2017 đã vẽ lên một bối cảnh an ninh cực kỳ đáng lo ngại, khiến mọi người đang tuyệt vọng tìm cách xóa bỏ nó. Triều Tiên sẽ thử thách mỗi chính quyền của Hàn Quốc, ép chính quyền đó để xem các cánh cửa sẽ mở xa đến mức nào. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, hầu hết các cửa sổ cơ hội cho một sự tiến triển trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong tháng Một sẽ nhanh chóng bị phá vỡ”, ông Berger cảnh báo. Ông này nhấn mạnh, Triều Tiên thường có các động thái hòa dịu, xuống nước vào tháng Một.

Giới chức Mỹ cũng có những hoài nghi tương tự. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông H. R. McMaster từng nói, bất kỳ ai nghĩ rằng tuyên bố đầu năm mới của ông Kim Jong Un là đáng tin thì có vẻ “họ đã uống champagne quá nhiều trong dịp lễ”.

Trước đó, phía Mỹ cũng cho rằng, Triều Tiên đang tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và Hàn Quốc.

tin tức liên quan