7 điều học mãi không thừa

Ngày đăng: 09:28 14/01/2018 Lượt xem: 562

7 điều học mãi không thừa dành cho người trẻ

 

 
 

Kỷ luật bản thân là kỹ năng nói nghe thì rất dễ nhưng làm rất khó. Khi tự khởi nghiệp thì không ai kiểm tra thời gian làm việc bạn.
 

Trải qua nhiều dự án - có thất bại, có đạt được những bước tiến - tôi góp nhặt vài kinh nghiệm sống cho bản thân và tôi nghĩ nó sẽ có ích người trẻ.

1. Quan sát

Kỹ năng quan sát là điều đầu tiên chúng ta cần phải luyện tập. Ở đây tôi muốn nói đến quan sát bằng mắt, không phải quan sát bằng óc hay bằng cảm tính.

Khi tham gia một buổi networking, bạn có biết ai là người quan trọng để tiếp cận không?

Bạn muốn mở một nhà hàng? Khi vào một quán phở mà gặp rác dưới chân, nhân viên phục vụ thờ ơ, bàn chưa được lau sạch - bạn có bực không? Nếu không khó chịu về điều đó thì liệu nhà hàng của bạn có khá hơn không?

Khi chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy được rất nhiều việc cần làm khi khởi nghiệp.

2. Tự kỷ luật bản thân

Khi tự khởi nghiệp, không ai giám sát thời gian làm việc bạn. Chính vì vậy bạn cần tự đặt ra thời gian biểu cho mình và có những giải pháp buộc mình phải tuân thủ kỷ luật, tránh tình trạng hôm nay mệt thì nghỉ, mai chán thì ngủ nướng.

Khi làm chủ, bạn không phải chỉ làm cho bản thân mà còn làm vì các cộng sự của mình. Khi là sếp, bạn phải làm gương cho nhân viên. Đặc biệt khi khởi nghiệp, bạn là người phải giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu, nếu không có kỷ luật làm việc, hệ thống của bạn sẽ khó lòng "chạy".

Sinh hoạt và làm việc có kỷ luật còn đảm bảo cho bạn có một thể chất tốt, một trí óc linh hoạt. Một cơ thể hiệu ốm yếu, một tinh thần mệt mỏi không thể nào cho năng suất tốt được. Hãy dành ra mỗi ngày 30 phút để tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh.

Tự đặt ra và thực hiện được kỷ luật bản thân như thế chúng ta mới có đủ nghị lực để tiếp nhận và giải quyết những khó khăn trong kinh doanh.

3. Làm quen với việc bị từ chối

Khi đầu tư vào một dự án, hoặc bắt đầu khởi nghiệp, chuyện bị từ chối có thể đến với bạn bất cứ lúc nào. Khi bắt đầu đi bán hàng, tôi đã bị từ chối ít nhất 30 lần trước khi có khách hàng đầu tiên. Bạn phải xem chuyện bị khách hàng từ chối là chuyện... bình thường. Việc cần làm là mỗi khi bị từ chối, chúng ta phải tìm hiểu vì sao mình bị từ chối để không lặp lại điều này trong lần tiếp cận khách hàng tiếp theo.

Để có thể trở thành một doanh nhân, bạn cũng phải xác định sẽ luôn đối mặt với rất nhiều tin xấu, nó có thể đến từ mọi phía: nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng... Nếu để cảm xúc chi phối, bạn sẽ không những tốn thời gian, không giải quyết được việc, mà còn không học được bất cứ bài học kinh nghiệm nào.

4. Thái độ phù hợp

Trong giới trẻ hiện nay có hiện tượng chê bai những người giỏi hơn mình; xem thường trí tuệ, tài năng của người khác; vào hùa "dìm hàng" một người thậm chí mình chưa gặp bao giờ chỉ vì ganh với họ. Bạn sẽ không thể tiến bộ được nếu thuộc típ người này.

Khi đón nhận sự kiện xảy đến với mình bằng thái độ tích cực, bạn sẽ học được những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt và không đáng quan tâm nhưng lại cực kỳ đắt giá.

Khiêm tốn là một loại dưỡng chất tốt để nuôi dưỡng tâm hồn khỏe mạnh. Khiêm tốn giúp người ta chống lại cám dỗ vật chất, thói háo danh, thói khoe mẽ, khoác lác vốn đang là một "căn bệnh ung thư" của người Việt.

5. Thông thạo ít nhất một ngoại ngữ

Thế giới càng lúc càng phẳng, vì vậy nếu bạn không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, thì cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ bị hạn chế.

Học thêm một ngoại ngữ giống như tập thể dục. Để có được cơ bắp, chúng ta phải luyện tập hằng ngày. Khi bạn học tiếng Anh, mỗi ngày nên dành tối thiểu 5 phút để rèn luyện, biến nó thành công cụ để phát triển nghề nghiệp.

Người sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ tự tin hơn. Theo một khảo sát, một người biết tiếng Anh có thu nhập nhiều hơn 30% so với người cùng vị trí không biết tiếng Anh.

6. Đọc sách hằng ngày

Lượng đọc trung bình của người Việt là khoảng một quyển sách mỗi năm, theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ tại Đường sách TP.HCM. Một người Việt Nam chi 40.000 đồng mỗi năm để mua sách, trong khi một người Trung Quốc chi 200.000, còn ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 4 triệu đồng mua sách hằng năm.

Đọc sách là cách chúng ta thu lượm được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm từ những người đi trước một cách miễn phí. Đọc sách nhiều sẽ mang lại vốn hiểu biết sâu rộng phục vụ rất tốt cho nghề nghiệp và đời sống của chúng ta, giúp tư duy, nhận thức của bạn ngày càng sâu sắc hơn, trưởng thành hơn. Điều đó sẽ giúp chúng ta tự tin hơn vào bản thân trong quá trình giao tiếp, chủ động ứng xử, giải quyết những tình huống xảy ra trong cuộc sống.

7. Giữ lời hứa

Người trẻ nhất thiết phải bỏ ngay tình trạng "giờ dây thun". Hãy luôn cố gắng đến sớm 15 phút trong tất cả mọi cuộc họp hoặc gặp gỡ, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Một khi đã hứa với ai điều gì, bạn nên tập trung làm thật tốt để có thể thực hiện lời hứa mình một cách tốt nhất. Tôi từng hứa và giúp một bác Việt kiều Pháp xây dựng đội ngũ và giấy tờ tại Việt Nam trong giai đoạn đầu. Tôi đã làm hết sức có thể mà không mong đợi bác đó sẽ hỗ trợ gì cả. Nhưng sau đó, chính nhờ bác mà tôi được gặp được nhiều đối tác lớn.

Chữ tín là điều chúng ta cần luôn luôn giữ.

Theo Doanh nhân Sài gòn


tin tức liên quan