Những việc cần làm ngày Tất niên
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Sau lễ cúng Táo quân, không khí Tết thật sự bắt đầu. Nhà nhà bận rộn dọn dẹp, sắm Tết và chuẩn bị cho lễ cúng Tất niên.
|
Lễ cúng Tất niên thường được các gia đình tổ chức ngày 30 Tết. Ảnh: T.L |
Mâm cỗ cúng Tất niên
Trước Tết Nguyên đán có lễ cúng Tất niên - một nghi lễ cổ truyền. Tùy điều kiện thời gian của từng gia đình mà tổ chức phù hợp vào các ngày trước đó là 27, 28, 29 Âm lịch và đa số các nhà thường làm vào chiều 30 Tết – khi con cháu đi làm ăn xa đã trở về sum vầy cùng gia đình. Ngày này ở các vùng quê, nhiều nhà còn “đụng” lợn, trâu, bò, mổ gà… để ăn Tết.
Thời điểm này, bàn thờ Phật, gia tiên cơ bản được bao sái sạch đẹp. Nhà cửa đã trang hoàng đào, mai, quất... Tất cả việc chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, đoàn viên đã xong, tất cả mọi người tham dự bữa cơm Tất niên sum họp đông đủ chờ đón xuân sang.
Với người Việt, bữa cơm Tất niên là khoảnh khắc thiêng liêng để các thành viên gắn kết với nhau. Bữa cơm Tất niên cũng là dịp gặp gỡ bạn bè, anh em thân thuộc. Bữa cơm Tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời các Táo quân về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc.
Các cụ xưa quan niệm, càng đông đủ các thế hệ dự bữa cơm Tất niên chứng tỏ gia đình đó càng nhiều “phúc lộc”, may mắn.
Trên bàn thờ chiều 30 Tết phải có đầy đủ hương, đèn. Nén hương thơm theo quan niệm xưa là tượng trưng cho tinh tú, sự nối kết âm - dương.
Đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời (do đó luôn phải có hai cây đèn ở hai bên ban thờ).
Tùy tín ngưỡng vùng miền mà biện lễ, nhưng không thể thiếu mâm ngũ quả, gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc.
Bên cạnh đó là hoa, tiền mã giấy, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét)...
Cỗ mặn, hoặc cỗ chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, chế biến thơm ngon, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Mâm cỗ Tất niên phần nào nói lên sở thích của từng vùng miền. Cỗ Tất niên của người miền Bắc đều có gà luộc lá chanh và giò thủ. Cỗ tất niên ở miền Nam thường có tôm khô, củ kiệu, thịt kho nước dừa ăn chung với dưa giá.
Cỗ cúng Tất niên không có quy định chặt chẽ, tùy nhà mà biện lễ. Quan trọng là thành tâm, nghiêm cẩn, chứ không phải linh đình, rượu chè quá mức. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, động viên nhau năm mới nỗ lực vươn lên trong bầu không khí đầm ấm, hòa thuận.
Nhiều cơ quan, nhóm hội, công ty cũng tổ chức cúng tất niên cuối năm để tạ ơn trời đất, thần linh… đã gia hộ cho công việc làm ăn năm qua suôn sẻ. Họ liên hoan, trò chuyện tổng kết chuyện vui buồn năm cũ cho qua, và những dự định mới mẻ cho năm mới.
Lễ tạ mộ
Ngày 30 Tết nhiều gia đình ở quê đi tạ mộ, rồi về nhà ăn bữa cơm Tất niên luôn. Tạ mộ là để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần (tương tự lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi nhà đang sống dịp cuối năm), đồng thời mời tổ tiên về ăn Tết.
Sáng 30 Tết, trong lúc phụ nữ chuẩn bị cỗ bàn thì nam phụ, lão ấu trong nhà mang hương hoa, vàng mã đi tạ mộ (chạp mộ). Lúc này mộ phần đã được con cháu ở gần sửa sang đẹp đẽ, mọi người chỉ việc bày hoa quả, thắp hương mời gia tiên về ăn Tết.
Theo hướng dẫn của chuyên gia Nguyễn Khắc Hiếu (Công ty TNHH kiến trúc phong thủy Việt Nam), lễ tạ mộ ở nghĩa trang có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi và tùy địa phương mà có điều chỉnh thích ứng. Còn lễ tạ mộ truyền thống, cần sắm lễ hoa quả đơn giản (hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ. Có thể dùng vàng mã, hoặc tùy vong linh mà dùng áo quần mã phù hợp cúng tiến. Nhưng không nên dùng nhiều vàng mã.
Nếu dâng cỗ mặn thì chỉ dâng ở miếu thần linh, trong đó có xôi, gà (giò hoặc trống thiến nguyên con bày trên xôi). Tuyệt đối không đặt cỗ mặn lên mộ phần.
Nghi lễ tạ mộ không cần làm linh đình, tốn kém. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã nhiều gây lãng phí.
Tạ mộ nên đi lúc tạnh ráo, ấm áp, có thể cho trẻ em đi theo để biết dần vị trí phần mộ, sau là tập cho trẻ kính trọng, hiếu đễ tổ tiên. Nhưng không nên đi tạ mộ quá sớm, khi sương chưa tan, hoặc chiều tối trời về đêm âm khí nặng nề không có lợi cho sức khỏe. Phụ nữ có thai, “đèn đỏ”, người yếu, trẻ em dưới 10 tuổi… không nên đi tạ mộ để tránh bị nhiễm âm khí, phong hàn… Không nên nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính.
Khi đi tạ mộ hãy quan tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ, nên “thăm hỏi” các mộ phần xung quanh. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng cần thắp cho “họ” nén hương.
Tạ mộ là cơ hội anh em nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng… đón Tết. Tuỳ địa phương mà tạ mộ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ, hoặc đi theo dòng họ. Lưu ý người dân là không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, lạnh bụng… Hãy để lại đồ cúng ở nghĩa trang cho người đói cần ăn, hoặc đem về thì cho người nghèo khó.
Lưu ý ngày cuối năm
Sau bữa cơm Tất niên, mọi người sửa soạn cúng Giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới. Hiện nay đã có một số nơi gộp cúng Tất niên và Giao thừa làm một, với nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Lưu ý cúng lễ là không nên cúng đồ giả. Nhiều người hay lấy câu “miễn thành tâm là được” để ngụy biện, khi thực hiện lại chạy theo hình thức, khoe mẽ với người ngoài mà không chú trọng đến chất lượng của hoa quả để thờ cúng. Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) không được dùng cúng gia tiên.
Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Đĩa/mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính, mà nên để ở hai bên.
Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa.
Ông Tam Nguyên, Công ty TNHH kiến trúc phong thủy Tam Nguyên