Tuy vậy, ca cao Việt Nam chưa được thế giới biết đến nhiều vì số lượng còn ít, sản xuất manh mún, chủ yếu phân bố rải rác tại các tỉnh như một loại cây trồng xen canh. Ngoài ra, do Việt Nam chưa chú trọng việc quảng bá cho sản phẩm này đến người tiêu dùng để có thể hiểu hết được giá trị của sản phẩm.
Ca cao Việt Nam được xếp vào hàng ngon nhất thế giới nhưng còn ít người biết đến. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Ông Cường cho biết, ở một số quốc gia Châu Âu như Đức, Bỉ… có sản phẩm sữa ca cao rất nổi tiếng nhưng các nước này phần lớn không trồng, sản xuất ca cao. Đây là cơ hội để ca cao Việt Nam có thể thâm nhập thị trường và tìm kiếm thêm người tiêu thụ.
Mới đây, Hội đồng Ca cao Quốc tế (ICC) cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm những nước trồng ca cao có sản phẩm ca cao đạt hương vị tốt với 40% sản lượng ca cao đạt hương vị tốt (fine flavour). Việt Nam xếp thứ 23 trong tổng số khoảng 60 quốc gia trên thế giới có sản xuất ca cao. Ngoài Việt Nam, chỉ có 1 nước châu Á khác lọt vào danh sách này là Indonesia với tỷ lệ cao cao đạt chất lượng hương vị tốt chỉ ở mức 1%.
Thế nhưng, theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 11.600ha diện tích ca cao, tăng gần 1.500ha so với năm 2016. Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến nay, diện tích ca cao lại giảm 10.551 ha, tương ứng với 56%, mặc dù chất lượng hạt ca cao nguyên liệu trồng tại Việt Nam được các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà chế biến chocolate đánh giá là thơm ngon nhất thế giới.
Sản phẩm ngon nhưng chưa chú trọng quảng bá nên diện tích ca cao vẫn giảm mạnh trong những năm qua. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Nguyên nhân khiến diện tích ca cao giảm sâu là do giá cả biến động, có thời điểm xuống thấp, hiện nay chỉ còn dao động từ 4.500 - 5.000 đồng/kg; một số vùng trồng xen canh ca cao với cây ăn quả như bưởi, hồ tiêu..., đến khi cây ăn quả cho thu nhập ổn định, nông dân lại đốn bỏ ca cao.
Ca cao Việt Nam hiện tập trung chủ yếu 15 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích ca cao đang cho thu hoạch chiếm khoảng 70% và diện tích trồng xen chiếm khoảng trên 90%. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu trồng xen cây điều, còn tại ĐBSCL trồng xen dừa và cây ăn quả.