Thismia neptunis là một loài cây hay thay đổi. Sống dưới mặt đất, nó chỉ ló ra để nở hoa trong khoảng vài tuần mỗi năm, và khi bạn sống ở những khu rừng nhiệt đới hẻo lánh ở Malaysia, có lẽ tương đương khoảng thời gian ngắn giữa những chuyến ghé thăm của con người.
Lần đầu tiên các nhà khoa học tình cờ gặp được loài cây khó phát hiện này là vào năm 1866 – một nhà thực vật học người Ý tên Odoardo Beccari, nổi tiếng vì phát hiện và phân loại hàng trăm loài thực vật, tình cờ bắt gặp loài hoa này ở khối núi Gunung Matang ở phía tây Sarawak, Malaysia.
Sau đó, chưa từng ai trông thấy nó lần nào nữa trong hơn một thế kỉ.
Nhưng vào năm 2017, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Cộng hòa Séc đang tìm kiếm quanh khu vực đó và đã thành công tìm ra – T. neptunis!
Phần hoa của loài cây này chỉ cao khoảng 9cm, mà các nhà nghiên cứu cho là có thể liên quan đến tình trạng khó phát hiện của nó.
Họ viết trong một bài báo mới: “Vẻ ngoài kín đáo của nó có lẽ đóng góp vào vốn hiểu biết hạn chế của chúng ta về sự phân bố loài cây này vì nó có thể dễ dàng bị bỏ sót trong thực tế. Theo chúng tôi biết, đây chỉ mới là lần thứ hai ta phát hiện loài thực vậy này. Do đó chúng tôi sẽ cung cấp mô tả bổ sung, toàn bộ đặc tính bên trong, và tài liệu có ảnh đầu tiên của loài cây biểu tượng này và, vì vẻ ngoài đặc biệt của nó và cả cái tên, loài cây gần như là thần thoại”.
Nhưng các nhà khoa học không chỉ hào hứng về độ hiếm có của loài cây này, nó còn có vài đặc tính rất kì lạ.T. neptunis thuộc về một nhóm thực vật có tên mycoheterotrophic, thức ăn của chúng là nấm thay vì ánh dương theo kiểu truyền thống.Chúng không còn cần chất diệp lục, không có lá, và thậm chí không cần quang hợp – thay vào đó lấy dinh dưỡng từ những loại nấm đặc biệt.
Ngoài sự kì lạ của loài cây này, chúng ta còn cực kì ấn tượng với độ chính xác những bức vẽ của chúng vào năm 1866. Nó thật sự sẽ cho bạn hình dung loài cây này trông kì quặc như thế nào:
Bản vẽ gốc của Beccari năm 1866.
Cây Thismia neptunis chỉ xuất hiện trên mặt đất khi mọc hoa và rất khó phát hiện - Ảnh của Sochor et al.
Lộc Xuân (Theo Science Alert)