Tờ giấy cầm tay của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở cuộc gặp với G.Bush
Tờ giấy cầm tay của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở cuộc gặp với G.Bush
Nguồn:Báo Điện tử
Lúc nói chuyện với Tổng thống Mỹ G.Bush trong cuộc hội đàm song phương năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn cầm tờ giấy trên tay.
"Đó là cuộc gặp lịch sử, đưa quan hệ Việt - Mỹ bước vào một giai đoạn mới. Hai nước từ chiến tranh thù địch chuyển thành đối tác" - ông Kiều Đình Thụ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhớ lại chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6/2005.
Ông Thụ khi ấy là thư ký của Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng phái đoàn 200 người sang Mỹ, Canada.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ G.Bush |
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Mỹ, sau 30 năm kết thúc chiến tranh.
Thời điểm ấy, nước ta đã từ bỏ nền kinh tế bao cấp, bước vào thời kỳ đổi mới, với các chính sách kinh tế thị trường và rất cần các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng lúc đó muốn vận động mối quan hệ Việt - Mỹ xích lại gần nhau hơn, trên cơ sở ổn định lâu dài, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Ta một mặt kêu gọi doanh nghiệp ở Mỹ đầu tư vào, mặt khác tìm kiếm thị trường cho tôm cá, hải sản hoa quả, hàng may mặc, giày dép sản xuất sang Mỹ - nước có nhu cầu rất lớn, ông Thụ chia sẻ.
Vị thư ký kể, nhận định cuộc làm việc với các đối tác Mỹ sẽ rất căng thẳng, nhất là với Tổng thống G.Bush, nên Thủ tướng Phan Văn Khải đã tự chuẩn bị rất lâu. Thậm chí Thủ tướng khi đó đã tìm hiểu về Tổng thống Bush rất kỹ trước khi gặp mặt.
"Khi đàm phán với Tổng thống G.Bush, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn cần trên tay một tờ giấy. Mỗi khi muốn phát biểu điều gì đó, Thủ tướng lại nhìn giấy rồi nói. Một số người không hiểu, nói rằng Thủ tướng không đủ tự tin để trình bày trước ông G.Bush, nhưng thực ra đó xuất phát từ tính cẩn thận của Thủ tướng Phan Văn Khải" - ông Thụ nói lý do.
|
Cái bắt tay lịch sử giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với Tổng thống G.Bush |
Theo ông Thụ, Thủ tướng Phan Văn Khải viết những thứ quan trọng ra mảnh giấy đó, để tránh bị bỏ sót, luôn cầm sẵn trong tay. Một cuộc làm việc lịch sử như vậy, nói thiếu sót nội dung gì thì không dễ để có cuộc gặp tương tự.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phái đoàn 200 thành viên do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu, có tới 80 nhà doanh nghiệp.
Lúc đó Thủ tướng muốn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và cuộc làm việc với các đối tác ở Mỹ là cơ hội không thể bỏ qua. Thủ tướng muốn doanh nghiệp 2 nước tìm hiểu, hợp tác lâu dài.
Ngoài các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Bush, cùng các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ của Quốc hội Mỹ, Thủ tướng dành thời gian đi thăm, gặp gỡ công ty lớn hàng đầu, như tập đoàn Boeing, Microsoft, trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld…
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng tới thăm thị trường chứng khoán New York - “trái tim kinh tế thế giới". Tại đây, Thủ tướng đã rung hồi chuông dài khai mạc phiên giao dịch chứng khoán lúc 9h30 (20h30 theo giờ Hà Nội).
"Chứng kiến hoạt động nhộn nhịp ở thị trường chứng khoán New York, Thủ tướng Phan Văn Khải mong muốn nước ta sẽ phát triển thị trường chứng khoán khi đó mới thành lập được 5 năm, từ đó là kênh huy động vốn, đóng góp vào công cuộc đưa kinh tế đất nước đi lên" - ông Kiều Đình Thụ nhớ lại.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Harvard - một trong những trường đại học lớn nhất thế giới và Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) - ngôi trường nổi tiếng đào tạo sinh viên trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.
Ông Thụ nói, trong quá trình thăm 2 nơi này, Thủ tướng nhấn mạnh tới việc muốn đưa Việt Nam đi lên, sánh vai với các cường quốc, thì đầu tiên phải có nguồn nhân lực tốt, dồi dào.
Harvard vốn là một viện đại học nghiên cứu tư thục, nhưng họ đào tạo được nguồn nhân lực rất tốt. Thủ tướng trăn trở làm sao Việt Nam có các trường đại học tương tự, tận dụng được nguồn lực xã hội mà không dựa vào nguồn ngân sách nhà nước – ông Thụ kể.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải cách đây 13 năm đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.