Theo cập nhật mới nhất thứ hạng và tài sản các tỷ phú thế giới từ bảng xếp hạng Real Time Ranking của Tạp chí danh tiếng Forbes, tài sản của tỷ phú (đa ngành) Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã chạm mốc 7 tỷ USD.
Tính đến thời điểm cuối giờ chiều ngày 6/4, theo thứ hạng những người giàu nhất thế giới, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp hạng 239 thế giới. Thứ hạng này đã thay đổi tăng lên một bậc so với ngày trước đó là 240 thế giới.
Đáng chú ý, với những ai thường xuyên cập nhật bảng xếp hạng Real Time Ranking của Forbes có thể thấy tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tiếp vượt mốc 5,6 rồi 7 tỷ USD.
Như vậy, kể từ thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú đô la thế giới năm 2018, tài sản ròng của ông Vượng mới ước tính khoảng hơn 5 tỷ USD. Sau hơn một tháng khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng khoảng 2,7 tỷ USD. Tính ra, bình quân mỗi ngày tăng hơn 90 triệu USD.
|
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cán mốc 7 tỷ đô la Mỹ (xếp hạng 239 thế giới). Ảnh: Chụp màn hình Forbes. |
Tài sản tăng đồng nghĩa thứ hạng của ông Phạm Nhật Vượng cũng bật tăng ấn tượng so với các tỷ phú tên tuổi trên thế giới. Người giàu nhất Việt Nam đã vượt qua khá nhiều doanh nhân, ông chủ công nghệ tên tuổi của làng tỷ phú thế giới.
Tại Đông Nam Á, ông Phạm Nhật Vượng đã xếp thứ 12 trong tổng số 110 tỷ phú đô la có tên trong danh sách cập nhật của Forbes.
Đáng chú ý, trong số các tỷ phú Việt Nam được Forbes xếp hạng, ngoài ông chủ tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc hãng hàng không VietJet Air cũng đang tăng số tài sản khá tốt, hiện tổng tài sản đạt 3,7 tỷ USD (xếp hạng 634 thế giới).
Trong khi đó, tổng tài sản của hai vị tỷ phú còn lại của Việt Nam mới được Forbes xếp hạng đầu năm nay là ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long gần như không thay đổi.
Tại thời điểm cuối năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng từng trong một ngày lịch sử đã chiếm 2 đỉnh cao đó là giành lại vị trí người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và sở hữu doanh nghiệp tư nhất lớn nhất nước.
Vậy câu hỏi được khá nhiều người quan tâm đó là nguồn tài sản nào khiến tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục tăng như vậy.
Trước tiên, có thể thấy tốc độ tăng trưởng tài sản của ông Vượng có thể đoán được một phần từ đà tăng không ngừng cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup.
Kết thúc phiên chiều ngày 6/4, cổ phiếu VIC tiếp tục tăng so phới phiên sáng lên 132.400 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt gần 350.000 tỷ đồng (tỷ trọng 10,63%). Con số trên đã bỏ khá xa doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Nhìn vào đồ thị kỹ thuật biểu thị cổ phiếu VIC từ cuối năm 2017 đến nay, có thể thấy cổ phiếu VIC bứt phá tăng mạnh theo phương thẳng đứng, gấp nhiều lần so với thời điểm tháng 11/2017.
Có thể nói, cổ phiếu VIC có vai trò tác động ngày càng lớn đối với thị trường chứng khoán, đóng vai trò chính kéo thị trường chứng khoán trong quý I năm 2018 tăng điểm ngoạn mục.
Theo số liệu ba tháng đầu năm cho thấy, chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng nhanh nhất thế giới (19,33%). VN-Index hiện đã cán mốc 1.196,96 điểm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). VINFAST sẽ trở thành thương hiệu sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Ngày 4/4, HOSE đã chính thức thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của gần 2,7 tỷ cổ phiếu Vinhomes, đơn vị là chủ đầu tư dự án Times City và hàng loạt dự án có vốn đầu tư lớn khác tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Tập đoàn Vingroup nắm giữ hơn 68% vốn cổ phần của Vinhomes.
Kỳ vọng việc Vinhomes có vốn đến gần 27.000 tỷ đồng khi lên sàn sẽ góp phần gia tăng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bên cạnh đó, Vincom Retail là doanh nghiệp vận hành trung tâm thương mại đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Hiện cổ đông lớn của Vincom Retail bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Những công ty này đều mang dấu ấn của ông Phạm Nhật Vượng.
Ngay sau khi chào sàn, Vincom Retail đã tạo nên phiên chấn động với quy mô giao dịch đạt 743 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 17.000 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9/2017, Vincom Retail đang quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và thành phố lớn của cả nước với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2, chiếm 60% thị phần trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng bán lẻ trên cả nước.
Bên cạnh đó, Vincom Retail còn hơn 72 dự án đang và sắp triển khai trên toàn quốc. Năm 2018, công ty tiếp tục mở thêm trên 30 trung tâm thương mại tại các địa bàn mới, hướng tới mục tiêu đạt 200 trung tâm thương mại vào năm 2021.
Ngoài khối tài sản “khổng lồ” từ thị trường chứng khoán, nhiều tài sản khác có liên quan đến “Vingroup” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang ngày càng lớn mạnh được giới đầu tư trông đợi.
Có lẽ điều mà giới đầu tư mong đợi nhất đó là việc sẽ ra mắt thị trường xe máy điện đầu tiên vào tháng 9 tới và tiếp theo là những chiếc xe hơi mang thương hiệu Vìnast, dự kiến vào tháng 9/2019.
Một lĩnh vực khác Vingroup đang đầu tư là dược phẩm, hứa hẹn góp phần vào sự bứt phá chung của tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng.
Sự phát triển của Vingroup dựa trên nền tảng sẵn có cùng với những dự án đầy tiềm năng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tiếp đà tăng cho cổ phiếu VIC.
Với tốc độ này, ngay trong năm 2018, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hoàn toàn có thể tăng cao hơn nữa và bỏ xa con số 7 tỷ USD.