Điều kỳ diệu về vị tướng cả đời chiến đấu không một lần bị thương
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
“Có nhiều anh em hỏi vui tôi, vì sao cả đời chiến đấu trải qua các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, trưởng thành từ người lính cho đến sỹ quan cấp tướng lại không hề “dính” một mảnh đạn, bom nào. Tôi cười và nói có 3 lý do…”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 nói khi trò chuyện với PV Dân Việt.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (ảnh nhân vật cung cấp).
Nặng 37kg vẫn quyết tâm vào bộ đội
Năm nay bước sang tuổi 88 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, dường như mọi ký ức từ lúc còn là một thanh niên mới nhập ngũ cho đến những ngày tháng chiến đấu ở những chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc đều in đậm trong tâm trí ông.
Tướng Huy sinh năm 1931, quê ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp từ tháng 6.1948. “Hồi đi khám tuyển vào bộ đội người tôi gầy lắm, chiều cao thì đủ nhưng cân nặng chỉ có 37kg nên bị loại ngay. Tôi đã khóc chạy theo người tuyển quân nói, ông cho cháu đi bộ đội chứ cháu không về nhà nữa. Tôi khóc và xin mãi cuối cùng người tuyển quân đã đồng ý nhận, ông bảo “đi đánh Pháp quan trọng nhất là tinh thần”, tướng Huy nhớ lại.
Nói về khát khao vào bộ đội, tướng Huy cho biết, vào tháng 3.1945, khi còn là cậu thiếu niên ông cũng tham gia rải truyền đơn cho Việt Minh, được nghe nói nhiều về Việt Minh nên có sự thôi thúc. “Năm 1945, Nhật về làng tôi bắt nhổ lúa trồng đay. Rồi thiên tai ập tới, làng tôi cũng như các làng quê khác rơi vào cảnh chết đói, chỉ riêng gia đình nhà cậu tôi đã có 7 người chết vì đói. Đến năm 1947, thực dân Pháp tràn về quê tôi, chúng đốt cả làng. Vào một ngày mùa đông cuối năm đó, hai bố con người bác của tôi bị Pháp bắn chết ngay trước cổng làng. Tất cả những điều đó càng thôi thúc tôi quyết tâm vào bộ đội”, tướng Huy kể.
Vào một đêm tháng 6.1948, tướng Huy gặp ông nội nói: “cháu đi bộ đội, ông đừng nói gì với mẹ cháu vội”. Từ biệt ông nội xong, người thanh niên Nguyễn Đức Huy một mình lặn lội trong đêm tìm về Ân Thi, Hưng Yên để xin nhập ngũ.
Quân ta trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 (ảnh TL).
Nhiều lần thoát chết trong gang tấc
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chống Mỹ, ông Nguyễn Đức Huy đã trải qua rất nhiều trận chiến đấu ác liệt có thể kể như trận Khe Sanh (Quảng Trị -1968), chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972), trận đường 9 Nam Lào (1971), đặc biệt là tham gia những trận đánh trong cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975.
Cuối năm 1967, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng Mỹ ở Khe Sanh, Quảng Trị; thứ hai là nghi binh làm sao kéo lực lượng của Mỹ ra Khe Sanh tạo điều kiện cho mặt trận khác; nếu có điều kiện sẽ giải phóng đất đai ở Quảng Trị. Lúc này ông Huy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 9 Sư đoàn 304.
Có thể thấy trận Khe Sanh diễn ra vô cùng ác liệt, quân địch đã sử dụng rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có “pháo đài bay B52” rải thảm. Chỉ tính riêng từ ngày 20.1 đến ngày 31.3.1968, quân đội Mỹ đã sử dụng đến 24.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, 2.700 lần chiếc "pháo đài bay B52", dội xuống khu vực Khe Sanh trên 100.000 tấn bom; các trận địa pháo của quân Mỹ bắn tới 150.000 quả.
Nhân dân chào đón quân giải phóng (ảnh TL).
Tướng Huy kể: “Khi đơn vị đang bao vây căn cứ Tà Cơn, hầm chỉ huy của tôi nằm cách khu vực địch khoảng vài trăm mét. Đêm nào máy bay B52 của địch cũng rải bom. Như thường lệ, một buổi sáng chiến sĩ cần vụ lên kiểm tra xem đêm qua địch rải mìn lá hay vũ khí gì không. Anh cần vụ bỗng phát hiện cách hầm của tôi 1m có một hũ bom (một lỗ sâu quả bom nằm trong chưa nổ). Thấy vậy chúng tôi vội vàng rời hầm. Sau này mới biết đó là quả bom thối, nếu như bom nổ thì tôi cũng chẳng còn”.
Vẫn tại chiến trường Khe Sanh, sau những tổn thất quân Mỹ buộc phải co cụm. Tuy nhiên phía ta dự kiến chúng sẽ đổ bộ đường không ra nên cấp trên đã lệnh cho Tiểu đoàn 3 của ông Huy làm chốt thứ ba gọi là chốt Làng Khoai để chặn địch. “Làng Khoai là chốt nổi tiếng của chiến trường Khe Sanh. Chỉ trong 5 ngày chốt này đã phải chịu hàng nghìn quả bom và đạn pháo. Có ngày địch đánh tan cả trận địa của ta, nhưng đêm đến chúng tôi lại củng cố lại. Cũng trong vòng 5 ngày, đơn vị chúng tôi đánh bại 2 tiểu đoàn kỵ binh đường không của Mỹ, diệt hơn 400 tên”, tướng Huy nhớ lại.
Cũng tại trận bao vây căn cứ Tà Cơn, một lần khác ông Nguyễn Đức Huy cũng thoát chết trong gang tấc. Lần đó, ông đi dọc theo giao thông hào để kiểm tra trận địa, bỗng máy bay trực thăng địch phát hiện, chúng đã bắn pháo khói để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu đến đánh bom. Ông Huy vội nhảy xuống hào vừa chạy vừa tìm hầm kiểu hàm ếch để ẩn. Bỗng có một chiến sĩ đang nằm ẩn trong hầm lao ra ôm lấy ông và đẩy vào. Người chiến sĩ này nằm phía ngoài che chắn. Cùng lúc đó máy bay địch xuất hiện đánh phá dữ dội.
“Sau này tôi tìm mãi vẫn không gặp lại được người chiến sĩ đã cứu mình. Đến dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng Khe Sanh (năm 2013), đồng đội cũng giúp tôi tìm kiếm nhưng vẫn không được”, tướng Huy nghẹn giọng.
Bốn năm sau, đến chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972), ông Huy lúc này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, Sư đoàn 325. Những ngày khói lửa ác liệt trên đất Quảng Trị cũng ghi dấu kỷ niệm về một lần thoát nạn khác của ông. Lúc đó sở chỉ huy của Trung đoàn 18 đóng ở khu vực sông Lai Phước, vào một đêm tháng 9.1972, bom địch đã đánh trúng sở chỉ huy khiến đồng chí Trung đoàn Phó và 5 trợ lý hy sinh. Hai ngày hôm sau B52 của Mỹ tiếp tục rải thảm vào khu vực đó.
“Đêm đó, một quả bom đã rơi trúng nóc hầm của tôi, tiếng nổ xé tai, nóc hầm bị hất tung. Dưới hầm có tôi và 4 trợ lý rất may không ai bị thương, chỉ có một anh ngồi ngoài hầm bị cháy lông mày. Sau này chúng tôi mới biết đó là quả bom phạt (chạm đất nổ ngay) chứ không phải bom đào (khoan xuống đất mới nổ)”, tướng Huy cho biết.
Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào (năm 1971), ông Huy lại vượt qua cái chết một cách kỳ diệu, lần này không phải đạn, bom mà là bệnh sốt rét ác tính. Ông cho biết, khi chiến dịch đang diễn ra giữa chừng thì ông bị sốt rét ác tính, đi tiểu ra máu. Đồng đội đưa ông đi cấp cứu ở trạm 41 Quảng Bình. Ông nằm bất động 3 ngày, lúc đó chỉ còn 1,2 triệu hồng cầu/mm3 máu (người thường hơn 4 triệu hồng cầu). “Ai cũng tưởng tôi không thể qua khỏi, anh em còn đặt sợi bông trước mũi xem tôi còn thở không, sau 3 ngày nằm tôi tỉnh lại”, tướng Huy cho hay.
Sau hơn 20 ngày nằm điều trị ông được chuyển tiếp ra Bệnh viện Quân y 108. Sau 3 tháng, ông khỏe và tiếp tục vào chiến trường chiến đấu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị do ông chỉ huy tham gia nhiều trận đánh để tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Tướng Huy cười và bảo, cả cuộc đời ông dường như đều gắn với chiến trường. Sau những năm hòa bình ngắn ngủi, ông lại tiếp tục tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1979, ông dẫn một trung đoàn lên Cao Bằng. Thời gian sau đó ông làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) cho đến khi cuộc chiến kết thúc (1989).
Tôi bảo ông, cả đời chiến đấu như vậy mà không lần nào bị thương đó là điều rất kỳ diệu. Ông cười xòa bảo: “Cũng có nhiều anh em hỏi vui với tôi, vì sao cả đời chiến đấu trải qua các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, trưởng thành từ người lính cho đến sỹ quan cấp tướng lại không hề “dính” một mảnh đạn, bom nào. Tôi cười và nói có 3 lý do, thứ nhất là được các liệt sĩ phù hộ; thứ hai nhờ hồng phúc của gia đình; thứ ba là số phận may mắn.”
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng viết về tướng Nguyễn Đức Huy: “Suốt 48 năm liên tục trong quân ngũ, được rèn luyện thử thách trong hai cuộc kháng chiến, có mặt ở hầu hết các chiến trường, được giao phụ trách nhiều cương vị từ đơn vị cơ sở đến cấp Quân khu, ở cương vị nào, dù nhiệm vụ khó khăn phức tạp mấy anh đều hoàn thành tốt..."