Khi thấy những bộ linh vật này, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng vì chúng là những viên đá tự nhiên không hề được đẽo gọt mà lại giống với bộ phận sinh dục nam và nữ y như đúc.
Cả Tây Bắc chỉ có 3 người sở hữu vật thiêng
Được sự giới thiệu của người quen, chúng tôi rong xe ngược miền Tây Bắc để đi tìm linh vật đã đi vào huyền thoại của người Thái đen từ mấy trăm năm nay.
Từ huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đi tắt qua con đường mòn vắt qua những triền núi cao để đến huyện Mường La, tỉnh Sơn La đi tìm khuây đán, hi đán.
Gần 4 tiếng đồng hồ lặn lội đường rừng, chúng tôi men theo con đường dẫn lên một ngọn núi cao ngất trời, phía dưới chân núi là một thung lũng bằng phẳng, ở đó có những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện sau làn sương mù bảng lảng. Người dẫn đường của chúng tôi chỉ tay về phía thung lũng rồi bảo: "Đó là xã Ngọc Chiến và xã Pí Tòng của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hiện ở khu vực Sơn La chỉ có nơi này còn giữ được linh vật hi đán, khuây đán vì khu vực này tập trung đông đồng bào Thái đen".
Mất hơn một giờ đồng hồ nữa phi xe xuống con dốc gồ ghề bẫy đá, chúng tôi lọt thỏm xuống thung lũng Pí Tòng. Dừng xe bên một quán rượu hỏi thăm linh vật, một nhóm thanh niên bỗng cười sặc sụa bảo: "Tao sống ở đây mấy chục năm mà chưa được một lần nhìn thấy huống chi là mày. Chúng tao cũng có tìm kiếm nó nhưng mà khó lắm! Mấy ông cầm đầu ma không cho xem đâu".
Theo lời những người đã từng cất công đi tìm hi đán, khuây đán thì riêng ở Sơn La chỉ có người Thái đen ở Mường La mới có linh vật này. Trước đây ở Mường La có 4 người sở hữu vật thiêng, nhưng năm 2010 một bộ đã bị "giết chết" nên hiện tại chỉ còn 3 người sở hữu.
Tuy nhiên những người sở hữu linh vật này rất ít khi cho người lạ xem, trường hợp họ cho ai đó mượn để làm "bùa yêu" thì chỉ có người chủ và người mượn biết với nhau, nếu mà người mượn nói ra với người khác thì "bùa yêu" sẽ mất tác dụng. Chính vì thông tin về hi đán, khuây đán ít lọt ra ngoài nên càng khiến cho câu chuyện về linh vật này càng trở nên kỳ bí khó hiểu.
Mất nhiều ngày tìm kiếm tung tích của vật thiêng, chúng tôi mới gặp được một người tên là Quàng Văn Úa ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Gặp chúng tôi, ông Úa tỏ ra lúng lúng, mặt ông đăm chiêu hết đi ra cửa lại quay vào nhà, ông uống gần chục chén trà đặc, hút bốn, năm mồi thuốc lào rồi mới miễn cưỡng cất lời: "Sao mày biết nhà tao có cái đó?". Anh bạn đồng nghiệp nhanh nhảu đáp: "Dạ cháu trai ông giới thiệu, bảo là nhà ông có nên chúng cháu đến xin được xem".
|
Quàng Văn Úa bên bộ hi đán, khuây đán huyền thoại. |
Nét mặt ông Úa vẫn chưa bớt đi vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Sau khi nghe anh bạn đồng nghiệp của tôi trả lời hồi lâu ông không nói không rằng gì thêm mà lọc tọc lên gác lấy xuống một cái túi vải bé bằng bàn tay, bên trong túi là bộ hi đán, khuây đán mà biết bao người mơ ước được nhìn thấy dù chỉ một lần trong đời.
Trước khi chúng tôi xem, ông Úa bảo chúng tôi ra ngoài bể rửa tay bằng nước sạch và lau khô tay rồi mới được cầm vào linh vật của gia đình. Ông cẩn thận mở chiếc túi ra và lôi ra hai vật đã đi vào huyền thoại mấy trăm năm nay.