Nên có thêm trang Facebook về thương binh-liệt sĩ

Ngày đăng: 02:28 07/07/2018 Lượt xem: 422
Hội viên cần biết


                   Nên có thêm trang Facebook về thương binh-liệt sĩ



           Sau ngày giải phóng, mặc dù có sự nỗ lực tìm kiếm, quy tập, xác định thông tin hài cốt liệt sĩ  từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cả những cựu quân nhân nhưng cho đến nay, công tác thiêng liêng ấy vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
   
           Năm 2013, Chính phủ từng phê duyệt 2 đề án là Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai. Còn lại Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, chỉ có đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác. Điều đó cho thấy, việc tìm kiếm đang gặp trở ngại vì sự kết nối thông tin cũng như khoảng cách địa lý. 
   
           Như chúng ta biết, công nghệ thông tin giúp ích cho nhân loại rất nhiều, trong đó có việc gắn kết thông tin với nhau từ khắp nơi trên thế giới: nhanh – gọn – tương tác. Vậy tại sao từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng không lập một trang thông tin điện tử về thương binh liệt sĩ để công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ dễ dàng hơn? Đó là một thiếu sót của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội. Sự mong mỏi của người dân, nhất là những cựu quân nhân sắp được toại nguyên. Chiều ngày 10/07/2017, tại tại cuộc họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/07/2017) diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện đã xây dựng những trang thông tin tìm kiếm thông tin liệt sỹ trên việc tích hợp cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng. Dù chậm nhưng chưa muộn.
   
            Tuy nhiên, các Bộ liên quan cần lập thêm một trang fanpage Facebook chính thức để gắn kết các cựu quân nhân trên mọi miền đất, trên khắp thế giới lại với nhau. Có những người, sau giải phóng, vì nhiều lý do, họ không còn sống ở quê hương cũ nữa. Đôi khi họ muốn tìm lại đồng đội cũ từng vào sinh ra tử, chung chiến tuyến, chung màu áo quân nhân và cả màu cờ dân tộc nhưng lại không biết làm sao để liên lạc với nhau. Thông qua fanpage về thương binh – liệt sĩ, họ sẽ có dịp để tìm lại những ký ức hào hùng một thời, tìm về bạn cũ, kết thêm bạn mới, trò chuyện cho vơi đi nỗi lòng ở tuổi xế chiều. Đó là một niềm vui, một liều thuốc bổ, nhất là với những thương bị mang trong minh nỗi đau thương tật. Mặt khác, các cựu quân nhân còn có thể chia sẻ thêm nhiều thông tin bổ ích để giúp cơ quan chức năng tìm kiếm đồng đội dễ dàng hơn. Sự tương tác tuyệt vời của Facebook thì ai cũng đã rõ, nên việc lập một fanpage là điều cần thiết. Đừng nghĩ người già – những cựu chiến binh ôm thép súng thô ráp một thời thì không rành về công nghệ. Đó là một sai lầm. Vì hiện nay, rất nhiều người lớn tuổi tham gia mạng xã hội, lướt web vèo vèo không kém gì tuổi trẻ.
   
             Hy vọng trong thời gian tới, các Bộ liên quan về vấn đề này thành lập một fanpage Facebook để giúp việc tìm kiếm liệt sĩ cũng như làm cầu nối giao lưu giữa các cựu chiến binh với nhau dễ dàng hơn. Đó cũng là cách thể hiện lòng tri ân đối với những người con anh dũng Việt Nam quên mình vì quê hương, đất nước.


                                                                                    ĐẶNG TRUNG THÀNH

(Bưu điện Tân Kiên,A1/70 đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM,ĐT: 0909.928.110 )

 
tin tức liên quan