Cái chết gây chấn động trong, ngoài Trung Quốc
Trước đó, những thông tin về việc Vương Kiện qua đời đã tràn ngập mạng xã hội và trên báo chí quốc tế. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn của cảnh sát Pháp cho biết, khi đó Vương Kiện đang cùng đoàn khảo sát tranh thủ đi vãn cảnh nhà thờ cổ trên núi thuộc thị trấn nhỏ Bonnieux, tỉnh Provence ở miền Nam Pháp, Khoảng 11h30’, ông muốn chụp một bức ảnh với phong cảnh, nhưng khi trèo lên cao thì bị trượt chân ngã từ độ cao khoảng 10m – tương đương tầng 3 ngôi nhà và không qua khỏi.
Một người tự giới thiệu là “người biết chuyện” kể lại với tạp chí Tài Tân: khi đó Vương Kiện định leo lên một bức tường thấp để người khác chụp ảnh ông với phong cảnh phía xa, “do lần thứ nhất leo không thành công nên ông ấy đã chạy lấy đà”, kết quả là xảy ra chuyện. Sau khi bị ngã, Vương Kiện ngất xỉu tại chỗ, sau đó được đưa tới bệnh viện cấp cứu, trong quá trình đó ông chỉ tỉnh lại một lần, thốt lên 2 từ “đau chân” rồi không tỉnh lại được nữa.
Vương Kiện và Trần Phong (trái) hai người lãnh đạo cao nhất của Hải Hàng
Ông Hubert Mériaux, quan chức cảnh sát Pháp ở địa phương nói với phóng viên “The New York Times”: Vương Kiện đã “ngã về phía sau khi leo lên một bức tường thấp, rơi xuống phía dưới cách 10 hay 15 mét gì đó”. Cảnh sát địa phương cho rằng đây là một sự cố ngoài ý muốn, tuy nhiên cảnh sát vẫn đang tiến hành khám nghiệm thi thể để xác nhận nguyên nhân tử vong.
Việc Vương Kiện đột ngột qua đời lập tức gây nên sự quan tâm của truyền thông quốc tế với những bình luận, dự đoán khác nhau. “The New York Times” viết: “Vương Kiện qua đời giữa lúc công ty của ông đang vật lộn xử lý vấn đề tài chính”. Hãng tin “Bloomberg” viết: “Tuyên bố của Hải Hàng nói Vương Kiện ngã bất ngờ, bị thương nặng không cứu được, nhưng không cung cấp thêm các chi tiết, đại biểu của Hải Hàng cũng từ chối bình luận”. “Financial Times” viết: “Vương Kiện chết giữa lúc Hải Hàng bán tháo số lượng lớn tài sản quốc tế và đang nỗ lực giảm bớt gánh nợ chồng chất trong nước tích tụ do thời kỳ bành trướng nhiều năm qua”. BBC viết, cái chết bất ngờ của Vương Kiện được cả trong, ngoài Trung Quốc quan tâm bởi có liên quan chặt chẽ tới việc Tập đoàn Hải Hàng nhiều năm qua ra sức mở rộng và mang món nợ khổng lồ…
|
Nhà thờ cổ nơi Vương Kiện đến vãn cảnh rồi ngã chết
|
Cái chết của Vương Kiện sở dĩ gây nên sự quan tâm lớn cả ở trong, ngoài Trung Quốc là do liên quan đến việc mấy năm gần đây Hải Hàng ra sức mở rộng phạm vi kinh doanh và món nợ khổng lồ mà nó đang mang trên mình. “The New York Times” cho rằng: Vương Kiện đột ngột qua đời giữa lúc Hải Hàng đang nỗ lực xử lý nợ nần trong cơn sóng to gió lớn, mấy năm gần đây họ vay ngân hàng và huy động vốn phóng tay thu mua ở nước ngoài, tổng số tiền chi ra lên tới 50 tỷ USD.
Những người trong giới kinh doanh xác nhận thông tin trên, nói: mấy năm gần đây, Hải Hàng đã bỏ ra mấy chục tỷ USD để mua các công ty tài chính, khách sạn, bất động sản và các tài sản khác ở các nơi trên thế giới, trở thành một trong “Trung Quốc Tứ đại thiên vương” trong lĩnh vực thu mua, sáp nhập ở nước ngoài cùng với Vạn Đạt, Phục Tinh và An Bang. Hai năm trước Hải Hàng còn bỏ ra 6 tỷ USD để mua hãng kinh doanh kỹ thuật Mỹ Ingram Micro và nắm giữ số lượng lớn cổ phần của các công ty lớn như Tập đoàn Hilton Hotels và ngân hàng Deutsche Bank…
|
Nơi Vương Kiện ngã xuống
|
Mọi người đều biết, cái gọi là “thu mua, sáp nhập” ở nước ngoài thực tế là một phương thức để chuyển tài sản ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc từng điểm tên chỉ mặt 4 tập đoàn lớn nêu trên bị tình nghi hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài nên các ngân hàng của Trung Quốc đã đình chỉ việc cho họ vay tiền.
Năm 2017, Trung Quốc bắt đầu để mắt đến các công ty Trung Quốc phóng tay thu mua ở nước ngoài, yêu cầu họ giảm bớt nợ nần, Hải Hàng đã liên tiếp bán ra tài sản hàng tỷ USD nhưng vẫn không che giấu được tình trạng căng thẳng về tài chính. “The New York Times” viết, Hải Hàng và một số công ty Trung Quốc lớn bị truyền thông nước này gọi là “Tê Giác đen” với hàm ý chúng có vấn đề lớn về kinh tế nhưng lại bị xem nhẹ trước khi tình hình nhanh chóng xấu đi.
|
Vương Kiện định leo lên đứng trên bức tường này để chụp ảnh
|
Việc phóng tay thu mua ở nước ngoài đã đẩy Hải Hàng lâm vào tình trạng mắc phải món nợ khổng lồ, lúc khó khăn nhất lên tới 91 tỷ USD; nhưng có báo tiết lộ, chính phủ Trung Quốc hôm 18/6/2018 đã đồng ý giúp nó “cầm máu”. Hãng Bloomberg trước đó dẫn lời một người trong giới nói: ban lãnh đạo cấp cao cho rằng vấn đề Hải Hàng gặp phải chỉ mang tính lưu động nên đã giúp họ rót vốn, nói là “cho một cơ hội”. Sau khi được Ngân hàng trung ương giúp vốn, hơn 20 quan chức cao cấp của Hải Hàng ngày 20/6 đã đến Căn cứ địa cách mạng cũ Diên An mặc trang phục Hồng quân, hát ca khúc đỏ. Khi đó, có nhân sĩ đã nhận xét: Hải Hàng là điển hình của loại doanh nghiệp sân sau của giới quyền quý, một loại “máy rút tiền” cho nên được ưu ái, bảo vệ.
Theo tư liệu công khai thì Vương Kiện sinh ở Thiên Tân, năm 1983 tốt nghiệp khoa Quản lý kinh doanh, Học viện Hàng không dân dụng (nay là Đại học Hàng không dân dụng) rồi công tác trong ngành Hàng không; đến đầu những năm 1990 ông ta cùng Trần Phong bỏ việc, sáng lập ra Hải Hàng; trước đây báo chí đã có trong tay một văn bản cho thấy Vương Kiện nắm giữ 15% cổ phần của Hải Hàng.
|
Trụ sở Hải Hàng
|
Thông tin trong giới kinh doanh cho biết: trong nội bộ Hải Hàng, Chủ tịch Tập đoàn Trần Phong gọi Vương Kiện là “đồng chí Vương Kiện”, còn Vương Kiện kêu Trần Phong là “Trần tổng”. Tuy nhiên, xưng hô là một lẽ, còn thực tế lại khác. “Kinh tế Nhật báo” viết, tuy cấp bậc, chức vị của Vương Kiện xếp sau Trần Phong, nhưng khi xảy ra vụ việc năm 2016, Trần Phong đã tránh về phía sau, tất cả mọi công việc cụ thể của Hải Hàng đều do Vương Kiện phụ trách; hay trong cuộc “khủng hoảng có tính lưu động” xảy ra cuối năm 2017, tất cả mọi việc, thậm chí đến thông tin trái chiều cũng đều do Vương Kiện đứng ra xử lý.
Rốt cục năm 2016 đã xảy ra chuyện gì, đến nay vẫn không có câu trả lời chính xác. Tờ “Nhật báo Kinh tế Hongkong” cho biết, trong 10 vụ thu mua, sáp nhập lớn ở hải ngoại thì Hải Hàng có 3, họ đã đầu tư tới 45 tỷ USD ra nước ngoài. Tuy nhiên, cuối cùng Hải Hàng vẫn được cứu thoát, chứng tỏ nó có thế lực đứng sau rất ghê ghớm…
Ngã, tự sát hay bị sát hại?
Tuy cho đến nay, thông tin chính thức về nguyên nhân cái chết của Vương Kiện là “tự ngã, rơi từ độ cao 10 mét xuống, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi”; nhưng mấy ngày qua đã râm ran những tin đồn khác. Ngay sau khi có tin Vương Kiệt ngã tại khu nhà cổ - một danh thắng của thị trấn Bonnieux, nhà chức trách địa phương đã bày tỏ ngạc nhiên vì bao năm qua, hàng triệu du khách đã đến đây nhưng chưa hề xảy ra chuyện tương tự. Thông tin về những người có mặt cũng mỗi lúc một khác, lúc đầu nói khi Vương Kiện ngã không có mặt bất cứ người thân nào ở đó, sau lại nói có; tiếp đó lại có tin đồn Vương Kiện tự sát do không chịu nổi áp lực nợ nần; rằng ông ta chọn ngày chết là 3 tháng 7 là nhằm chuyển tải thông điệp cảnh báo “(Vương) Kỳ Sơn chết” vì theo âm Bắc Kinh thì “chết ngày 3 tháng 7 – Thất tam tử” rất giống với “Kỳ Sơn tử” (ông Vương Kỳ Sơn được một số nguồn cho là có người thân đứng sau Tập đoàn Hải Hàng); rằng “Vương Kiện bị chết vì vấn đề của Hải Hàng đã đến mức ông không chết thì không thể hóa giải được”; rằng “đó là hậu quả của một cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo cấp cao của Hải Hàng, tình tiết cụ thể người ngoài không thể biết”…Từ hôm 4/7 trên cộng đồng mạng Wechat lại lan truyền một thông tin được cho là “của người trong nội bộ Hải Hàng” kèm bức hình với nội dung “Chủ tịch HĐQT công ty bị người khác đẩy xuống chỗ này” với mấy dòng viết thêm: “Tình hình cụ thể không rõ; nhưng tự sát là không thể vì không nghe những người tin theo đạo Phật lại tự sát bao giờ”.
|
Thông tin lan truyền trên mạng cho rằng ông Vương Kiện bị người khác đẩy ngã
|
Ngoài những tranh cãi về nguyên nhân cái chết của Vương Kiện, việc ông qua đời còn để lại nhiều vấn đề và điều bí ẩn; vấn đề cốt lõi là: Hải Hàng hiện đang phải đương đầu với khủng hoảng nợ nần lên tới 600 tỷ NDT (91 tỷ USD) và áp lực về tiền vốn, rốt cục sẽ làm thế nào để thoát ra khỏi thời điểm đen tối này? Rồi cả những bí mật của việc vì sao chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hải Nam lại đồng ý rót tiền để cứu Hải Hàng, giúp nó cải tử hoàn sinh có lẽ cũng ra đi cùng với Vương Kiện.
Số tài sản khổng lồ của Vương Kiện sẽ được phân chia như thế nào sau khi ông qua đời? Tờ Minh Báo (Hongkong) viết: 1 năm trước khi Vương Kiện chết, Hải Hàng từng công bố kế hoạch quyên tặng cổ phần sau khi cổ đông qua đời. Theo đó, sau khi Vương Kiện chết, toàn bộ 14,98% cổ phần của Hàng Hải mà ông nắm giữ sẽ được quyên tặng cho Quỹ từ thiện Hàng không (Cihang Foundation).