"Thảm họa" chưa kết thúc với "đội bóng nhí" sau khi được giải cứu

Ngày đăng: 08:13 11/07/2018 Lượt xem: 504


"Thảm họa" chưa kết thúc với "đội bóng nhí" sau khi được giải cứu

 

                                                     Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Ngoài các vấn đề về sức khỏe, các cậu bé của đội bóng "Lợn Hoang" còn đối mặt với một thứ đáng sợ khác có tên PTSD.


 
Tiêu điểm - ''Thảm họa'' chưa kết thúc với ''đội bóng nhí'' sau khi được giải cứu
Huấn luyện viên Ekapol Chanthawong (giữa) với các học trò trong đội bóng "Lợn Hoang".

Đến chiều ngày 10/7, bốn cậu bé và người huấn luyện viên còn lại trong hang Tham Luang được kỳ vọng sẽ thoát ra ngoài trong chiến dịch giải cứu lần 3 của Thái Lan.

Sau hai chiến dịch trước, 8 thành viên trong đội bóng nhí “Lợn Hoang” - những người đã bị mắc kẹt trong hang động kể từ ngày 24/6 - đã được giải cứu. Lực lượng cứu hộ với 90 thợ lặn cùng với các chuyên gia đang tích cực tiến hành các nỗ lực để đưa những người cuối cùng ra ngoài.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra đó là trải nghiệm kinh hoàng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của các cậu bé sau khi trở lại với cuộc sống bình thường.

12 bé trai, tất cả đều ở độ tuổi từ 11 đến 16, đã phải trải qua 9 ngày sống trong bóng tối mà không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sau khi được tìm thấy, các thành viên của đội bóng dù nhí vẫn phải chống chọi thêm 6 ngày nữa trước khi được đưa ra ngoài.

Về sức khỏe, các cậu bé sẽ cần được theo dõi và xét nghiệm xem có mắc các bệnh nhiễm trùng hay chịu các tác nhân gây hại do việc lưu trú trong hang quá lâu hay không.

Dù một quan chức y tế Thái Lan đã xác nhận, các chàng trai trẻ đang ở trong trạng thái "tinh thần rất tốt" và có hệ miễn dịch khỏe mạnh, vẫn còn mối lo khác đến từ những chấn thương tâm lý có thể bộc phát trong tương lai.

Sang chấn tâm lý

Phát biểu với IndiaToday.in, Tiến sĩ Pallavi Aravind Joshi, bác sĩ tư vấn sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Columbia Asia Whitefield, nói rằng một số cậu bé có thể đối mặt với tình trạng “Hậu chấn tâm lý” – PTSD.

Đây là một dạng rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó dù sự kiện đã kết thúc từ lâu.

Tiêu điểm - ''Thảm họa'' chưa kết thúc với ''đội bóng nhí'' sau khi được giải cứu (Hình 2).

Ở trong hang quá lâu có thể khiến các cậu bé gặp phải những chấn thương tâm lý sau này.

"Trải nghiệm đó nằm ngoài khả năng chịu đựng của người bình thường. Phần lớn các cầu thủ nhí có thể sẽ trải qua những phản ứng căng thẳng đặc trưng như luôn lo sợ, khó ngủ, khó chịu, thường xuyên hồi tưởng lại sự kiện, và khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống thực tại", Tiến sĩ Joshi cho biết.

"Một vài trong số các cậu bé có thể rơi vào PTSD, khi các triệu chứng nói trên kéo dài hơn một tháng kể từ sau vụ việc”, vị bác sĩ này giải thích thêm.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, không phải cậu bé nào cũng sẽ chịu tác động sau chấn thương tâm lý như vậy.

"Tình trạng này không phải đúng với tất cả. Một vài người có thể sớm hòa nhập lại với cuộc sống sau khi được giải cứu, tùy vào sự vững vàng về tâm lý của họ", Tiến sĩ Joshi lý giải.

Ngoài ra, triệu chứng này sẽ phụ thuộc một số yếu tố tác động khác liên quan đến di truyền v.v…

Liệu pháp tinh thần

Các bác sĩ nhấn mạnh rằng việc nhanh chóng được gặp lại cha mẹ là liệu pháp tinh thần tốt nhất để loại bỏ sự căng thẳng của các cầu thủ nhí. Và tốt hơn hết là cần có sự giúp đỡ thêm của các chuyên gia tâm lý.

"Phụ huynh nên chú trọng đến việc mang đến cảm giác an toàn cho con của mình trong vài ngày sau khi ra khỏi hang. Họ nên ngủ chung với con, có các cử chỉ bảo vệ như ôm, nắm tay, vv…", bác sĩ Joshi cho biết.

Ngoài ra, cần quan sát các triệu chứng của các cậu bé nếu cảm thấy chúng trở nên tách biệt với mọi người, thường xuyên thức dậy nhiều lần trong đêm khi nhớ về sự kiện trong quá khứ, thường xuyên né tránh mọi người và thường lo lắng, buồn rầu.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng trẻ em thường kiên cường hơn người lớn. Trong khi một người trưởng thành thường có cảm xúc và suy nghĩ theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi trải qua sự kiện như vậy, một đứa trẻ lại thường dễ quên nhanh chóng.

"Trẻ em xử lý các tình huống như vậy tốt hơn, do đó tỷ lệ rơi vào PTSD là ít hơn so với người lớn", tiến sĩ Joshi nói.

Dù có những lo ngại về sức khỏe của các cậu bé, nhiều người vẫn hy vọng câu chuyện của 12 chàng trai và người huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang động ở Thái Lan sẽ đi đến một kết thúc có hậu.

 
tin tức liên quan