Đập Thủy điện Hòa Bình chịu được 4 quả bom nguyên tử, an toàn gần như tuyệt đối?

Ngày đăng: 08:23 02/08/2018 Lượt xem: 649


Đập Thủy điện Hòa Bình chịu được 4 quả bom nguyên tử, an toàn gần như tuyệt đối?

 
                                                            Nguồn:Báo Điện tử VTC


Sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, lại rộ lên tin đồn về các vết nứt ở những quả đồi bên đập Thủy điện Hòa Bình, khiến độc giả bày tỏ lo lắng.



Báo điện tử VTC News đăng tải bài viết của nhà báo Nguyễn Như Phong, để chúng ta hiểu hơn về Thủy điện Hòa Bình.

Hồi sắp khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, tôi ngồi bên ông Ngô Xuân Lộc, người đã từng 8 năm làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, rồi sau này ông làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rồi Phó thủ tướng Chính phủ, chỉ sang phía ông Trần Thọ Chữ, là Giám đốc Công ty Công trình ngầm hồi xây dựng Thủy điện Hòa Bình bảo: “Hồi ấy, "thằng" này "nó" khoan đường hầm, chỉ tiêu giao mỗi tháng 15m chiều dài, nếu tháng nào nó khoan được 18m là công nhân được thưởng một bữa thịt lợn luộc... Còn bây giờ, nếu với đường hầm như thế thì phải khoan được cả hơn 100m.

Tôi nhìn ông Trần Thọ Chữ và nhớ như in cái dáng người thấp, đậm của ông lúc nào cũng như thoắt ẩn thoắt hiện trên công trường năm xưa.

Ông là một người gắn với nhiều huyền thoại và chỉ riêng chuyện ông tự học tiếng Nga để đọc thông viết thạo, đủ sức tranh luận với các chuyên gia Liên Xô về các vấn đề kỹ thuật cũng đã là một tấm gương cho những người thợ trẻ trên Công trường Thanh niên Cộng sản xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Hồi ấy, tôi là phóng viên Báo Công an nhân dân và đi Hòa Bình để viết về lần ngăn sông đợt I. Suốt ngày đêm, tôi lang thang trên công trường, khi thì đi với chuyên gia Liên Xô, với công nhân, khi thì đi với công an.

Tôi không thể nào quên được cái lần đến gặp anh Trần Thọ Chữ tại gian phòng ở của anh trong dãy nhà tập thể của Công ty Công trình ngầm. Vừa nói chuyện được mấy câu thì anh phải lên nhà điều độ trung tâm họp và dặn tôi ở nhà chờ.

dap thuy dien hoa binh chiu duoc 4 qua bom nguyen tu an toan gan nhu tuyet doi

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Chí Hiếu

Đêm hôm đó, tôi mò ra chỗ đang xếp thuốc nổ. Trời mưa bụi, bùn ngập đến lưng ủng. Hai hố mìn cơ bản đã xong, Trần Thọ Chữ và chuyên gia Bônđa Ruxép, Chánh kỹ sư nổ mìn vi sai, cùng các kỹ sư khác đo đạc, tính toán vấn đề kỹ thuật gì đó.

Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của một hàng rào cảnh sát, những chiếc xe Zin130 có thùng tự đổ chở đầy thuốc nổ tiến vào bên miệng hố. Từng bao thuốc nổ như bao xi măng được công nhân ta và chuyên gia Liên Xô vác xuống xếp vào hố…

Đến 2 giờ sáng thì 92 tấn thuốc nổ xếp xong vào hai hố. Những người công nhân rải từng bó dây truyền nổ xuống hố theo những vị trí đã được đánh dấu, rồi dây điện được nối vào và kéo lên đồi ông Tượng với khoảng cách là hơn 1km...

5 giờ sáng ngày 10-1-1983, nhân dân toàn thị xã Hòa Bình được sơ tán xa nơi tâm quả nổ ít nhất là 2km. Có lẽ đó là cuộc sơ tán lớn nhất của thị xã Hòa Bình.

7 giờ sáng, công an đi kiểm tra từng khu vực và kiên quyết đưa những ai còn "ngoan cố" ở lại đến nơi an toàn.

dap thuy dien hoa binh chiu duoc 4 qua bom nguyen tu an toan gan nhu tuyet doi

Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Chí Hiếu

Tôi từ trụ sở công an thị xã, trèo qua đồi ông Tượng và chui vào gầm hai chiếc xe Kra chở đầy đá được đỗ đấu hai đuôi xe lại. Khoảng trống giữa hai đuôi xe được dùng là "hầm trú ẩn". Trong căn hầm đơn giản ấy, có chuyên gia Bônđa Ruxép, Trần Thọ Chữ, Cudơnhétxốp, Tiến sĩ khoan nổ Vôlôđia, ông già Grisa, hai công nhân nổ mìn là Miễn và Ngọc và tôi. Ông già Grisa tôi đã quen từ mấy ngày trước, nói tiếng Việt khá tốt và rất đôn hậu. Thấy tôi run cầm cập vì rét, ông mở áo va-rơi ủ cho tôi.

Đúng 8 giờ kém 15 phút, còi báo động hú rền rĩ. Hai quả mìn lệnh nổ. Lệnh sơ tán được phát ra trên công trường.

Các loại xe máy ùn ùn chạy. Xe Benla gầm gào chạy trước, những chiếc máy xúc EKG nặng nề bò theo sau. Trên toàn bộ khu vực công trường rộng lớn thoắt trở nên hoang vắng.

8 giờ 30 phút, bỗng dưng, Trần Thọ Chữ "trở mặt" và đuổi tôi đi với lý do là ở đây chỉ cách tâm nổ có 400m, rất nguy hiểm. Nói mãi tôi cũng không nghe, cuối cùng Bônđa Ruxép can thiệp: "Nó dũng cảm, cho nó ở lại".

9 giờ 5phút, Bônđa và Trần Thọ Chữ so đồng hồ.

9 giờ, lệnh chuẩn bị. Vôlôđia, Bônđa, Trần Thọ Chữ và Miễn, Ngọc kiểm tra máy đo điện trở và cho thông điện. Bônđa hài lòng: "Kha-ra-xô".

9 giờ 9 phút, Miễn quay máy gây nổ. Có 2 hộp điểm hỏa. Miễn 1 hộp và Ngọc 1 hộp.

Trần Thọ Chữ đếm giật lùi: "Chín...tám... bảy...".

Một bầu không khí im lặng đến nghẹt thở bao trùm tất cả.

Khi Trần Thọ Chữ đếm đến "Không" thì Miễn ấn nút.

Ngay tức khắc, Bônđa hét: "Một...hai...ba" và Ngọc cũng ấn nút điểm hỏa.

Không nghe thấy tiếng nổ mà chỉ thấy hai vệt trắng bạc của luồng không khí bị ép dạt đi, rồi hai cột đất, đá, nước, dựng vụt dậy ngang đỉnh đồi ông Tượng. Tiếp theo mới là âm thanh ''ào...ào...ào!". Một luồng gió mạnh hất chúng tôi từ trong gầm xe văng ra ngoài đường. Tôi chưa kịp định thần thì Bônđa túm lấy tôi, đẩy ngược vào gầm xe, đúng lúc đá, đất đá rơi xuống rào rào...

Khối thuốc nổ đã khơi thông dòng mới. Dòng nước sông Đà đang chảy cuồn cuộn theo dòng cũ đã từ ngàn đời nay đột ngột chảy ngược về thượng nguồn qua đoạn vừa bị phá và một lúc sau, nó mới chịu chảy xuôi....

Mọi người ôm lấy nhau hò reo. Bônđa nhấc bổng tôi lên, quay một vòng và cà bộ râu hung hung vào mặt tôi. Cudơnhétxốp, Grisa cũng hôn tôi tới tấp. Trần Thọ Chữ lấy bao thuốc lá Nga ra, mời mỗi người một điếu. Chúng tôi lên xe U-oát chạy xuống bãi nổ. Nhưng quả nổ không được hoàn toàn như ý muốn. Bônđa có vẻ buồn. Cá nổi trắng sông, công nhân ùa ra vớt cá, có người vớt được con cá chép hơn chục kg.

Chúng tôi đi về khu chuyên gia và thấy cảnh tượng như bị bom phá. Có hòn đá rơi qua mái nhà, xuyên thủng ba tầng trần, đập tan một cái bàn. Có tảng đá rơi xuống đường nhựa sâu cả mét. Có tảng đá rơi xuống đập tan một đầu xe Benla. Nhưng không có ai bị thương vong, không có một ngôi nhà nào bị hỏng nặng.

Khi dòng nước càng hẹp thì sức nước chảy càng xiết. Những cục bê tông có cạnh đáy 2m, chiều cao 1,8m, cạnh trên 0,8m nặng 9984kg và rất nhiều cục bê tông được kẻ dòng chữ: "Ngày hôm nay làm tốt hơn ngay hôm qua"; “Vinh quang thay những người thợ lấp sông Đà" được ném xuống bị nước cuốn trôi đi.

Và ngay đêm trước khi ngăn sông Đà, một chiếc ca-nô của Xí nghiệp Thủy công đã bị chìm, 2 chiếc xe ôtô Kra trọng tải 12 tấn rơi xuống sông... Trong lòng đập Thủy điện Hòa Bình có chiếc ca-nô và 2 chiếc ô tô đó và cho đến khi nhà máy xây dựng xong, đã có 168 người đã vĩnh viễn nằm lại bên bờ trái sông Đà, trong đó có 4 chuyên gia Liên Xô.

Những ngày trên công trường, tôi không thể nào quên được hình ảnh những người chuyên gia Liên Xô kề vai sát cánh với người công nhân Việt Nam.

dap thuy dien hoa binh chiu duoc 4 qua bom nguyen tu an toan gan nhu tuyet doi

Ảnh: Chí Hiếu

Ông Ngô Xuân Lộc nói: “Thời thế có đổi thay, quan điểm chính trị có đổi thay, nhưng chúng ta phải mãi mãi biết ơn người dân Liên Xô đã giúp chúng ta xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Chúng ta xây dựng một Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, tại một vị trí cực kỳ khó mà chính người Pháp ngày trước cũng cho là điều không thể làm được, trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề.

Bây giờ nhìn lại "những ngày xưa ấy", chúng ta có gì? Có lẽ chỉ có đất, đá, sức người, và thực phẩm nuôi gần 3,5 vạn công nhân. Còn thiết kế nhà máy, thiết bị máy móc vật tư, phương tiện vận chuyển, xăng dầu... nghĩa là từ con bu-lông... cũng được chuyển từ Liên Xô sang.

Ngoài ra, Liên Xô còn việc trợ cho thêm 500 triệu rúp quy đổi (khoảng 500 triệu đôla). Do không hiểu mà sau này, không ít người cứ thắc mắc là "sao không có... quyết toán?". Họ không biết rằng, một công trình xây dựng theo kiểu như vậy thì quyết toán kiểu gì?”

Tôi có hỏi ông Ngô Xuân Lộc về lý do tại sao lại đặt các tổ máy trong lòng núi? Có phải vì sợ chiến tranh không? Và vì thay đổi thiết kế cho nên kinh phí xây dựng đắt gấp rưỡi? Ông cười và giải thích: “Đây là vấn đề mà không phải nhiều người đã biết. Thật ra xây nhà máy trong đường hầm là điều nhiều quốc gia đã làm. Xây nhà máy trong đường hầm, tuy thời gian thi công có thể dài hơn chút ít, nhưng thân đập lại rất an toàn, còn các tổ máy, khi cần sửa chữa, bảo dưỡng dễ hơn...

Nên nhớ là đập Thủy điện Hòa Bình được thiết kế theo những tiêu chuẩn an toàn nhất thế giới và là loại đập thủy điện "mềm" do không dùng bê tông, cho nên dù có động đất cấp 8, cấp 9 cũng không ngại gì. Còn nếu có chiến tranh, thì chỉ cần kẻ địch phá hủy vài cột điện chính hoặc trạm biến áp đặt trên mặt đất thì nhà máy dù không hỏng cũng trở thành vô tích sự. Còn về giá cả, theo tính toán thì giá thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khoảng vào 2 tỉ USD, đó là một cái giá bình thường cho các nhà máy trên thế giới.

Về độ an toàn của đập Thủy điện Hòa Bình, theo thiết kế là chịu được khoảng 4 quả bom nguyên tử như công suất loại bom Mỹ ném xuống Nhật năm 1945. Còn (nói dại mồm), nếu đập thủy điện này vỡ vào lúc nước đầy, thì ít nhất 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ không còn một nóc nhà và khoảng 12 triệu dân ra... cua cá hết.

Nóc nhà ga Hàng Cỏ ở Hà Nội sẽ ngập dưới cả chục mét nước. Đây là nơi thấp nhất thủ đô. Tóm lại là Hà Nội thành... hồ. Chính vì vậy mà phương án xây dựng đập thủy điện "mềm" là phù hợp với điều kiện địa lý ở khu vực này và an toàn nhất.

Loại đập này có lõi chống thấm bằng đất sét, nền đáy đập được gia cố bằng bê tông, và thủy tinh lỏng, bên ngoài là đổ đất, đá chịu lực cho nên không thể "vỡ ục" được. Còn nếu có rò rỉ, thẩm lậu thì có đủ thời gian sửa chữa”.

 
tin tức liên quan