Nhiệt độ Trái đất sắp tăng lên 4 - 5 độ C
Nguồn:Báo Điện tử VTC
Các nhà khoa học hàng đầu cảnh báo nhiệt độ trung bình trên Trái đất có thể tăng lên 4-5 độ C, ngay cả khi chúng ta tuân thủ đầy đủ các điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Một loạt các hiện tượng thời tiết diễn ra theo hiệu ứng domino như băng đá tan chảy, biển ấm lên, các dòng chảy dịch chuyển và rừng chết dần đi có thể khiến Trái Đất trở thành một ngôi nhà kính khổng lồ vượt quá mọi nỗ lực khôi phục của con người, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu cảnh báo. Công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) hôm 6/8.
Viễn cảnh u ám này được đưa ra trong một nghiên cứu về hậu quả kết hợp của 10 quá trình biến đổi khí hậu, bao gồm quá trình khí methane thoát ra từ băng vĩnh cửu vùng Siberia hay tác động của băng tan ở Greenland và Nam Cực.
Các tác giả của công trình nghiên cứu nhấn mạnh kết luận của họ vẫn chưa hoàn chỉnh, song cảnh báo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cam kết giữ mức ấm lên ở 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là chưa đủ để khí hậu thế giới được duy trì ổn định. Khí hậu biến đổi có thể sẽ làm tăng cường độ và mức độ ngập các vùng đồng bằng, tăng nguy cơ thiệt hại do bão ven biển, hủy hoại các rặng san hô trong vòng cuối thế kỷ này hoặc thậm chí sớm hơn.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy khả năng hấp thụ carbon yếu đi của môi trường sẽ khiến nhiệt độ tăng 0,25 độ C, rừng chết làm tăng 0,11 độ C, băng vĩnh cửu tan làm tăng 0,9 độ C và hô hấp vi khuẩn làm tăng 0,02 độ C. Hiện tại mức nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ cao hơn 1 độ C so với mức tiền công nghiệp và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cam kết giữ khoảng chênh lệch này ở 1,5-2 độ C cho đến kết thế kỷ.
“Nhiệt độ trung bình trên Trái đất có thể tăng lên 4-5 độ C. Nhiều quá trình phản ứng tích cực đã và đang được thực hiện nhưng vẫn còn rất yếu. Chúng ta cần các nghiên cứu để cho thấy khi nào chúng có hiệu quả lâu dài.” – một nhà khoa học cho biết.
Theo các nhà khoa học, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho dù được thực hiện thì con người vẫn phải đối mặt với những biến đổi bất ngờ khi hệ thống khí hậu bắt đầu mất kiểm soát. “Cứ xét đến riêng mùa hè năm 2018 thì đây không còn là trường hợp cảnh báo mà mối đe dọa đã hiện ra trước mắt” – một nhà nghiên cứu khí hậu nói. “Vì vậy chúng ta cần hoạt động tích cực hơn không chỉ giảm thải khí nhà kính càng nhanh càng tốt mà còn phải xây dựng hệ thống có thể đối mặt và phục hồi trước những quá trình biến đổi phức tạp của Trái Đất trước khi quá muộn”.