Quái kiệt trên cao nguyên
Nguồn:Báo Điện tử Thời Mới
Tôi là người từng viết về con đường đưa hạt cà phê “lên một tầm cao mới” của Đặng Lê Nguyên Vũ qua phóng sự “Quái kiệt trên cao nguyên”, in trên ANTG từ năm 2008. Từ đáy lòng, tôi vẫn khâm phục Vũ “Trung Nguyên” và thực sự kính nể tư duy, khát vọng của Vũ.
Tất nhiên, gần đây, thấy Vũ “ trở tính”, tôi cũng ngạc nhiên, nhưng rồi tôi cũng hiểu tại sao lại như vậy. Và thực sự, đó là câu chuyện lý thú về những người muốn tu luyện để “ trên có thể thông với các bậc Giác Ngộ, dưới có thể cứu độ chúng sinh”.
Nhưng đó là chuyện khác và tôi sẽ có bài phân tích sau.
Còn bây giờ, tôi xin giới thiệu lại với bạn đọc của thoimoi.vn phóng sự đó.
***
Cái giá của... nghề
Đầu tròn xoe, trọc lông lốc, mắt tròn xoe, khuôn mặt cũng... "sắp" tròn xoe và thường đeo cặp kính cũng tròn xoe... Đó là chân dung của Đặng Lê Nguyên Vũ hay còn gọi là Vũ "Trung Nguyên". Một lần tôi có hỏi Vũ rằng, tại sao anh lại cạo trọc đầu? Vũ nói ngay: "Ngày xưa tóc cũng tốt lắm, nhưng từ khi lao vào cái nghiệp cà phê này, nghĩ lắm quá nên tóc không mọc được. Thấy tóc mọc cứ nham nhở, thế là tôi cạo luôn cho đều".
Nghe Vũ nói quả là khó tin. Trong sử Trung Quốc xưa vào thời Xuân Thu chiến quốc có ông Ngũ Viên, vì nghĩ mưu nghĩ kế nên chỉ trong một đêm đầu đã bạc trắng. Còn nay có một Vũ "Trung Nguyên" nghĩ làm sao cho thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng không những ở Việt Nam mà còn khắp thế giới đến mức rụng hết cả tóc. Nhưng khi tiếp xúc nhiều với Vũ thì mới thấy ở trong cái đầu tròn xoe này có một bộ óc như cỗ máy luôn vận hành hết công suất. Vũ bảo, ngày nào không nghĩ ra ý tưởng mới, một việc mới thì cảm thấy ngày đó thật vô vị.
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. |
Bây giờ cà phê Trung Nguyên, hay cà phê hòa tan G7 đang trở thành một thương hiệu toàn cầu bởi sản phẩm cà phê này đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Và nhà máy chế biến cà phê của Trung Nguyên đang là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á hoạt động hết công suất. Còn Vũ "Trung Nguyên" thì cũng chẳng cần giấu giếm ý đồ của mình, đó là trở thành một người có quyền lực trên thế giới mà "vũ khí" của anh là cà phê.
Vũ nói thế này mới hay chứ: "Dầu mỏ là năng lượng của công nghiệp, còn cà phê thì là năng lượng của... tri thức. Thử đặt ra một tình huống thế này: Nếu như vào một ngày nào đó, trên thế giới không có cà phê thì có lẽ sức sáng tạo của nhân loại chỉ còn một nửa?".
Người không biết uống cà phê hoặc không nghiện cà phê nghe câu nói này hẳn sẽ cười vào cái mũi (cũng tròn tròn) của Vũ. Nhưng quả thật từ khi có cà phê xuất hiện trên thương trường đến nay thì không biết bao nhiêu bậc vĩ nhân đã coi cà phê là nguồn kích thích sáng tạo cho mình.
Nhà văn Balzac đã từng nói: "Khi chúng ta uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội".
Hoàng đế Napoléon Bonaparte có câu nói bất hủ: "Không có cà phê, chính trị chỉ còn là một nửa".
Nhạc sĩ tài danh Sebastian Bach thì từng thốt lên rằng: "Không có cà phê buổi sáng, cuộc đời của tôi khô khan và vô vị".
Còn ở Việt Nam, tuy cà phê mới du nhập theo chân người Pháp vào từ cuối thế kỷ XIX, nhưng cũng đã trở thành một loại nước uống mang tính "nghệ thuật". Nhiều văn nghệ sĩ coi việc uống, thưởng thức cà phê là một cái thú tao nhã trong cuộc sống. Bởi lẽ, uống cà phê không tốn mấy tiền và cái quan trọng là được nhìn "giọt thời gian" chầm chậm buông xuống... Mỗi giọt rơi như thể cuộc đời mình ngắn đi tí chút!
Chả thế mà ở Hà Nội có quán cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng là nhờ các họa sĩ tài danh một thời nghèo khó đến đây uống cà phê... chịu rồi gán tranh trừ nợ. Thế là ông chủ quán từ một chủ nợ, một Mạnh Thường Quân nay trở thành nhà sưu tập tranh "độc nhất vô nhị", sở hữu những tác phẩm vô giá của những "con nợ - họa sĩ" tài danh thuở xưa như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... vốn là niềm mơ ước của các bảo tàng mỹ thuật trong và ngoài nước.
Nhân nói đến cà phê, tôi cũng muốn kể góp vui với bạn đọc về một thương hiệu cà phê rất nổi tiếng ở Hà Nội đã hơn 50 năm qua - đó là cà phê Nhân.
Cho đến nay, ở Hà Nội có 8 quán cà phê Nhân do 8 người con của ông Nguyễn Văn Thi và bà Trần Thị Thanh Kỳ làm chủ. Cụ Thi đã mất từ lâu, còn bà Kỳ vẫn đang đảm nhiệm việc pha chế rang, xay cà phê cho quán của cô con gái thứ 10 tên là Hạnh mở tại 39 ngõ Hàng Hành. Ngoài ra, bà còn làm một công việc như của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị là đặt ra “khung giá trần” cho mỗi ly cà phê của tất cả các quán cà phê Nhân. Không người con nào được nâng giá khi chưa có "thánh chỉ" của bà.
Cụ Nguyễn Văn Thi nguyên là đội viên Đội Biệt động Liên khu 3 do ông Tạ Đình Đề làm đội trưởng. Năm 1946, gia đình đi tản cư ở thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ). Ông Tạ Đình Đề xin ý kiến Khu trưởng Hoàng Sâm và yêu cầu ông Thi mở quán bán cà phê để vừa có kinh phí hoạt động, vừa có nơi nhận liên lạc.
Ông Thi có 3 người bạn thân là ông Việt Nhân, ông Tạ Đình Đề và ông Tần. Khi mở quán, để cho có tên gọi, ông Thi bèn đặt tên là "cà phê Nhân" vì chữ "Nhân" có nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Để có cà phê, ông phải tự đi lùng mua cà phê hạt về rồi mày mò rang, xay, chế biến... Quán mở ở Vân Đình được hơn một năm thì quân Pháp đánh tới, ông Thi phải chạy vào khu Cống Thần - Chợ Đại của tỉnh Hà Nam, sau mở quán.
Rồi cũng chỉ hơn năm nữa, ông lại phải dắt díu gia đình chạy vào Nho Quan (Ninh Bình) rồi lại chạy tiếp vào Nông Cống (Thanh Hóa).
Sang đầu năm 1951, ông Tạ Đình Đề xin với Khu trưởng Hoàng Sâm cho ông Thi trở về Hà Nội, mở quán cà phê để làm nơi hoạt động của đội biệt động. Được Khu trưởng Hoàng Sâm đồng ý, ông Thi lại dắt díu gia đình "dinh tê" (một kiểu nói ám chỉ việc trở lại thành phố vào thời đó – “T” là thành phố). Ngày ấy, nhà nào đang đi tản cư mà "dinh với tê" thì bị coi như phản động.
Ông Thi về thủ đô và mở quán cà phê Nhân tại số 100 phố Cầu Gỗ. Cà phê Nhân nhanh chóng nổi tiếng và là nơi lui tới của rất nhiều sĩ quan Pháp. Họ đến uống cà phê, uống rượu và chính từ cách uống độc đáo của nhiều người như pha rượu uýt-ki vào ly cà phê đen mà ông Nhân phát hiện ra cách dùng rượu để tẩm ướp cà phê.
Đến khi bộ đội ta giải phóng thủ đô vào năm 1954 và cho đến năm 1957 thì cà phê Nhân đã là nhất Hà Nội. Thời ấy, cả Hà Nội chỉ có bốn quán cà phê là cà phê Nhân, cà phê Bình ở đối diện với nhà Thủy Tạ hiện nay; cà phê Giảng ở 92 Cầu Gỗ và cà phê Bằng ở phố Hàng Da.
Năm 1960, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương, ông Thi đưa quán cà phê Nhân vào hợp doanh. Bà Kỳ được nhận vào phụ trách kỹ thuật rang, xay cà phê ở cửa hàng số 8 phố Điện Biên Phủ, hai người con gái được đưa về pha chế cà phê tại khách sạn Phú Gia.
Từ bỏ nghiệp cà phê, ông Thi xoay sang nghiên cứu sản xuất vợt bóng bàn và ông là người đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vợt bóng bàn lúc đầu mang nhãn hiệu cao su Sao Vàng... Về sau, ông Tạ Đình Đề đưa ông Thi về 65 Quán Sứ để sản xuất vợt Đường Sắt.
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nguồn thu ngoại tệ đầu tiên của Việt Nam chính là từ vợt bóng bàn mang nhãn hiệu Đường Sắt xuất khẩu sang Liên Xô. (Câu chuyện cây vợt Đường Sắt, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một phóng sự khác). Nhưng đến năm 1965, thấy đời sống quá khó khăn, bà Kỳ buộc phải mở quán cà phê ở phố Lương Ngọc Quyến, sau đó được 2 năm, bà thuê mảnh đất ở ngõ Hàng Hành và mở quán cà phê Nhân tại đây.
Vào các năm từ 1970 trở đi, Hà Nội mọc lên một số quán cà phê, trong đó có những quán khá nổi tiếng như cà phê Hói ở phố Bà Triệu, cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân... Tuy nhiên, thương hiệu cà phê Nhân vẫn là số 1 ở đất Hà Thành. Sau này, ông Thi đã truyền bí quyết chế biến cà phê cho tất cả 11 người con và cho cả 4 người bạn cũng bán cà phê.
Tôi có hỏi ông Nguyễn Văn Thủy, con trai trưởng của ông Thi, là một tay vợt bóng bàn có tên tuổi trong làng bóng bàn nghiệp dư Hà Nội, hiện là chủ quán cà phê Nhân ở số 9 Láng Hạ về bí quyết chế biến cà phê Nhân thì mới biết rằng cũng chả có gì ghê gớm cho lắm. (Hay là ông... giấu cũng chưa biết chừng).
Theo ông Thủy, muốn có cà phê ngon thì yếu tố đầu tiên là phụ thuộc vào cây cà phê. Cây càng lâu năm, cho hạt càng có hương vị đậm, rồi hạt cà phê phải được phơi nắng cho đúng và phải phơi tối đa là... 10 năm, còn muốn “ăn ngay” thì cũng phải từ... 5 năm.
Riêng việc mang cà phê ra phơi cũng không đơn giản. Nắng có dăm bảy loại nắng. Nào là nắng hanh, nắng cháy, nắng gắt, nắng oi; nắng ong ong, nắng nhạt... Và không phải nắng nào cũng đổ cà phê ra phơi được. Phơi cà phê dưới trời nắng oi, nắng ong ong thì chỉ tổ làm cho cà phê thêm chua mà thôi.
|
Những cuốn sách Đặng Lê Nguyên Vũ khuyên thanh niên Việt Nam nên đọc |
Ngày xưa, ông Thi có 10 gian kho nhỏ chứa cà phê và đánh số thứ tự để lấy cà phê cho đúng. Rồi phải biết chọn hạt cà phê ra làm bốn loại bằng bốn loại sàng có mắt to nhỏ khác nhau. Mỗi mẻ rang cà phê là chỉ có một loại, tuyệt đối không để “lỏi” - nghĩa là có hạt to quá hoặc nhỏ quá lẫn vào. Một mẻ cà phê rang hàng kg, nhưng chỉ cần có vài hạt bị cháy quá là làm hương vị thay đổi hẳn. Rồi đảm bảo nhiệt độ khi rang thế nào cũng là một nghệ thuật; khi ủ thế nào, khi "vẩy" thêm rượu ra sao... cũng là nghệ thuật.
Và khi pha cà phê, tráng phin ra sao, nước sôi đến mức nào... cũng là một nghệ thuật. Nói tóm lại để có một ly cà phê đúng kiểu cà phê Nhân, thì cả một quá trình từ khi nhặt hạt cho đến lúc bưng ly cà phê đưa lên mũi hít trước rồi mới nhấp nhấp miệng... phải được sự chế biến, pha và uống rất tinh tế, cẩn trọng và sáng tạo như... nghệ thuật (?).
Theo những người sành uống cà phê nhận xét thì cà phê Trung Nguyên có hương vị nồng nàn, quyến rũ, giống như cô gái mới nhìn đã thấy toát lên vẻ đẹp rực rỡ và khiến người ta muốn "nhắp" ngay. Còn cà phê Nhân thì lại có hương vị dịu dàng, đằm thắm, như người con gái không đẹp nhưng... có duyên! Mà ở đời, đàn ông dễ "chết chìm" trong ánh mắt, nụ cười của người con gái có duyên!
Hiện nay, quả thật cà phê đang trở thành một thứ nước uống không thể thiếu đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay như Trung Quốc, một đất nước hơn tỉ dân, hàng chục thế kỷ nay chỉ uống trà và đã nâng uống trà lên thành một môn nghệ thuật, đưa vào đó những triết lý sâu sắc, thì nay, 30% thanh niên Trung Quốc cũng đã có thú uống cà phê. Còn với người châu Âu, châu Mỹ thì khỏi phải nói, cà phê đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống".
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong