Vũ khí Nga mà mỗi khi nhắc đến là cả Mỹ và NATO đều khiếp sợ: Loại gì vậy?

Ngày đăng: 07:55 15/11/2018 Lượt xem: 580



Vũ khí Nga mà mỗi khi nhắc đến là cả Mỹ và NATO đều khiếp sợ: Loại gì vậy?


                                                              Nguồn:Báo Điện tử Soha.vn


Trung tướng Lục quân Mỹ từng thừa nhận Nga là "bậc thầy" về tác chiến điện tử còn Thiếu tướng Anh cũng có lần phải thốt lên rằng "chúng ta đã bị dắt mũi".

 
 
Vũ khí Nga mà mỗi khi nhắc đến là cả Mỹ và NATO đều khiếp sợ: Loại gì vậy?

Cứ bị gây nhiễu là đổ lỗi cho Nga!

Tờ The Times của Anh ngày 12/11 vừa đăng tải bài viết với nội dung cáo buộc Nga đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của mình để can thiệp vào cuộc tập trận Trident Juncture của NATO diễn ra từ ngày 25/10 - 7/11 với sự tham gia của khoảng 50.000 binh lính.

Cụ thể, The Times cho rằng Nga đã dùng các thiết bị tác chiến điện tử can thiệp và làm gián đoạn trên diện rộng hoạt động của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ở Na Uy và Phần Lan gây rủi ro lớn cho các máy bay của họ.

Phi công Hãng hàng không Wideroe của Na Uy cho biết, họ đã bị mất tính hiệu GPS khi bay tới những sân bay ở miền Bắc Na Uy và Phần Lan buộc họ phải chuyển đổi sang các hệ thống dẫn đường thay thế khác.

Trước tình trạng tín hiệu GPS bị gián đoạn trên diện rộng suốt thời gian diễn ra cuộc tập trận Trident Juncture, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila ngày 11/11 đã lên tiếng cáo buộc "Nga có thể là thủ phạm bởi Moscow hoàn toàn có khả năng làm việc này".

Tất nhiên, Nga đã ngay lập tức phủ nhận những tuyên bố này từ phía các nước thành viên và bạn bè của NATO.

"Chúng tôi không biết gì về thông tin Nga can dự vào tín hiệu GPS. Các bạn nên hỏi trực tiếp chuyên gia ở Bộ Quốc phòng Nga. Xu hướng hiện nay là đổ mọi tội lỗi cho Nga, do vậy những cáo buộc này hoàn toàn vô căn cứ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Vũ khí Nga mà mỗi khi nhắc đến là cả Mỹ và NATO đều khiếp sợ: Loại gì vậy? - Ảnh 1.

Trident Juncture là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Ảnh: The Times

Trước đó, khi Trident Juncture - cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau chiến tranh Lạnh, chính thức kết thúc, một khinh hạm của Na Uy đã đâm phải một tàu chở dầu trên hành trình quay lại căn cứ.

Mặc dù chưa rõ liệu vụ việc có liên quan gì tới các tín hiệu GPS bị can thiệp hay không nhưng như kiểu "thần hồn nát thần tính", nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đã lại đổ lỗi cho Nga là tác nhân gây ra vụ tai nạn này!

Tháng 9/2017, khi Nga tiến hành cuộc tập trận quân sự Zapad, các quan chức quốc phòng Na Uy cũng phát đi thông báo về việc hệ thống GPS của họ "bị chế áp".

GPS là một dự án quân sự của Mỹ được phát triển từ những năm 1970 nhưng sau đó được ứng dụng rộng rãi sang các lĩnh vực dân sự. Một số hệ thống đối thủ, trong đó có Glonass của Nga hoặc đã được đưa vào hoạt động hoặc đang phát triển để cạnh tranh.

Nga được đánh giá là "bậc thầy" về tác chiến điện tử

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường đầu tư cho các thiết bị tác chiến điện tử trong kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Tổng thống Vladimir Putin.

Điện Kremlin cũng tuyên bố, cùng với S-300, Moscow sẽ cung cấp cho Damascus những công nghệ chế áp tiên tiến sau khi chiếc máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga bị tên lửa phòng không Syria vô tình bắn hạ trên biển Địa Trung Hải ngày 17/9 vừa qua.

Những thiết bị này có khả năng làm gián đoạn hệ thống thông tin dẫn đường vệ tinh, kết nối liên lạc trên máy bay chiến đấu, radar và máy bay không người lái.

Vũ khí Nga mà mỗi khi nhắc đến là cả Mỹ và NATO đều khiếp sợ: Loại gì vậy? - Ảnh 2.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-2 của Nga được cho là đã triển khai tới Syria. Ảnh: IB Times

Năm 2016, Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove từng cảnh báo, từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc, việc Lầu Năm Góc lơ là phát triển các hệ thống tác chiến điện tử đã tạo cơ hội để Nga giành lợi thế trong lĩnh vực này.

Tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Lục quân Mỹ (AUSA) năm 2018, Thiếu tướng Lục quân Anh Felix Gedney cũng đã phải thốt lên: "Người Nga thực sự rất giỏi làm việc này. Thậm chí họ còn làm tốt hơn cả chúng ta".

Còn Trung tướng Paul Funk, người vừa bàn giao quyền chỉ huy các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Iraq và Syria từ tháng 9/2018 thì nói rằng, trình độ chiến tranh thông tin bậc thầy của Nga đã mở rộng sang cả lĩnh vực tác chiến điện tử khi các đơn vị EW của Moscow liên tục gây nhiễu hệ thống thông tin của Mỹ.

Đầu năm 2018, tướng Raymond Thomas, Chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Mỹ cũng từng nhận xét: "Syria đã trở thành môi trường tác chiến điện tử quyết liệt nhất trên Trái Đất".

Phát biểu trong một hội nghị tại Florida tháng 4/2018, tướng Thomas nói: "Ngay lúc này, tại Syria, chúng ta đang hoạt động ở một môi trường tác chiến điện tử hung hăng nhất hành tinh, do các đối thủ của chúng ta tiến hành. Họ kiểm tra chúng ta hàng ngày, chế áp các hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các máy bay EC-130 của chúng ta...".

Vài tháng gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đã đầu tư khoảng 10 triệu USD cho các hệ thống vô tuyến để đảm bảo Nga không thể "quấy nhiễu" các tín hiệu điện tử của Mỹ trên chiến trường phục vụ các cuộc tấn công bằng máy bay và pháo binh ở Syria.
tin tức liên quan