Bí mật nào phía sau hàng loạt quan chức Trung Quốc tự sát?
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Trong những năm gần đây, hiện tượng quan chức Trung Quốc tự tử ngày càng nhiều. Chỉ trong năm 2018 đã có hơn 10 quan chức tự tử. Nguyên nhân thường đến từ sự trầm cảm, nhưng không hẳn do áp lực công việc, mà phần lớn dính líu tới những vụ điều tra chống tham nhũng...
Gần đây quan trường Trung Quốc lại tái hiện trào lưu tự sát. Khoảng một tháng qua xảy ra hai trường hợp tự sát được cơ quan chức năng nhận định do “trầm cảm nặng”, bao gồm Phó giám đốc Công an Nội Mông Cổ Lý Chí Bân (Li Zhibin), Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Macao Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong). Lý Chí Bân và Trịnh Hiểu Tùng một người nhảy lầu, một người treo cổ. Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc tại Macao Trịnh Hiểu Tùng bị phát hiện rơi xuống từ trên cao, ngay ngày hôm sau Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao ra tuyên bố Trịnh Hiểu Tùng vì bị trầm cảm nặng đã nhảy lầu.
|
Ngoài ra gần đây, vụ nhảy lầu thiệt mạng của bà Hồ Hân (Hu Xin) 66 tuổi, nguyên Tổng Biên tập tạp chí “Chiến tuyến Tin tức” (News Zhanxian), một chuyên san của Nhật báo Nhân dân Trung Quốc, cũng đang gây chú ý. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết bà Hồ Hân nhảy lầu vì bị “trầm cảm nặng”. Tuy nhiên, trang tin Duowei News dẫn nhận định cho biết: “Bà ấy không phải vì cuộc sống túng thiếu, ở tuổi này cũng khó có khả năng tự tử vì tình. Vì thế có thể do vụ việc bê bối nào đó bị bại lộ”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2018 đến nay đã có hơn 10 quan chức tự tử và thiệt mạng, nhưng đa số trường hợp chưa thấy có những công bố chi tiết về nguyên nhân. Tháng 5 năm nay đã xảy ra vài vụ: hai vụ cơ quan chức năng đã công bố “do trầm cảm” là vụ Ân Kim Bảo (Yan Jinbao) - Chủ tịch Ngân hàng Thương mại nông thôn Thiên Tân “cắt cổ tay tự sát” trong văn phòng làm việc, và Phó Bí thư Bắc Kinh Vương Hiểu Minh (Wang Xiaoming) nhảy lầu thiệt mạng. Ngoài ra còn vài trường hợp khác như: Trịnh Kim Xa (Zheng Jinche) - Giám đốc Công an thành phố Thượng Nhiêu (Shangrao), tỉnh Giang Tây, Thành Vạn Đông (Chéng Wandong) - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Kiến Hồ, tỉnh Giang Tô, và Hồ Hổ Lâm (Hu Hulin) - Phó Ban tuyên truyền thành phố Ninh Ba (Ningbo), tỉnh Chiết Giang.
Hồi vào tháng 8 vừa qua cũng xảy ra vụ tự tử của Lý Lạc Bành (Li Lepeng) - Phó Giám đốc Công an thành phố Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam, là quan chức duy nhất trong năm nay được xác nhận tự tử vì sợ hầu tòa chịu tội. Trường hợp tương tự gần nhất được biết liên quan việc tự tử để chạy tội thuộc về cái chết của cựu Trưởng ban Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trương Dương. Ông này tự tử ngày 23.11 năm ngoái tại nhà riêng.
Trước các vụ quan chức tự tử và thiệt mạng, nhà chức trách Trung Quốc khi điều tra thường không đào sâu ngọn ngành, đa số sau đó công bố nguyên nhân “do trầm cảm”.
Tờ Thông tin Bắc Kinh (Bjnews) cho biết, từ 2009 – 2017, tổng cộng 243 quan chức Trung Quốc tự tử, trong đó khoảng một nửa được xác định là do “trầm cảm”. Thông tin cho biết, các quan chức tự tử chủ yếu ở trong khoảng 45 – 55 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu bị áp lực do công việc, như mối quan hệ mâu thuẫn cấp trên cấp dưới, cạnh tranh giữa các đồng nghiệp, cũng như con đường quan lộ không thuận lợi…
Có những nhận định cho rằng việc tự sát có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động kể từ năm 2012. Nhà Tâm lý học nhận thức tại Đại học Pennsylvania, Tiến sĩ Dương Ninh Viễn (Yang Ningyuan) cho rằng, quan chức Trung Quốc hiện nay nhiều người tự tử được cho là vì trầm cảm, nhưng thực tế có thể nhiều người biết bản thân sắp dính vào vòng lao lý, và để bảo vệ gia đình cũng như tài sản đã buộc phải chọn cách tự tử.
Đối với hiện tượng quan chức Trung Quốc tự tử tràn lan, nhà bình luận Hoành Hà tại Hồng Kông cho biết, trong những vụ việc này chắc chắn rất nhiều vụ do bị điều tra tham nhũng. Ông phân tích, nếu là tự sát, một lý do chính là vì áp lực chính trị, chẳng hạn như đang bị điều tra; một lý do khác có thể là đã nhận tội thay. Ngoài ra, vì lo cho danh dự gia đình và con cái cũng khiến quan chức lựa chọn cách tự sát.