Vingroup xây chuỗi Tổ hợp dịch vụ Vinfast ở các tỉnh để làm gì, chuỗi này có gì?
Vingroup xây chuỗi Tổ hợp dịch vụ Vinfast ở các tỉnh để làm gì, chuỗi này có gì?
Nguồn:Báo Điện tử VietTimes
Địa điểm xây dựng Tổ hợp dịch vụ VinFast có diện tích từ 3 – 5 ha, nằm trong khu vực nội đô. Nếu nằm tại các vùng ven đô thì trong vòng bán kính không quá 7km, hoặc là các vị trí tiếp giáp với các tuyến quốc lộ.
Bên cạnh Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải tại Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup đang tìm địa điểm cho "Tổ hợp dịch vụ VinFast".
Như VietTimes đã thông tin, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng "tổ hợp sản xuất ô tô", CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) còn đang tìm kiếm các địa điểm xây dựng các "tổ hợp dịch vụ" mang thương hiệu VinFast tại nhiều tỉnh thành, mà trước hết là ở Thanh Hóa và Lạng Sơn.
Tổ hợp dịch vụ VinFast có gì?
Công văn đề nghị mà Vingroup đã gửi đến các tỉnh đã sơ phác kế hoạch xây dựng chuỗi các Tổ hợp dịch vụ VinFast.
"Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã giới thiệu và đưa ra thị trường sản phẩm xe máy điện Klara và sắp tới là các sản phẩm ô tô mang thương hiệu Vinfast. Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm xe máy, ô tô chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, Tập đoàn Vingroup hướng tới việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ, tiện ích hoàn hảo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng" - tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lý giải cho việc triển khai kế hoạch trên.
Theo đó, việc triển khai chuỗi các tổ hợp dịch vụ Vinfast nhằm mục đích tích hợp đầy đủ các tiện ích như: sạc pin/cung cấp pin thay thế cho phương tiện giao thông chạy bằng điện, trạm xăng; Dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng và chăm sóc phương tiện.
|
Mô hình một trạm sạc dành cho xe máy điện của VinFast (Nguồn: Internet)
|
Bên cạnh đó, các Tổ hợp dịch vụ VinFast cũng hướng tới là các địa điểm lưu trú/nghỉ ngơi ngắn hạn cho khách đi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo mô hình motel; cửa hàng tiện ích để bán sản vật địa phương, đồ lưu niệm; và có bao gồm cả nhà hàng, khu nhà ở phục vụ khách hàng.
Tập đoàn Vingroup cũng cho biết các Tổ hợp dịch vụ VinFast sẽ đẩy mạnh giao thương hàng hóa dịch vụ tại địa phương và khu vực lân cận.
Các khu đất mà Vingroup dự kiến xây dựng có diện tích từ 3 – 5 ha, nằm trong khu vực nội đô, các vùng ven đô trong vòng bán kính không quá 7km, hoặc các vị trí tiếp giáp với các tuyến quốc lộ.
Như trong trường hợp đề xuất với tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra nhiều địa điểm nằm sát với các tuyến đường huyết mạch là những đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bản tỉnh như: QL1A, QL1B, QL4A, QL3, DT242, DT241...
Được biết, bên cạnh việc mở các "tổ hợp dịch vụ", Tập đoàn Vingroup (thông qua công ty thành viên) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) nhằm triển khai hệ thống trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện. Mục tiêu là thiết lập 30.000 – 50.000 trạm sạc và thuê pin của VinFast trên toàn quốc.
“Với phương châm không chỉ bán một sản phẩm ô tô hay xe máy điện, VinFast muốn mang tới cho khách hàng một giải pháp giao thông thông minh và hệ sinh thái tiện ích lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Khách hàng khi mua sản phẩm VinFast không chỉ được trải nghiệm những sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn quốc tế mà còn được thụ hưởng dịch vụ sau bán hàng đẳng cấp cao, tiện nghi và nhanh chóng tìm kiếm. Chúng tôi kỳ vọng sự ra đời của tổ hợp dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giao thông tại Việt Nam và đem lại những giá trị tích cực cho người dân cả nước” - Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang phát biểu tại lễ ký kết khi ấy.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, hôm qua (20/11), tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Vingroup đã chính thức giới thiệu 3 dòng xe ô tô mang thương hiệu VinFast và dòng sản phẩm xe máy điện Klara đến công chúng Việt Nam. Giá bán cho các sản phẩm trên cũng được Vingroup công bố tại sự kiện.
Ngày 12/11/2018, Tập đoàn Vingroup đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Tổ hợp dịch vụ VinFast tại tỉnh này.
Trong văn bản được ký ban hành ngày 19/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) tiến hành chủ trì, phối hợp với các ngành và đơn vị có liên quan, nghiên cứu đề nghị của Tập đoàn Vingroup.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của Tập đoàn Vingroup.
Công văn cũng yêu cầu các đơn vị này khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Vingroup để giới thiệu địa điểm phù hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 22/11/2018.
Không chỉ có riêng tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Vingroup cũng có công văn đề nghị giới thiệu địa điểm đầu tư gửi tới UBND tỉnh Lạng Sơn nhằm tìm kiếm địa điểm xây dựng Tổ hợp dịch vụ VinFast.
Ngày 16/11, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, ông Quang đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan ra soát quỹ đất, giới thiệu địa đỉam phù hợp cho Tập đoàn Vingroup.
Cũng phải lưu ý rằng, Thanh Hóa và Lạng Sơn chỉ là 2 địa phương mà truyền thông tiếp cận được về kế hoạch triển khai chuỗi tổ hợp dịch vụ Vinfast của Vingroup.
Còn trên thực tế, danh sách các tỉnh thành đã nhận được công văn đề nghị từ tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng có thể còn nhiều hơn.
Làm lớn, làm đồng bộ, làm tiên phong - vốn là phong cách của Vingroup bấy lâu nay./.