Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Nguồn:Báo Điện tử TuanVietnamnet
Tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu hút những ý kiến đóng góp của quý độc giả bằng những bài viết bàn về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. - Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" là trọng tâm cải cách thể chế kinh tế, mời quý vị cùng theo dõi.
Trước hết, tôi hoan nghênh VietNamNet mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Tôi cho rằng Diễn đàn là nơi rất tốt để mọi người tâm huyết nêu kiến nghị của mình để làm sao cho Việt Nam thịnh vượng.
Tôi đã đọc bài “Khát vọng Việt Nam đang ở đâu”, “Vượt trần thể chế” và một vài bài khác trên Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Tôi đồng ý với các tác giả, nhưng muốn bổ sung thêm vài khía cạnh với Diễn đàn.
Muốn Việt Nam thịnh vượng, muốn Việt Nam “Sánh vai cùng năm châu, bốn bể” như Bác Hồ dạy, điều cực kỳ quan trọng là phải chống cho được tụt hậu.
Điều này, Đảng ta đã nhìn thấy cách đây 30 năm. Tại Nghị quyết Đạị hội VII của Đảng và tại các Nghị quyết Đại hội Đảng tiếp theo, Đảng luôn xem “Tụt hậu” là “Nguy cơ”. Do đó, muốn nước ta vươn lên thịnh vượng, trước hết chúng ta cần phải xác định chúng ta ở đâu trong bản đồ kinh tế của thế giới, nhất là của khu vực.
Vậy, sau 30 năm phấn đấu, chúng ta đã đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu”, trước hết là về kinh tế chưa?
Tụt hậu về kinh tế được biểu hiện trên rất nhiều mặt như thu nhập bình quân theo đầu người; năng suất lao động; năng lực cạnh tranh;...
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi chỉ xin đề cập tới tình trạng tụt hậu về thu nhập bình quân theo đầu người.
Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên nhanh chóng nhưng vẫn còn khoảng cách xa với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Trong một thời gian dài sau Đổi mới, từ những năm đầu thập kỷ 90, thu nhập của người Việt Nam được cải thiện nhanh và rõ nét. Đến năm 2008, chúng ta đã tham gia câu lạc bộ các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Thế giới thường ca ngợi và chúng ta cũng rất tự hào rằng, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính bằng số phần trăm) thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là Việt Nam vẫn đang đối diện với tình trạng tụt hậu ngày càng xa hơn về thu nhập bình quân đầu người tính bằng số tuyệt đối so với bình quân chung của thế giới và khu vực với tốc độ khá nhanh. Dưới đây là vài dẫn chứng mà tôi tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới.
So với thế giới. Năm 1990, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế (số ở trong ngoặc là GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương PPP) của thế giới là 4.168 (4.836) USD và Việt Nam là 98 (970) USD, cách nhau 4.070 (3.866) USD, tức 4.168 - 98 (4.836 - 970).
Đến năm 2012 (tôi chưa kịp cập nhât số liệu mới hơn), các con số này lần lượt là 10.178 (12.207) USD và 1.749 (3.620) USD, cách nhau 8.429 (8.557) USD, tức khoảng cách doãng ra gấp 2,07 (2,21) lần, sau 22 năm.
Vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1990 đến 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đều tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực đem so sánh cũng theo số tuyệt đối. (Số trước là thính theo GDP danh nghĩa, còn số sau là tính GDP theo sức mua tương đương PPP):
Năm 1990 Indoensia hơn Việt Nam là 487 và 2.051 USD/người; năm 2017 tăng lên 1.458 và 5.315 USD/người. Gấp 2,99 và 2,59 lần.
Năm 1990 Thái Lan hơn Việt Nam là 1.410 và 3.359 USD/người; năm 2017 tăng lên 4.205 và 11.095 USD/người. Gấp 2,98 và 3,30 lần.
Năm 1990 Malaysia hơn Việt Nam là 2.343 và 5.881 USD/ người; năm 2017 tăng lên 7.556 và 22.655 USD/người. Gấp 3,22 và 3,85 lần.
Năm 1990 Singapore hơn Việt Nam là 11.766 và 21.259 USD/ người; năm 2017 tăng lên 55.325 và 87.129 USD/người. Gấp 4,70 và 4,09 lần.
Năm 1990 Hàn Quốc hơn Việt Nam là 6.418 và 7.337 USD/ người; năm 2017 tăng lên 27.354 và 31.484 USD/người. Gấp 4,26 và 4,29 lần.
Xin được nói thêm vài câu về Hàn Quốc. Năm 1960 GDP đầu người của Hàn Quốc là 100 USD/người, năm 1990 là 6.516 USD/người, tức tăng gấp hơn 65 lần trong 30 năm. Đến năm 2017 GDP đầu người của họ đã là 29.743 USD/người,
Cũng tính cho khoảng 30 năm, GDP đầu người của nước ta chỉ tăng từ khoảng 100 USD năm 1990 lên 2.389 USD/người năm 2017, chỉ tăng gấp 24 lần, trong điều kiện đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu của Hàn Quốc kém Việt Nam. Đồng thời, ngay từ đầu Hàn Quốc không chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2017 đạt 2.389 USD, gấp trên 24 lần năm 1990 (98 USD), nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD); của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD); của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau sau Malaysia 27 năm; Thái Lan 23 năm; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm… theo các tính toán như trên.
Rõ rằng khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người trở nên rất khó khăn, bởi lẽ, nếu tăng trưởng kinh tế 5%/năm thì đến 2035, tức gần 20 năm nữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay. Còn nếu tăng trưởng kinh tế 7%/năm trong 20 năm liên tục thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay, trong khi đó những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của các nước này không thấp.
Tuy từ năm 2008 Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng nếu không có đường lối, chính sách mang tính đột phá thì thời gian đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người sẽ kéo rất dài.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Tôi cho rằng, cần có hàng loạt các nghiên cứu thực sự nghiêm túc, bắt đầu từ đường lối phát triển đất nước. Nếu được phép, tôi sẽ cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của câu hỏi nêu trên.