Mỗi tháng bán lá tía tô cho Nhật, thu 2 tỷ đồng

Ngày đăng: 09:45 29/03/2019 Lượt xem: 445

Mỗi tháng bán lá tía tô cho Nhật, thu 2 tỷ đồng

 

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh (Tập đoàn May Hồ Gươm) tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) hái và xuất khẩu 5-6 triệu lá tía tô mỗi tháng sang thị trường Nhật Bản. Với giá 500-700 đồng/lá, trang trại có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 130-135 công nhân với thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/tháng.

Trang trại trồng tía tô xanh được Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh (Tập đoàn May Hồ Gươm) đầu tư xây dựng từ tháng 10-2016 trên diện tích 11,3 ha, tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 60.000 m2 nhà kính trồng rau tía tô xanh còn có các công trình phụ trợ khác, như nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…

 moi thang hai 5-6 trieu la tia to xanh ban cho nhat, thu 2 ty dong hinh anh 1

Công nhân Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh thu hoạch lá tía tô xanh.

Theo ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc Công ty, quy trình trồng tía tô xanh luôn được bảo đảm nghiêm ngặt với giống cây nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới tơi bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để bảo đảm nhiệt độ và có hệ thống quạt thông gió bên trong nhà kính.

Mọi công đoạn chăm bón tía tô sau khi gieo trồng đều thuận theo tự nhiên như trang trại nuôi gà để bắt sâu, dùng đèn để bắt côn trùng, ruồi, muỗi... Việc chăm sóc cần hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, hoặc nếu có cũng chỉ là những loại không có độc tố cao và dưới sự chỉ đạo, giám sát của 4 chuyên gia Nhật Bản.

Lá tía tô xanh để xuất khẩu phải bảo đảm kích thước giống nhau, được phân loại và đưa vào kho lạnh trong vòng 2 tiếng sau khi hái. Loại lá tía tô này bắt đầu cho thu hoạch sau một tháng gieo trồng trong nhà kính với nhiệt độ luôn duy trì từ 33 đến 35 độ C. Tuy nhiên, trên một cây tía tô, không phải chiếc lá nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu, lá xuất khẩu được là từ lá thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải bảo đảm kích cỡ 6-8cm.

Người công nhân khi hái lá tía tô cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá. Công nhân làm việc trong phòng lạnh để phân loại, xếp lá vào thùng tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt từ việc mặc đồng phục, đi dép vô trùng cho đến rửa tay bằng nước sát trùng, giữ vệ sinh...

Còn những chiếc lá già, quá lứa trước đó đều hái bỏ đi. Sau khi thu hoạch, vài ngày sau, lá non phát triển thêm đạt kích cỡ như yêu cầu để xuất khẩu thì mới được hái tiếp. Lá tía tô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải không rách nát.

Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ bằng cách chọn lọc thủ công, cột 10 lá thành một và xếp vào thùng. Trước khi đưa lá tía tô vào nhà lạnh để bảo quản sẽ được công nhân ở khâu tiếp theo rà soát từng lá thêm một lần nữa để bảo đảm lá đều, không rách. 

Sau 5 tiếng được đặt lá tía tô xanh trong nhà lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, các lá tía tô mất khoảng thời gian từ khi rời cây đến các bàn ăn của người Nhật là khoảng hơn 24 giờ đồng hồ.

Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng. Hiện mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 200.000 lá (tương đương khoảng 90 kg) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Xuân Bằng, ở những dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, không thể tính toán lợi nhuận trong 1-2 năm được mà phải khoảng 10 năm mới có thể xem xét đến hiệu quả kinh tế. Hiện nay, Công ty mới đưa vào trồng tía tô khoảng ba phần tư trang trại và vẫn đang tiến hành gieo trồng những diện tích còn lại. Công ty đồng thời triển khai trồng nấm kim châm, nuôi cấy mô nhân giống hoa lan.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải là kỹ thuật mà là vấn đề lao động bởi để đào tạo được lao động, đặc biệt là nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghệ cao, từ thay đổi tư duy, nhận thức cho đến thao tác... mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, chính sách của tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần cụ thể, cởi mở hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận thành công.

 

 
Theo Nguyễn Tuấn (Báo Bắc Ninh)
tin tức liên quan