Vụ Tổng thống Thiệu chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ (Kỳ 4): Bí mật từ dinh Độc Lập

Ngày đăng: 08:43 31/05/2019 Lượt xem: 1.241


Vụ Tổng thống Thiệu chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ (Kỳ 4): Bí mật từ dinh Độc Lập

 

                                                          Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


Kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài được bí mật bàn thảo và quyết định từ đầu tháng 4/1975 tại dinh Độc Lập.



Mục đích của nó là để khối tài sản khổng lồ đó không lọt vào tay Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam? Không hẳn như thế.

Thụy Sĩ hay New York?

Dinh Độc Lập, ngày 1/4/1975. Một không khí nặng nề và căng thẳng bao trùm cuộc họp của các nhân vật chóp bu chính quyền Sài Gòn trước tin tức nghiêm trọng về việc quân giải phóng đã tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

 

 

 

vu tong thong thieu chuyen 16 tan vang sang my (ky 4): bi mat tu dinh doc lap hinh anh 1

Tổng thống Trần Văn Hương (giữa) ngày 27/4/1975 - một ngày trước khi trao quyền cho ông Dương Văn Minh - Ảnh tư liệu.

Tự thuật trong cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (The Palace File), tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng cho biết trong cuộc họp đó tướng Cao Văn Viên đã đề nghị dùng hỏa lực mạnh, vũ khí hạng nặng để ngăn bước tiến của "Việt Cộng".

Nhưng trong tình hình tài chính cạn kiệt lúc đó, ông Hưng đã đề nghị "dùng số dự trữ của Ngân hàng quốc gia, bằng vàng hay ngoại tệ, để mua thêm đạn dược" cho quân đội Sài Gòn. Không ai thảo luận tiếp.

Sang hôm sau, 2/4, nội các nhóm họp. Ông Nguyễn Tiến Hưng lại nêu tiếp việc di chuyển và sử dụng số vàng dự trữ vào "nỗ lực phòng thủ cuối cùng".

Ông ta cũng trình bày với nội các về thông lệ của các quốc gia trên thế giới thường ký thác dự trữ vàng tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế ở Thụy Sĩ hoặc Ngân hàng Dự trữ liên bang tại New York. Nội các đã đi đến quyết định chuyển vàng một cách bí mật ra nước ngoài. Nơi đến là Thụy Sĩ - Ngân hàng Bank of International Settlement.

Thống đốc Ngân hàng quốc gia lúc đó là ông Lê Quang Uyển đã được lệnh thi hành nhiệm vụ bí mật này và không cho người Mỹ biết. Ông Uyển lập tức liên lạc với các hãng hàng không TWA, Pan Am và Hãng bảo hiểm Lloyd's ở London (Anh).

Nhưng thật không ngờ, kế hoạch tuyệt mật đó ngay lập tức đã lọt ra "radio catinat" và đến tai các phóng viên nước ngoài thường trú tại Sài Gòn. Và từ ngày 5/4, một số tờ báo nước ngoài đã bắt đầu đăng tải những bản tin sốt dẻo đó, với sự ám chỉ về một âm mưu chiếm đoạt của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Trong cuốn Decent Interval (Cuộc tháo chạy tán loạn), nhân viên CIA tại Sài Gòn Frank Snepp đã tiết lộ: "Trước khi 16 tấn vàng được chuyển đi Thụy Sĩ, có một người đã báo tin cho sứ quán Mỹ biết. Một cộng tác viên của đại sứ Martin cho là không thể tin được ông Thiệu nên đã tố cáo với giới báo chí".Ai đã "xì" tin đó ra ngoài? Không ai biết, nhưng có một điều chắc chắn là phòng làm việc của ông Thiệu ở dinh Độc Lập đã bị cài rất nhiều "rệp" nghe lén. Nhưng CIA có can dự vào vụ nghe lén và làm lộ kế hoạch bí mật này?

Nhưng cũng có tài liệu cho rằng chính những người chống đối lại việc đưa 16 tấn vàng tài sản quốc gia ra nước ngoài đã bắn tin cho giới báo chí. Như vậy, tin tức về việc chuyển vàng đi Thụy Sĩ mà báo chí loan tin lúc đó là sự thật, mặc dù chính quyền Sài Gòn đã liên tục bác bỏ.

Kế hoạch chuyển vàng đi Thụy Sĩ vì thế đã bị vỡ. Các hãng hàng không và bảo hiểm quốc tế từ chối phi vụ này vì sợ báo chí công kích.

Ngày 16/4, đại sứ Martin đã điện về Washington xin một chuyến bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đó đi New York. Nhưng không quân Mỹ và Ngân hàng dự trữ liên bang New York đã không dễ dàng tìm được hợp đồng bảo hiểm cho một khối tài sản lớn như thế từ một nước đang có chiến tranh. Cuối cùng thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dàn xếp xong vấn đề bảo hiểm.Cuối cùng, dù không muốn, dinh Độc Lập vẫn buộc phải nhờ cậy đến người Mỹ. Theo Frank Snepp, đại sứ Mỹ Martin đã đề nghị ông Thiệu chuyển số vàng đó sang Mỹ. Ông Thiệu đồng ý.

Cái gì của Việt Nam phải để lại Việt Nam!

Ngày 25/4/1975, một chiếc máy bay quân sự từ căn cứ Clark (Philippines) đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và sẵn sàng bốc 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam "trước 7 giờ sáng 27/4".

Nhưng tình thế đã đổi thay: lúc chiếc máy bay đó đáp xuống Tân Sơn Nhất, ông Thiệu đã từ chức tổng thống và ông Trần Văn Hương lên nắm quyền. Những người có thẩm quyền lúc đó đã không chịu làm theo ý ông Thiệu nữa! Các tài liệu lưu trữ nhắc nhiều đến cái tên Nguyễn Văn Hảo - phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ.

Ông Nguyễn Văn Hảo lúc đó là người giữ liên lạc giữa chính quyền Sài Gòn và sứ quán Mỹ, hoàn toàn không muốn chuyển 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam.

Trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập, TS Nguyễn Tiến Hưng mô tả như sau: Hảo vào gặp tổng thống Trần Văn Hương và dọa rằng: "Nếu tổng thống cho phép chuyển số vàng ấy ra ngoại quốc thì trong trường hợp tướng Minh (tức ông Dương Văn Minh) lên thay, tổng thống sẽ bị lên án là phản quốc!".

Ông Hương hoảng sợ và đồng ý phải giữ vàng lại. Ngay sau đó, Hảo điện cho cố vấn kinh tế đại sứ quán Mỹ Denny Ellerman, nói rằng: tổng thống Trần Văn Hương đã quyết định không chuyển vàng ra khỏi VN!...

Đại sứ Martin bất ngờ trước tin này. Theo hồi ký của Frank Snepp, đại sứ Martin đã yêu cầu máy bay tiếp tục nằm chờ ở Tân Sơn Nhất, đồng thời cố thuyết phục ông Hương hủy bỏ lệnh ấy. Không có kết quả.

Thậm chí trong một cuộc họp, ông Hương còn nói: "Cái gì của Việt Nam phải để lại Việt Nam!". Martin xoay qua tác động ông Nguyễn Văn Hảo nhưng cũng không thành công. "Hảo đã không muốn chuyển vàng đi, có thế thôi. Ông ta đã tưởng tượng là có thể sống chung được với những người cộng sản", Martin sau này kể lại.

Quả thật lúc ấy đại sứ Mỹ Martin rất điên khi không lấy được 16 tấn vàng chở qua Mỹ. Đến mức, trong cuộc trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng ngày 27/3/1985, Martin thú nhận một điều điên rồ: "Vào lúc chót, tôi (tức Martin - NV) có nghĩ đến việc liên lạc với người bạn cũ ở Thái Lan là tư lệnh không quân Dhawee Chulasapaya. Sau đó, kêu gọi thêm một số thủy quân lục chiến Thái Lan bay qua Sài Gòn để giải phóng số vàng, mang nó đi. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi… Vàng vẫn còn lại ở đó".

Vàng còn ở đó là ở đâu, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn? Theo TS Nguyễn Tiến Hưng, 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn ở ngân hàng. Còn theo Frank Snepp, "16 tấn vàng nằm trong khoang một chiếc máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc quân của tướng Dũng (tức đại tướng Văn Tiến Dũng - NV) tràn vào Sài Gòn".

Cả hai đều không chính xác. Vàng không đóng thùng gì cả và cũng không nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vậy nó ở đâu? Những nhân chứng của ngày 30/4 sẽ trả lời câu hỏi này trong số báo tới.

Ngày 27/1/1976, cựu đại sứ Martin đã giải trình về chuyện 16 tấn vàng trước Quốc hội Mỹ như sau:

"...Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số vàng dự trữ của Việt Nam Cộng hòa sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel bên Thụy Sĩ nhằm có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược tại châu Âu. Khi tin này lộ ra thì không có cách nào chở vàng đi bằng đường hàng không thương mại được nữa.

Bởi vậy đã có những sắp xếp tiếp theo để chuyển nó sang tài khoản (của Việt Nam Cộng hòa - NV) tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York).

Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Ông phó thủ tướng (Nguyễn Văn Hảo) và tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân tổng thống (Trần Văn Hương) để chuyển số vàng này đi...".

(Nguồn: Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng)


tin tức liên quan