Ông Trần Bắc Hà tử vong, điều gì tiếp diễn sau đó?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật phân tích tình huống pháp lý khi bị can bị chết trong thời gian tạm giam.
Ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch HĐQT BIDV đã tử vong sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam. Nguyên nhân ông Hà tử vong được cho là do ung thư gan.
|
Ông Trần Bắc Hà |
Trao đổi với VietNamNet, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay: Điều 26 luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: Trường hợp người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường.
Đồng thời thông báo ngay cho CQĐT và VKS có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết.
Cùng với đó, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Khi CQĐT và VKS đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng, việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng.
Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.
Theo TS Đinh Thế Hưng, sau khi bị can bị chết, cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ vụ án đối với vụ án chỉ có một bị can. Trong trường hợp vụ án có đồng phạm thì sẽ chỉ ra quyết định đình chỉ bị can đối với người chết.