'Không có môn Sử, chúng ta không biết tri thức của quá khứ'

Ngày đăng: 08:43 21/07/2019 Lượt xem: 384

'Không có môn Sử, chúng ta không biết tri thức của quá khứ'

Lịch sử chứa đựng những tri thức của quá khứ, không biết sử sẽ không thể hướng đến tương lai.

Các nhà khoa học khi phát minh ra cái gì thì cái đó hoặc là nền tảng cơ sở, hoặc là lý thuyết chưa được chứng minh. Phải đến đời sau mới có người chứng minh, ứng dụng những thứ đó. Đời sau nữa cải tiến và hoàn thiện. Đời sau nữa phát triển lên tầm cao hơn. Cứ như thế, nhiều đời người mà đời sau luôn dựa trên tri thức của đời trước.

Không có môn lịch sử thì tri thức của đời trước không được ghi lại và các nhà khoa học ở mọi thế hệ sẽ phải luôn bắt đầu lại từ đầu. Như thế, đừng nói lịch sử xã hội loài người là 5 nghìn năm, có 50 nghìn năm đi nữa cũng không tiến bộ được. Cái laptop mà bạn dùng là phát triển từ máy tính để bàn (desktop). Cái máy tính để bàn này - còn có tên là máy tính cá nhân PC - được phát triển từ máy tính nhà nước dùng làm kho dữ liệu quốc gia, phóng và điều khiển tên lửa vũ trụ - vệ tinh cũng như trong quân sự.

Những cái máy tính này dựa trên nguyên lý của dòng điện một chiều chạy qua những con transistor (tế bào bán dẫn) và chia làm hai hướng, hoặc là "0" hoặc là "1".  Ở những năm 1960, những cái máy tính nguyên thủy này to bằng tòa nhà 5 tầng và dài hàng trăm mét. Nó to như vậy vì con transistor lúc ấy to bằng nắm tay. Ngày nay những con transistor chỉ có kích thước bằng một phần nghìn mm. Đó là tóm tắt lịch sử của máy tính điện tử.

Chúng ta học lịch sử thường là lịch sử xã hội – quân sự trong khi lịch sử có mặt ở khắp nơi, ngành nghề lĩnh vực nào cũng phải có, bao gồm cả các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa thì bề dày lịch sử của chúng cũng rất đồ sộ. Không có lịch sử, người ta sẽ không biết gì về quá khứ, đặc biệt là tri thức của quá khứ. Không có thứ gì hiện đại ngày nay không dựa trên những thứ thô sơ cổ lỗ của quá khứ.

Lịch sử là quá khứ được sắp xếp theo trình tự thời gian. Phải biết xưa thì mới biết nay và biết làm thế nào hướng đến tương lai. Không có cái gì gọi là "thuận theo tự nhiên" cả. Nếu thuận theo tự nhiên, con người có lẽ chả hơn được con khỉ cái gì.

Tưởng tượng, chúng ta không biết gì về thành tựu nghiên cứu của nhà khoa học cổ đại Archimedes, người phát minh ra nguyên lý đòn bẩy, ròng rọc thì chúng ta sẽ không có tất cả các loại máy móc cơ khí như hiện nay. Những nguyên lý này chắc chắn là người ta đã biết từ trước khi có ông Archimedes – họ dùng để xây kim tự tháp Ai Cập.

Tuy nhiên, những người biết những nguyên lý này đã bị chôn cùng với các Pharaoh khi các kim tự tháp được xây xong khiến cho tri thức về chúng bị gián đoạn. Chỉ đến khi có ông Archimedes những nguyên lý này mới được tìm ra, được tính toán thành công thức và được ghi chép lại.

Tóm lại, bất kỳ môn học lĩnh vực nào đều có lịch sử riêng của chúng. Sau khi học xong lịch sử phổ thông, vào đại học học một ngành nghề gì đó, ta cũng phải học qua lịch sử của ngành nghề đó chứ. Không học lịch sử làm sao sáng tạo ra được cái mới hơn, mới hơn nữa? Lịch sử là những chiến công trong quá khứ của tổ tiên ta? Hiểu như thế thì quá mức hạn hẹp rồi.

>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đâyhoặc qua email bandoc@vnexpress.net

Lâm

tin tức liên quan