Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chuyện trấn yểm long mạch

Ngày đăng: 08:55 19/08/2019 Lượt xem: 840

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chuyện trấn yểm long mạch

 

Thế nhưng người tính không bằng trời tính. “Ngai” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn bị lung lay và sụp đổ. Mới hay, dẫu cái tốt, xấu của phong thủy huyệt mộ có ảnh hưởng đến cát, hung nhưng âm đức của con người mới là điều quyết định. Tất cả đều chịu sự chi phối của Luật nhân quả vốn dĩ rất công bằng từ cổ chí kim.


Cũng giống như các bậc đế vương thời phong kiến, nhiều tổng thống của chế độ Việt Nam cộng hòa cũng rất tin vào tâm linh, phong thủy, tin đến mức cuồng tín. Nói về cuồng tín tâm linh thì ông Nguyễn Văn Thiệu được liệt vào hàng bậc nhất. Cuộc đời của ông có nhiều ẩn số bí hiểm và đầy màu sắc tâm linh. Từ ngày tháng năm sinh ẩn giấu đến việc rời mồ mả tổ tiên, ông bà, trấn yểm long mạch tại núi Mặt Quỷ, hòn Đá Dao trên núi Đá Chồng quê hương Ninh Hải của ông, rồi phá thủy, yểm đuôi rồng, trấn phong thủy Hồ con rùa, mời ba vị chiêm tinh gia bói toán, tử vi thuộc hàng đệ nhất phương Nam là “quỉ cốc tiên sinh” Huỳnh Liên, Khánh Sơn và Minh Nguyệt trừ tà, lập mưu… Tất cả đều nhằm củng cố vững chắc chiếc ngai Tổng thống của mình. Thế nhưng người tính không bằng trời tính. “Ngai” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn bị lung lay và sụp đổ. Mới hay, dẫu cái tốt, xấu của phong thủy huyệt mộ có ảnh hưởng đến cát, hung nhưng âm đức của con người mới là điều quyết định. Tất cả đều chịu sự chi phối của Luật nhân quả vốn dĩ rất công bằng từ cổ chí kim.

 

 

 

tong thong nguyen van thieu va chuyen tran yem long mach hinh anh 1

Nguyễn Văn Thiệu chơi trống rất cừ.

Con đường tiến thân của Nguyễn Văn Thiệu

Xung quanh chuyện đời của ông Thiệu có quá nhiều bí ẩn. Song bí ẩn đầu tiên, gây tranh cãi nhiều nhất chính là ngày tháng năm sinh của ông. Sinh thời, ai cũng biết ông Thiệu sinh ngày 24 tháng 12 năm 1924, tức ngày Tý, tháng Tý, năm Tý, tử vi gọi là “tam tý vi vương”, tức người có mệnh đế vương. Dư luận thời đó đã bàn tán khá ồn ào về mệnh đế vương này. Báo chí Miền Nam cũng đã tốn không ít giấy mực.

Theo các thầy tử vi thời đó thì người có lá số “tam tý” này “tuổi thơ nghèo khổ, ít học, nhưng khôn ngoan và ương ngạnh. Tuy háo sắc nhưng rất kín đáo để che giấu tình cảm. Là người có vóc dáng thanh tú, điềm đạm, thông minh, mưu trí và nhất là biết chụp thời cơ.

Có khiếu về văn nghệ và ngoại ngữ, lấy vợ sớm và phải có người mai mối”. Về tính cách, “đây là người ôn hòa, mềm mỏng, đa nghi, có nhiều mưu trí. Suốt cả cuộc đời đều được yên thân và hưởng giàu có sau 33 tuổi. Khuyết điểm của người tuổi này là: chủ quan, liều lĩnh, thô bạo, nóng nảy”.

Đối chiếu vào cuộc đời, tính cách ông Thiệu, có thể nói, những lời phán ấy ứng chính xác đến 100%. Trước hết, ông Nguyễn Văn Thiệu mồ côi cha từ năm 11 tuổi nên tuổi thơ ông khá vất vả. Học xong lớp 9, ông rời quê vào Sài Gòn, tá túc tại nhà người anh cả là Nguyễn Văn Hiếu (thời đệ nhị Cộng hòa là đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Italia) để học nghề ở Trường kỹ thuật Đỗ Hữu Vị.

Sau đó, ông được người anh này giúp đưa vào học trường dòng của Pháp tại Huế. Sau năm 1945, ông  quay trở lại Sài Gòn, nhờ ông Nguyễn Văn Hiếu xin cho học trường Hàng hải. Nguyễn Văn Thiệu quả thật có duyên với đường binh nghiệp và thăng tiến rất nhanh. Pháp chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, hà hơi tiếp sức cho Bảo Đại lập nên cái gọi là Quân đội Quốc gia Việt Nam, Thiệu ghi tên vào học khóa sĩ quan không quân đầu tiên và trở thành thiếu úy trong Quân đội Liên hiệp Pháp vào năm 1949.

 

 

 

tong thong nguyen van thieu va chuyen tran yem long mach hinh anh 2

Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1955, Quân đội Việt Nam cộng hòa được thành lập, Nguyễn Văn Thiệu đã đeo lon trung tá, giữ chức Chỉ huy trưởng Trường võ bị Đà Lạt. Lúc này, ông Thiệu 33 tuổi, theo tuổi âm. Không lâu sau đó, ông lại được Tổng thống Ngô Đình Diệm thăng hàm đại tá, cất nhắc vào vị trí Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, thay cho Đại tá Vòng A Sáng, một tay chỉ huy thiện chiến nhưng bất trị mà Diệm luôn nghi ngại.

Năm 1951, Thiệu cưới vợ, bà Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Vì thế, năm 1957, Nguyễn Văn Thiệu được rửa tội và trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Mai mối cho cuộc hôn nhân là Đặng Văn Quang, một người  bạn đồng ngũ. Bà Mai Anh là cháu họ của Đặng Văn Quang.

Khi Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, Đặng Văn Quang đeo lon trung tướng, được Thiệu mời làm Cố vấn Tổng thống về quân sự, Phụ tá an ninh và tình báo quốc gia, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia, trở thành người có quyền lực hàng thứ 4 trong hàng ngũ quyền lực cao nhất  ở  miền Nam.

Nguyễn Văn Thiệu quả thật  rất có năng khiếu về ngoại ngữ. Thời đi học, vốn tiếng Pháp của ông rất giỏi. Tiếng Anh, ông chỉ học qua các phụ tá của mình mà đọc thông, viết thạo, nói như gió.

Trong cuốn hồi ký “Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập”, xuất bản năm 1988, đã được in và phát hành trong nước, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – nguyên phụ tá kinh tế của Nguyễn Văn Thiệu, có kể: ngày 8 tháng 6 năm 1969, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Richard Nixon để bàn về vấn đề Việt Nam hóa chiến tranh tại đảo Midway ở Thái Bình Dương, Nguyễn Văn Thiệu đã tranh luận trực tiếp bằng tiếng Anh trong suốt 8 tiếng đồng hồ liền mà không cần phiên dịch.

Riêng về chuyện “háo sắc nhưng rất kín đáo để che giấu tình cảm” của ông thì trước năm 1975, báo chí đối  lập đã phanh phui khá nhiều. Người dân miền Nam thời đó không lấy gì chuyện lạ. Ngoài ra, ông còn là người có  năng khiếu văn nghệ, từng tham gia thủ trống biểu diễn trong một cuộc giao lưu với Hướng đạo sinh tại Suối Tiên vào năm 1972…

Lá số “tam tý vi vương”

Trở lại với lá số tử vi “tam Tý vi vương” mang mệnh đế vương của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm Nhâm Tý 1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho phép ba thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn – “những quỉ cốc cao nhân” trong nghề chiêm tinh, tử vi và bói toán nổi tiếng miền Nam mà ông rất tin tưởng – lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia của mình.

Lá tử vi quý số “tam Tý” của Nguyễn Văn Thiệu được ba thầy tranh nhau nhắc đến, gắn “chân mạng đế vương” của người đứng đầu thể chế với “một nền hòa bình và vĩnh cửu, cho dân chúng miền Nam, đang đến rất gần”. Lại nữa, mệnh của Thiệu là mệnh Kim mà lại nằm vào cung Thủy là đắc cách. Năm 1965, khi Thiệu đúng 41 tuổi đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim, lại gặp Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, Ấn hội chiếu là thượng cách, vì thế Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, rồi sau đó lên chức Tổng thống.

Vì cung Phúc Đức là gốc của lá số cho nên tuy hết làm Tổng thống mà Thiệu vẫn được thụ hưởng giàu sang, an nhàn cho đến năm 1985, nghĩa là vào hạn Chính Hòa ở cung Ngọ”…

Có thể nói, dù nói công khai, lộ liễu hay úp mở thì mọi người vẫn ngầm hiểu vận mệnh quốc gia đang thuộc về người chèo lái Nguyễn Văn Thiệu có chân mạng đế vương với tuổi tý “tam trùng quí số”.

Ấy thế nhưng, ngày 29 tháng 9 năm 2001, tại đám tang cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ), có nhiều cựu quan chức, tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, trong  đó có Ngô Quang Trưởng, Phạm Quốc Thuần, Lê Minh Đảo, Đào Duy Ân, Mạch Văn Trường, Phan Hòa Hiệp, Lâm Ngươn Tánh, Trần Bá Di, Văn Thành Cao…, những người không chỉ là thuộc cấp mà còn từng là đồng ngũ lâu năm, hiểu Nguyễn Văn Thiệu tận chân tơ kẽ tóc.

Tất cả đều đã bị choáng, không tin vào mắt mình khi đọc dòng chữ trên cáo phó và văn bia: Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923, tức ngày Mậu Thân, tháng Ất Mão, năm Quý Hợi. Ngày tháng năm sinh ấy chẳng ăn nhập gì đến lá số tử vi quý số “tam Tý”, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1924 của  ông Thiệu đã từng được ba thầy “quỷ cốc tiên sinh” tranh nhau nhắc đến, gắn “chân mạng đế vương”. Lạ quá. Sốc quá. Vậy ngày tháng năm sinh nào mới là thật của ông Thiệu? Có gì mờ ám trong chuyện này đây?

 

 

 

tong thong nguyen van thieu va chuyen tran yem long mach hinh anh 3

Nguyễn Văn Thiệu là người giỏi ngoại ngữ. Khi trò chuyện với Kissinger tại Dinh Độc Lập, ông nói trực tiếp bằng tiếng Anh, không cần phiên dịch.

 Nếu cái tuổi Giáp Tý, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1924 không đúng, sao suốt 10 năm làm Tổng thống của chế độ Việt Nam cộng hòa, ngự trị trên cương vị lãnh đạo chóp bu của miền Nam (1965-1975), ông Thiệu lại không hề đính chính, mặc cho thiên hạ bàn tán đủ  kiểu?

Chưa hết, khai xuân năm Nhâm Tý 1972, ông Thiệu còn cho phép ba thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn – những cao thủ trong nghề chiêm tinh, tử vi đẩu số và bói toán mà ông tin tưởng và ưu ái nhất lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia của mình?

Nhưng nếu cái tuổi Giáp Tý, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1924 là đúng thì cái tuổi Quý Hợi, sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923 ghi trong cáo phó, văn bia kia lấy ở đâu ra? Chẳng nhẽ gia đình, vợ con ông Thiệu nhầm chăng? Không. Chắc chắn là không. Người ngoài có thể nhầm nhưng người thân trong gia đình của ông Thiệu thì tuyệt đối không thể nhầm.

Bởi với những người dân nghèo ở miền Trung hồi đầu thế kỷ 20, khi sinh con rất ít khi nhớ rõ ngày tháng thật. Họa hoằn lắm chỉ nhớ sinh con vào mùa nào, ngày mưa hay nắng, giờ gà lên chuồng thôi. Trong khi Nguyễn Văn Thiệu sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Nho học ở làng Tri Thủy, xã Tri Hải, quận Thanh Hải (nay là thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).

Ông Nguyễn Văn Chung, thân sinh của Nguyễn Văn Thiệu là một nhân sĩ Nho học. Hai người anh lớn Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Văn Kiểu cũng là trí thức, từng dạy học. Việc ông Thiệu có ngày sinh tháng đẻ chính xác, có lá số tử vi chính xác là điều dễ hiểu và hợp lý.

Cho nên, không thể có sự nhầm lẫn như trên, nhất là với một nguyên thủ quốc gia, trong suốt 10 năm cầm quyền vẫn không hề nhắc gì đến việc này. Nói chính xác hơn, có hơn một lần, vị cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã từng giải thích điều này. Trong cuốn hồi ký “Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập”, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thuật lại: “Ông Thiệu cho biết, ngày sinh của ông là 5 tháng 4 năm 1923.

Khi ghi danh đi học, phải khai giấy tờ, ông Thiệu không nhớ, lại không có người lớn trong gia đình ở bên cạnh để hỏi nên ông đã khai đại thành 24 tháng 12 năm 1924, vì biết đó là ngày đẹp “Tý trùng”, cộng với việc ông sinh giờ Tý để thành “Tam trùng” – “tam tý vi vương”. Khai xong, ông mới có điều kiện hỏi lại để biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của mình”.

Nếu những gì ông Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại là sự thật thì người ta vẫn có quyền nghi ngờ. Bởi ở tuổi học trò tiểu học, khó có thể tin là cậu bé Nguyễn Văn Thiệu đủ tri thức chọn một ngày sinh “quý số tam trùng” để “khai đại” cho đời mình. Nếu đúng thế, ông Thiệu quả là một thầy tử vi đại tài, năng khiếu phát lộ từ tấm bé.

Lập lá số giả để “thu phục” thiên hạ?

Tuy nhiên, Đại tá Đỗ Mậu, nguyên Giám đốc Nha an ninh quân đội luôn tin rằng, Nguyễn Văn Thiệu sinh vào nửa đêm (giờ Tý) ngày 24 tháng 12 năm 1924, tức ngày 28 tháng 11 âm lịch, nhằm vào ngày Đinh Sửu, tháng Bính Tý của năm Giáp Tý. Đỗ Mậu là  người rất am tường khoa Tử vi đẩu số.

Ông bảo, Nguyễn Văn Thiệu không chỉ “trùng tam Tý” mà còn “trùng tứ Tý”.  Trong hồi ký “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” (được in trong nước dưới tựa “Tâm sự tướng lưu vong” – NXB Công an nhân dân 1994), ông Đỗ Mậu viết: “Thiệu sinh tuổi Giáp Tý (1924), sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (tháng 11 Âm lịch) và cung Mệnh Viên cũng nằm ở Tý.

Lại nữa, mệnh của Thiệu là mệnh Kim mà lại nằm vào cung Thủy là đắc cách. Năm 1965, khi Thiệu đúng 41 tuổi đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim, lại gặp Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, Ấn hội chiếu là thượng cách, vì thế Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, rồi sau đó lên chức Tổng thống. Vì cung Phúc Đức là gốc của lá số cho nên tuy hết làm Tổng thống mà Thiệu vẫn được thụ hưởng giàu sang, an nhàn cho đến năm 1985, nghĩa là vào hạn Chính Hòa ở cung Ngọ”.

Khi nhóm tướng lĩnh âm mưu đảo chính anh em Ngô Đình Diệm, Sư đoàn 5 do Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy vẫn đóng ở Biên Hòa.  Khi có sự cố, Sư đoàn 5 là đơn vị có thể điều quân cơ động, nhanh chóng nhất về Sài Gòn, cho dù là để tấn công hay phòng thủ, giải vây. Nhóm tướng lĩnh đảo chính đã tìm đủ cách để lôi kéo Nguyễn Văn Thiệu tham gia vào âm mưu, chí ít cũng là án binh bất động không can thiệp, để đề phòng bất trắc.

Đại tá Đỗ Mậu, một trong những chủ mưu đảo chính anh em Diệm – Nhu đã trực tiếp đứng ra lo liệu việc lôi kéo Nguyễn Văn Thiệu. Biết viên tư lệnh trẻ là người nặng đầu óc mê tín, rất tin vào tướng số, Đỗ Mậu đã đút tiền cho thầy chiêm tinh Huỳnh Liên trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), người được mệnh danh là Quỷ Cốc tiên sinh để thầy này lập lá số cho Nguyễn Văn Thiệu, sau đó, dắt Thiệu tới.

Quỷ Cốc Huỳnh Liên phán: “Thầy cầm tinh Giáp Tý, năm Quý Mão (1963) tất gặp chông gai. Thầy phải đích thân đứng ra đẩy bật tảng đá chắn đường mình đi, nếu không thì mạng vận của thầy sẽ bị tảng đá này đè nát”. Nguyễn Văn Thiệu tin sái cổ. Quỷ Cốc tiên sinh còn phán thêm: “Số phần đã vạch, thầy chớ có nhị tâm mà rước họa vào thân, chết không toàn mạng”.

Theo yêu cầu của thầy tướng số – mà kỳ thực là yêu cầu của chính Đỗ Mậu – Nguyễn Văn Thiệu đã thề độc sẽ theo phe đảo chính, chính thức ký tên vào danh sách những kẻ sẽ nhúng tay vào máu anh em Ngô Đình Diệm.

Một nguồn thông tin khác lại cho rằng, tuổi “Tý trùng” của Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn là bịp bợm. Người ngụy tạo ra nó là một bác sĩ, nhân viên tình báo thời đệ nhất Cộng hòa tên là Trần Đại Sỹ. Ông này từng sắm vai ký giả, ký bút danh Trần Hoàng Quân, từng là trưởng nhóm nghiên cứu Tử vi Đông A.

Việc ngụy tạo được tiến hành theo đơn đặt hàng của dược sĩ Nguyễn Cao Thăng trước khi đảo chính anh em Diệm nổ ra. Sau này, sống lưu vong tại Pháp, ông Trần Đại Sỹ có xuất bản cuốn “Tử Vi cho tuổi Tý”, không tiếc lời mạt sát lá số thật của Nguyễn Văn Thiệu.

Ông ta cũng xin lỗi các cao thủ khác trong nghề tử vi và thú nhận thời trẻ nông nổi, ham danh lợi nên ông ta đã làm bậy, nhắm mắt chấm cho Nguyễn Văn Thiệu một lá số có mạng đế vương. Điều kỳ lạ là sau này, Nguyễn Văn Thiệu lại tuyệt đối tin rằng ông ta có chân mạng “tứ Tý quý trùng”, nhất nhất xây dựng cơ đồ quyền lực trên nền tảng của một trò bịp bợm.

(Còn nữa...)

 
Theo Hoàng Anh Sướng (Tuổi trẻ & Đời sống)
tin tức liên quan