Nhóm nghiên cứu tìm thấy những hồ "thuốc độc" dưới đáy đại dương. Trong số đó có những hồ nằm dưới đáy vịnh Mexico suốt nhiều năm nay, được coi là nấm mồ chôn xác rất nhiều sinh vật biển. Hồ nhỏ nhất có đường kính chưa tới 1 m, còn hồ lớn nhất thậm chí dài đến 20 km.
Tuy nằm dưới đại dương nhưng hồ nước này tách biệt với khu vực xung quanh do nồng độ muối đậm đặc hơn rất nhiều. Nó cũng chứa nồng độ metan và hydro sunfua cực độc và do đó không thể trộn lẫn với biển xung quanh.
Độ mặn cao làm tăng mật độ của nước muối, tạo ra một bề mặt và bờ riêng cho hồ. Khi tàu ngầm lặn xuống vào vị trí hồ nước muối, chúng sẽ nổi trên bề mặt nước. Chuyển động của tàu ngầm có thể tạo ra các sóng trên bề mặt hồ.
Những hồ nước này lại được coi là “thuốc độc” với các sinh vật biển. Nước quá mặn, thường không chứa oxy khiến sinh vật biển khó sống sót. Một số hồ thậm chí chứa chất độc, giết bất cứ sinh vật nào vô tình lọt vào.
Những thước phim được giới nghiên cứu quay lại cho thấy, nhiều động vật mắc kẹt trong hồ đều chịu chung số phận. Ngay cả con người nếu bơi vào đó "phải chịu đựng khủng khiếp" và có thể dẫn tới tử vong do nồng độ độc hại. Xác cua biển như được ướp muối vì chúng không thể sống sót trong điều kiện hóa học khắc nghiệt.
Tuy nhiên, một số dạng sinh vật biển cá biệt có thể tồn tại ở hồ nước này. Trong số đó có một số loài vi khuẩn, tôm, thậm chí cả giun ống…. Bờ của hồ mặn thường xuất hiện các loài trai sò sống cộng sinh với vi khuẩn.
Mô tả những phát hiện mới nhất của mình trên tạp chí Oceanography, Erik Cordes, phó Giáo sư sinh vật học đến từ trường Đại học Temple nhận định: “Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất dưới biển sâu. Lặn xuống đáy đại dương, bạn nhìn thấy cái hồ hoặc như một dòng sông chảy dưới bề mặt. Đó là cảm giác như thể bạn không ở thế giới này”.
Ngoài ở vùng vịnh Mexico, những hồ mặn còn thấy xung quanh khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Các bể nước mặn ở biển sâu và Nam Cực có thể gây độc cho động vật biển.
Huy Hoàng
Theo Labroots/ Sc