Lục địa bị mất "Greater Adria" được cho xuất hiện khoảng 240 triệu năm trước, sau khi nó tách khỏi Gondwana, một siêu lục địa phía nam được tạo thành từ châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ, Úc và các vùng đất lớn khác.
Greater Adria rộng lớn, kéo dài từ vùng núi Alps ngày nay đến Iran, nhưng không phải tất cả đều ở trên mặt nước. Điều đó có nghĩa là nó có khả năng là một chuỗi các hòn đảo hoặc quần đảo, tác giả chính Douwe van Hinsbergen đến từ Khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Utrecht, Hà Lan cho biết.
Hinsbergen và nhóm của ông đã dành một thập kỷ để thu thập và phân tích các loại đá từng là một phần của lục địa cổ đại này. Các vành đai núi nơi những tảng đá Greater Adria này được tìm thấy trải rộng khoảng 30 quốc gia khác nhau.
Hinsbergen nói: "Mỗi quốc gia có khảo sát địa chất riêng và bản đồ riêng và câu chuyện của riêng họ và lục địa của riêng họ. Với nghiên cứu này, chúng tôi đã kết hợp tất cả lại trong một bức tranh lớn”.
Trái Đất được bao phủ trong các mảng kiến tạo lớn di chuyển tương đối với nhau. Greater Adria thuộc mảng kiến tạo châu Phi (nhưng không phải là một phần của lục địa châu Phi, vì có một đại dương giữa chúng), dần trượt xuống dưới mảng kiến tạo Á-Âu, nơi hiện là miền nam châu Âu.
Khôi Nguyên
Theo Live Science