Ai sẽ làm Tổng thống Mỹ nếu ông Trump bị luận tội và phế truất?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ chiếm đa số vừa nhất trí tiến hành các bước tiếp theo trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ chiếm đa số vừa nhất trí tiến hành các bước tiếp theo trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
Điều tra luận tội tập trung vào nghi vấn liệu đương kim Tổng thống Mỹ có gây áp lực để giới chức Ukraina điều tra cha con Joe Biden, ứng viên tiềm năng cạnh tranh với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, nhằm có được lợi thế trước đối thủ hay không. Ông Trump luôn bác bỏ cáo buộc này.
|
Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Peloci. (Ảnh: AP) |
Với tỷ lệ ủng hộ 232/196 trong cuộc bỏ phiếu ngày 31/10, Hạ viện Mỹ đồng ý thiết lập một số nguyên tắc luận tội và cho phép truyền hình trực tiếp các buổi điều trần từ giữa tháng 11, đồng thời đảm bảo quyền của Tổng thống Trump khi tham gia các giai đoạn tiếp theo của tiến trình luận tội.
Đây là lần sát hạch đầu tiên về sự ủng hộ của các thành viên Quốc hội Mỹ đối với nỗ lực điều tra luận tội ông Trump mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khởi xướng từ ngày 24/9. Trong lịch sử, Hạ viện Mỹ đã 3 lần chính thức theo đuổi luận tội. Hai tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton đã bị luận tội nhưng được tha bổng trong các phiên xử ở Thượng viện. Người thứ 3 – Nichard Nixon – đã từ chức khi mọi chuyện trở nên rõ ràng là ông sẽ bị Hạ viện luận tội và bị Thượng viện phế truất.
Ngay sau quyết định của Hạ viện, Tổng thống Trump lên mạng xã hội Twitter lên án cuộc điều tra luận tội là "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Trước đó ít giờ, ông tố cuộc điều tra là "lừa đảo" và có thể làm tổn thương thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo CNN, để biện hộ cho hành động của mình, Tổng thống Trump đã đề nghị các phóng viên nên xem xét các cuộc trò chuyện của Phó Tổng thống Mike Pence với lãnh đạo Ukraina. Và hiện Nhà Trắng cũng đang cân nhắc liệu có nên công bố ghi chú các cuộc trò chuyện của ông Pence với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hay không.
Tất cả những diễn biến trên đặt ra câu hỏi liệu Phó Tổng thống Pence có nguy cơ bị lôi kéo vào vòng xoáy luận tội hay không. Và nếu nỗ lực của phe Dân chủ nhằm phế truất Tổng thống Trump thành công thì liệu ông Pence có lên thay thế.
Nhưng lịch sử và quy định hiến pháp Mỹ cho thấy rất nhiều người khác có thể có cơ hội này? Cây viết Paul Callan nhận định trên CNN rằng, tất cả phụ thuộc vào mức độ và bản chất của "hối lộ" hay "những tội nặng nhẹ" mà các nhà điều tra của Quốc hội có thể hoặc không xác minh được.
Trong trường hợp này, sự kế nhiệm tổng thống phụ thuộc vào việc Phó Tổng thống Pence đã biết những gì và biết được khi nào. Cụ thể, liệu ông có ý thức được trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky ở Ba Lan ngày 1/9 rằng sếp của mình trước đó đã yêu cầu một "ân huệ" khi thảo luận về viện trợ quân sự với Kiev và "ân huệ" đó gắn với một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cha con Joe Biden?
Tương lai chính trị của Mike Pence và Nancy Pelosi có thể đều phụ thuộc vào lời giải đáp cho những câu hỏi kể trên.
Nếu chuyến đi hồi tháng 9 của Mike Pence được thiết kế chủ đích thúc đẩy yêu cầu của Tổng thống Trump về ý đồ đó, thì ông có thể gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Nó có thể đặt ông vào giữa tâm điểm cuộc điều tra luận tội như một người đồng mưu với Tổng thống.
Những gì tiếp theo có thể là một viễn cảnh luận tội kép, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Sau Mike Pence, bà là người thứ 2 trong danh sách kế nhiệm ôngTrump.
Bản thân Pence cũng thừa nhận ông đã tới thăm Zelensky và nêu quan ngại về nạn tham nhũng ở Ukraina ít tuần sau cuộc thảo luận được cho là "có qua có lại" của Tổng thống Trump với người đồng cấp mới đắc cử của Ukraina. Một trong những trợ tá của ông Pence cũng có mặt tại cuộc gọi đó. Chi tiết của cuộc trò chuyện chưa được công bố nhưng chắc chắn sẽ làm sáng tỏ liệu ông Pence có tích cực tham gia vào nỗ lực gây sức ép với tân Tổng thống Ukraina hay không.
CNN dẫn một số nguồn tin nói rằng cuộc hội thoại của Phó Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Ukraina không phải về Biden mà về nạn tham nhũng nói chung ở Ukraina. Ông Pence đã mang về cho ông Trump đảm bảo từ ông Zelensky, rằng Kiev sẽ hành động diệt trừ tham nhũng. Dựa trên tiết lộ này, ông Pence sau đó khuyên Tổng thống rằng Mỹ nên dỡ bỏ trì hoãn viện trợ cho Ukraina.
Nếu cả ông Trump và Pence đều dính đến bê bối và ông Pence phải từ chức hoặc bị phế truất trước, thì ông Trump có thể chỉ định một người phó mới theo sửa đổi hiến pháp thứ 25. Tuy nhiên, người được chọn sẽ cần được đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện tán thành.
Nhưng một Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát liệu có chấp nhận bất kỳ phó tổng thống nào do Tổng thống chọn? Khả năng cao câu trả lời là Không, đặc biệt là khi quyết định đó tạo cơ hội cho bà Pelosi lên làm Tổng thống trong trường hợp ông Trump bị Thượng viện phế truất sau một phiên xử luận tội.
(C. H sưu tầm )