Dừng sản xuất Táo quân: Có gì mà tiếc nuối?
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Táo quân ngừng sản xuất sau 16 năm lên sóng chính là quyết định đúng đắn để giữ lại những ký ức đẹp trong lòng khán giả
Ngày 22/11, Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) ra thông báo dừng sản xuất chương trình Táo quân sau 16 năm lên sóng.
Thông tin này khiến nhiều người buồn nhưng không quá bất ngờ bởi lẽ từ một số năm về trước, vấn đề nên dừng sản xuất Táo quân được đặt ra.
Lý do là chất lượng chương trình ngày càng đi xuống, tiếng cười ngày càng trở nên khiên cưỡng, hời hợt, một số chương trình còn vấp phải những chỉ trích gay gắt vì thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng GLBT hay quá lạm dụng quảng cáo.
|
"Táo quân" ngừng sản xuất sau 16 năm lên sóng. |
"Táo quân là cả thanh xuân của chúng tôi"
Đây là câu nói mà các thành viên trong ê-kíp sản xuất Táo quân thường nói. Và quả thực, họ không nói điêu.
16 năm là một khoảng thời gian khá dài, nhất là với một chương trình truyền hình. NSND Công Lý từng so sánh, tuổi đời của Táo quân gần bằng tuổi hiện tại của con gái đầu lòng của anh.
Bắt đầu chỉ là một chương trình hài với mục đích mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả trong tối Giao thừa, Táo quân có bước phát triển ngoạn mục khi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được cho hàng triệu khán giả trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Xem Táo quân, khán giả không chỉ cười mà còn có dịp nhìn lại phần lớn các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa nổi cộm trong năm. Họ cùng nhau chia sẻ niềm vui trước những thành quả đất nước đạt được, cùng tức giận trước vấn đề còn bất cập trong xã hội, cùng xót thương cho những số phận chẳng may gặp gặp bất hạnh và được mỉa mai, giễu nhại và thể hiện sự phản kháng đối với những điều trớ trêu đang tồn tại.
Xem Táo quân, khán giả có khi cười không dứt nhưng cũng có lúc ngậm ngùi, có lúc thấy trong người sảng khoái những cũng có lúc trĩu nặng tâm tư.
Với nhiều người, thấy Táo quân là thấy Tết, thấy Táo quân là thấy sự đầm ấm, sum họp của gia đình, thấy Táo quân là thấy sự chộn rộn của niềm vui, của hy vọng, của một sự khởi đầu mới trong giờ phút thiêng liêng.
Tới thời điểm hiện tại, các chương trình hài nói chung và hài trên truyền hình nói riêng vẫn rất nở rộ, nhưng có lẽ, chỉ Táo quân mới tạo được dấu ấn cực kỳ riêng biệt, ăn sâu vào ký ức của rất nhiều người.
Chỉ Táo quân mới có thể quy tụ được một ê-kíp thuộc dạng cực khủng. Đó là Tổng đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người được coi là "ông vua truyền hình phía Bắc", người có công không nhỏ trong việc vực dạy lĩnh vực phim truyền hình phía Bắc sau một thời gian dài sống thoi thóp.
Đó là những nghệ sĩ được đánh giá là tài năng bậc nhất trong làng sân khấu kịch như: NSND Công Lý, NSND Tự Long, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quang Thắng, Vân Dung. Không ít người trong số đó đang giữ chức vụ quản lý tại các đơn vị nghệ thuật hàng đầu.
NSND Công Lý hiện đang là trưởng đoàn kịch I của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Chí Trung là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Tự Long là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSƯT Xuân Bắc hiện đang là Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam...
Với công việc của người quản lý, cộng thêm là diễn viên sáng giá, những con người trên rất bận rộn. Vậy nhưng, khi gần Tết đến, họ lại gần như gác lại tất cả mọi việc, miệt mài tập luyện cho Táo quân. Họ thức đêm, thức hôm tập trong suốt hơn một tháng trời. Có những người con ốm cũng phải để lại cho vợ chăm sóc để đi tập. Việc sắm sửa cho Tết đều phải phó mặc cho người thân.
Thậm chí như NSƯT Quốc Khánh khi mẹ ốm nặng vẫn phải đi tập Táo quân. Mẹ anh mất chỉ vài ngày trước khi chương trình được ghi hình.Vì cuộc sống chỉ có hai mẹ con nên trước sự ra đi của mẹ, NSƯT Quốc Khánh rất suy sụp. Thế nhưng, anh vẫn gạt nước mắt, tiếp tục tập luyện để hóa thân vào một Ngọc Hoàng ít nói nhưng thâm thúy và cũng không kém phần hài hước hóm hỉnh.
Bắt đầu nhạt, gây cười rẻ tiền
Khi nhìn lại chặng đường Táo quân đi qua, không ai có thể phủ nhận được những thành công của chương trình, nỗ lực đáng trân trọng của cả ê-kíp thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Táo quân cũng vướng phải không ít các chỉ trích, đặc biệt trong một số năm gần đây. Chất lượng chương trình ngày càng đi xuống, tiếng cười ngày càng trở nên gượng gạo, những châm biếm, mỉa mai không còn sâu cay như trước.
Thậm chí nhiều người cho rằng, Táo quân đang có những vùng cấm, rất nhiều tồn tại trong xã hội, bức xúc của người dân không được chương trình đề cập. Táo quân đánh mất đi điểm độc đáo nhất, khác biệt nhất và cũng được coi là linh hồn của mình. Táo quân ngày càng trở nên đuối sức so với mong muốn của khán giả.
Trước điều này, các thành viên của ê-kíp phải lên tiếng nói rằng, Táo quân là một chương trình hài, rất mong khán giả đừng đặt lên vai nó trọng trách phải tổng kết lại tất cả những sự kiện từ chính trị, xã hội tới văn hóa thể thao....của đất nước.
Như thế có nghĩa là trước kỳ vọng của khán giả, những người thực hiện tự cảm thấy sức mình không thể gánh nổi. Khán giả khoác lên Táo quân một tấm áo rất rộng nhưng những người thực hiện lại cảm thấy bị mắc kẹt. Họ không sao vươn mình lên để khoác vừa tấm áo đó. Ngược lại, họ lại phải loay giữa những điều mình có thể làm và kỳ vọng của khán giả.
|
"Táo quân" mất dần sự sáng tạo. |
Thêm vào đó, trong một vài năm gần đây, Táo quân còn rơi vào những tranh luận gay gắt. Đầu tiên, cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính và chuyển giới) có thư ngỏ gửi VTV vào năm 2018 vì cho rằng, họ bị chương trình "mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại".
Trong vụ việc này, rất nhiều khán giả đừng về phía những người LGBT. Trong Táo quân, nhân vật Bắc Đầu là nam giới nhưng lại thích trang điểm, mặc váy, tính cách đanh đá, chua ngoa. Nhân vật này thường bị các Táo đem ra làm trò đùa. Họ ném về Bắc Đẩu những ngôn từ khó nghe như "phụ nữ một nửa", "chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ", "nửa nạc nửa mỡ", "dở người", "Con điên"....
Táo quân 2019 còn bị mọi người gọi lệch là "Táo quẫn" vì đêm những rắc rối trong tình trạng sức khỏe, cuộc sống riêng của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ra làm trò cười, giễu nhại.
Nhà biên kịch Chu Thơm từng phải bức xúc chia sẻ trên báo VTC News rằng: Một trong những điều cấm ở văn học nghệ thuật là miệt thị danh nhân, người nổi tiếng, hoặc cả những cá nhân bình thường. Thế nhưng ê-kíp thực hiện chương trình Táo quân 2019 lại công khai, ngang nhiên xúc phạm, hạ nhục Đặng Lê Nguyên Vũ - doanh nhân đáng được coi là niềm tự hào của đất nước.
Hiện tại, ông Vũ đang gặp phải nhiều vấn đề. Đem vấn đề riêng của một cá nhân ra để giễu nhại, mua vui, hạ nhục là một sự độc ác.
Hơn nữa, trong trích đoạn được cho là nhằm vào ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhân vật Nam Tào còn sử dụng câu “mắt lồi, môi thâm, đã xấu đừng có thiền…”. Tôi nghĩ, trong xã hội văn minh, điều tối kỵ là đem vẻ ngoài của người khác ra chê bai. Anh có vẻ ngoài cao ráo, đẹp đẽ, đó là phúc phận của anh nhưng không có nghĩa là vì thế anh có quyền chê bai sự xấu xí của người khác. Đó là sự độc ác, thiếu văn minh.
|
"Táo quân 2019" gây bức xúc khi mang doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ra làm trò cười. |
Trong những năm gần đây, nhiều người còn nói vui, xem Táo quân bức xúc giống như kiểu đang ăn cơm vướng phải sạn. Lý do là ê-kíp sản xuất nhồi nhét quá nhiều những thông tin quảng cáo. Quảng cáo không chỉ xuất hiện dày đặc trong chương trình mà còn được nhồi vào các lời thoại của các nhân vật.
Truyền hình sống bằng quảng cáo. Khán giả dù có không thích cũng phải chấp nhận tuy nhiên, nhét quảng cáo một cách bất chấp như trong Táo quân là rất phản cảm, thiếu tôn trọng người xem.
Với rất nhiều thành công nhưng Táo quân ngày càng có dấu hiệu đi xuống, ngày càng mất đi sức hút ban đầu của nó. Điều này chính những người trong ê-kíp sản xuất cũng cảm nhận rõ.
Thế nên, khi họ tuyên bố ngừng sản xuất, diễn viên, khán giả đều cảm thấy tiếc nuối nhưng ai cũng có cảm giác đó là một quyết định đúng đắn. Đã đến lúc, Táo quân nên dừng lại để mở ra một chương trình mới. Có thể năm đầu sẽ chưa hay bằng Táo quân nhưng ít ra nó cũng đem lại cho khán giả sự tươi mới, nguồn năng lượng mới trước thềm năm mới.
Táo quân khép lại bây giờ chính là để giữ lại những ký ức đẹp đẽ trong lòng khán giả.