Có một điều khá thú vị ở lượt đấu tối 3/12 tại bảng B môn bóng đá nam, vòng loại SEA Games 2019 là cả ông Park và ông Nishino đều muốn dưỡng quân để quyết chiến nhau ở trận đấu cuối vòng bảng.
Nếu như U22 Việt Nam thay đến sáu vị trí chính thức so với trận đấu trước đó thì U22 Thái Lan có đến ba bốn vị trí. Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Cầu thủ hai đội đá mà chân như đeo chì, trong khi các cầu thủ U22 Singapore và U22 Lào (được đánh giá yếu hơn) lại chơi một trận sống mái như trận chung kết, buộc U22 Việt Nam mãi đến phút 85 và U22 Thái Lan đến phút 90 mới thở phào.
Nói như thế để cho thấy, lịch thi đấu hai ngày một trận tại SEA Games quá bất hợp lý. Nếu như cố gồng lên mà đá, những trận cầu quan trọng như trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ U22 Việt Nam và U22 Thái Lan sắp tới, cầu thủ dễ bị hụt hơi.
Và với tình thế hiện tại, người Thái chỉ có con đường phải chiến thắng, bằng không gần như bị loại (chỉ trừ trường hợp U22 Thái Lan hoà U22 Việt Nam và U22 Indonesia thua U22 Lào cách biệt hai bàn trở lên, chứ thua cách biệt một bàn phải so kè thêm số bàn thắng), còn U22 Việt Nam, nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn nhưng không được khinh suất: không được phép thua chênh lệch tỷ số hơn một bàn. Tuy nhiên, nhìn vào thực lực hai đội hiện giờ, U22 Thái Lan khó có thể làm nên chuyện trước U22 Việt Nam
Thứ nhất, các cầu thủ Việt Nam từ đầu giải đến nay, nhất là qua hai trận đấu khó nhằn trước Indonesia và Singapore, đã trui rèn bản lĩnh trận mạc. Trước đối thủ chăm chăm chơi phòng ngự phản công như Indonesia hoặc chơi áp sát, quyết liệt và chơi bóng bổng giỏi như Singapore, các cầu thủ Việt Nam biết cách vượt qua dù phải chiến đấu đến tận những phút cuối cùng.
Ghi bàn bằng những pha phối hợp cũng có, đá phạt cũng có, thậm chí khi khó khăn, những cú đánh đầu hoặc sút xa cũng có thể thành bàn. Nói chung là có thể ghi bàn từ mọi tình huống với nhiều cầu thủ khác nhau. Đặc biệt, qua hai trận đấu nói trên, ông Park có cơ hội thực nghiệm hiệu quả sơ đồ 4-4-2 (hoặc 3-5-2) với hai tiền đạo Tiến Linh và Đức Chinh.
Hãy nhìn vào sự thay đổi rất lớn trong lối chơi của U22 Việt Nam khi ông Park cho Đức Chinh vào đá cặp với Tiến Linh ở hiệp hai trận gặp U22 Indonesia hoặc Tiến Linh vào đá cặp với Đức Chinh ở hiệp hai trận gặp Singapore.
Đức Chinh quấy rối và nếu có cơ hội tự mình ghi bàn, còn Tiến Linh đúng nghĩa là trung phong số một, càn lướt, tì đè và rất tinh tế, chơi bóng tốt cả bằng đầu và bằng chân. Khi đó, U22 Việt Nam chơi với sơ đồ 2 tiền đạo có nhiều phương án tiếp cận khung thành đối phương hơn.
Ngoài ra, hai cầu thủ này còn phối hợp, bổ sung cho nhau khá tốt, kiến tạo cho nhau nhiều pha bóng ăn bàn. Đây là cặp tiền đạo lợi hại và là vũ khí phá lối chơi thiên về cầm bóng phối hợp nhỏ như U22 Thái Lan
Thứ hai, sau trận đấu với tuyển Singapore, nhiều người lo ngại cho chấn thương của Quang Hải. Nếu Quang Hải không có mặt trong trận gặp U22 Thái Lan, U22 Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, tuyển U22 Việt Nam còn có một Triệu Việt Hưng đá tiền vệ trung tâm tuy âm thầm nhưng chơi rất hiệu quả. Hưng hoạt động như một cái máy quét, từ thu hồi bóng đến tổ chức tấn công.
Anh hợp với Hùng Dũng như cặp tiền vệ trung tâm đội tuyển quốc gia Hùng Dũng - Tuấn Anh. Chính Hưng là người đá quả phạt góc dẫn đến bàn thắng của Đức Chinh trong trận gặp Singapore. Do vậy, nếu thiếu Quang Hải là đáng tiếc nhưng U22 Việt Nam cũng chẳng sao. Chưa kể có sự phục vụ trở lại của hậu vệ lệch phải Huỳnh Tấn Sinh. Sinh chơi điềm tĩnh, khôn ngoan, chỉ do chấn thương nhẹ mà vắng mặt trong trận Singapore. Ngoài ra, cũng nên kể đến một Văn Toản chơi khá chắc chắn trong khung thành khi thay thế Bùi Tiến Dũng
Thứ ba, là vấn đề thể lực. U22 Việt Nam và U22 Thái Lan đều có một ngày nghỉ như nhau, nhưng trận gặp U22 Lào, thời tiết mưa lớn cộng với lối chơi ăn miếng trả miếng của các cầu thủ U22 Lào đã bào mòn nhiều thể lực cầu thủ Thái Lan hơn các cầu thủ Việt Nam. Do vậy, khi kỹ thuật hai đội ngang nhau, thể lực không hơn thì U22 Thái Lan khó có cửa thắng cách biệt U22 Việt Nam hai bàn ngoại trừ may mắn.
Quý Nguyễn