Tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt Nam

Ngày đăng: 08:13 06/12/2019 Lượt xem: 555

                          Tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt Nam

 

                                                     Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng

Trước năm 1975, vấn đề tù binh Mỹ là trận tuyến không tiếng súng, mà một bên là các lực lượng vì hòa bình, thống nhất hai miền Việt Nam cùng phong trào hòa bình Mỹ đứng cùng chiến hào, chống lại thế lực phản động trong chính quyền Mỹ, ngụy.

 

Các nguồn tin thế giới phản ánh việc Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh công pháp quốc tế về tù binh, trong khi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và bộ đội vẫn vô cùng kham khổ.

Sách Vượt qua chiến tuyến-các chiến sĩ hòa bình Mỹ sang Việt Nam trong chiến tranh của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Syracuse (Syracuse University Press) phát hành năm 1998 do sử gia, giảng viên Đại học Capital (Capital University) bang Ohio, bà Mary Hershberger đề cập đời sống các tù binh phi công Mỹ và chính sách của Việt Nam đối với tù binh đối phương.

Vào đầu năm 1968, tù binh Mỹ gồm nhiều thành phần, từ những phần tử hiếu chiến đến những người công khai chống cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra. Hai thành phần này đều là thiểu số. Đa số trong cộng đồng tù binh Mỹ rập rình giữa hai cực này. Đó là những người chẳng chủ trương chiến tranh mà cũng chẳng chống đối, chỉ tìm cách mò mẫm lội vũng lầy. Họ thường là các sĩ quan nhà nghề đã có thâm niên, được hưởng phụ cấp đáng kể và được duy trì bảo hiểm khi chuyển ngành…

Phi công Norris Charles được tái ngộ với vợ Olga Charles trong buổi phóng thích tại Hà Nội năm 1972.

Khi tới đón các tù binh được Hà Nội trao trả gồm James Low, Fred Thompson và Joe Carpenter (được phóng thích mùa hè năm 1968) từ một trại giam gần Hà Nội, Stuart Meacham thuộc tổ chức Quaker đã nói với báo The New York Times: “… Xét cho cùng, chúng tôi đại diện cho một phong trào đấu tranh triệt để chống lại những gì các phi công Mỹ đã làm”. Nhưng cả người đi đón và những người được trao trả đều nhanh chóng hiểu ra rằng, họ cùng chia sẻ trách nhiệm làm sao các quân nhân Mỹ bị bắt khác chóng được thả. Các tù binh được phóng thích xuất hiện trước các phóng viên nước ngoài ở Hà Nội khá tươi tỉnh, khỏe mạnh. Họ kể về chuyến đi vất vả trên chiếc xe trâu về Hà Nội sau khi máy bay bị bắn rơi, về cuộc sống trong trại giam, về nguyện vọng hòa bình sớm lập lại ở Việt Nam. “Biết bao sinh mạng của cả hai phía đã bị mất mát, vì thế cuộc chiến tranh này cần được chấm dứt ngay”, The New York Times dẫn lời của phi công Fred Thompson…

Những đơm đặt về phi công tù binh Mỹ tại Hà Nội thường bị hành hạ được lấy cốt truyện từ những huyền thoại có sẵn trong kho tàng văn học dân gian Mỹ. Đó là những chuyện hoang đường về các bộ lạc da đỏ tàn sát những thực dân da trắng lành như đất đem nhào trộn với các “pha nóng” từ Nam Việt Nam trước đó, như cảnh tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắn chết tù binh ngay trên đường phố Sài Gòn, cảnh lính Mỹ rượt bắt những dân lành Việt Nam hồn xiêu phách lạc, hãm hiếp, đốt nhà của họ. Các phi công Mỹ ném bom hủy diệt xuống những thị trấn và làng mạc Việt Nam được mô tả là sẽ bị hành hạ một khi bị bắt.

Khoảng cách vật lý giữa các phi công Mỹ và các mục tiêu dân sự bị ném bom tạo cho những kẻ sát nhân cảm giác xóa được vết nhơ trên bàn tay tội ác. Khi một trong những thành viên của đoàn hòa bình là Grace Paley sửa soạn sang Hà Nội tháng 7-1969, vợ một phi công Mỹ mất tích đã hai năm gọi điện nhờ bà dò tin chồng. Trở lại Hoa Kỳ sau chuyến đi về những vùng nông thôn Việt Nam bị tàn phá, Paley gọi điện cho người vợ viên phi công để thông báo rằng, không một ai trong số những tù binh Mỹ hay người Việt Nam mà bà được gặp biết về chồng chị. Người vợ phẫn uất, chất vấn Paley vì sao người Việt cứ cố tình giam giữ các phi công Mỹ? Câu trả lời được Paley viết trên Tạp chí WIN số 15-9-1969 như sau: “Tôi giải thích cho chị ta rằng, các phi công này bị xem là những tội phạm chiến tranh, vì đã vượt hàng vạn cây số trong một cuộc chiến không tuyên bố đánh một đất nước nhỏ bé, cơ sở vật chất thô sơ. Chị vợ viên phi công mất tích đáp: “Nhưng họ là phi hành gia, là sĩ quan Hoa Kỳ”. Tôi liền kể cho chị ta về Nhơn Trạch, Đồng Hới, Vĩnh Linh, về các địa đạo dưới lòng đất, về những nạn nhân bỏng napalm hay xương tan thịt nát vì bom bi, về những hố bom kéo dài nhiều dặm, những ngọn đồi thấm đỏ máu. Chị vợ viên phi công kêu lên: “Trời ơi, làng quê ư? Dân lành ư? Không, chồng tôi không được làm thế!”…

Mẹ của phi công Markham Gartley được sang Hà Nội đón con mình từ nhà giam Hỏa Lò năm 1972, trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH.

Đa số tù binh không bao giờ đưa cuộc chiến tranh do Washington phát động vào trại tù ở Hà Nội, mà nhanh chóng nhập vào cuộc sống ảm đạm của tù binh chiến tranh. Nỗi sợ lớn nhất, theo hồi ức của một số phi công, chỉ là lúc đầu khi bị bắn rơi ngay vào chính những làng mạc mà họ vừa đánh phá. Rơi xuống đất, lọt vào tay những người dân sôi sục căm thù, họ đã lo sẽ mất mạng ngay. Nhưng chính quyền thôn, xã cứu thoát họ, rồi đưa lên xe trâu cho về “Hilton Hà Nội”. Nơi đây họ thường sống hai, ba người trong một buồng giam. Với đa số họ, đời sống trong tù thường nặng nề nhất là những năm đầu tiên, tràn ngập những cô đơn, đau ốm, nỗi nhớ nhà, buồn chán, có lúc trầm cảm.

Nhưng họ cũng cố ghép mình vào những khuôn khổ của hoàn cảnh mới. Đó là những buổi tập thể dục hằng sáng, các trận bóng chuyền, bóng rổ rất hữu ích. Thời gian trôi đi, nếu gây được lòng tin ở mức độ nào đó với cán bộ quản lý trại, tù binh sẽ được hội nhập vào những nhóm đông hơn, được làm việc quanh trại, được dự lễ cầu kinh. Họ cùng lập ra một câu lạc bộ thợ làm bánh quốc tế, xây lò bánh mì, làm ao cá trong trại. Họ chăm sóc vườn hoa của trại. Bữa ăn của tù binh khá tươm tất, tuy đơn điệu: Bữa nào cũng cơm, một cốc sữa, hoa quả; thỉnh thoảng mới có bánh mì với các món phương Tây.

Tủ sách của trại có đủ Shakespeare, Dickens, A. Schlesinger, T. Hoopes, M. Solokhov và nhiều tác gia khác. Họ có thể đọc sách kinh điển phương Tây, nhưng thư viện của trại còn gồm nhiều sách đem lại những tri thức đầu tiên về Việt Nam học. Những sách loại này ở trại thường là của các tác giả Hoa Kỳ, như cuốn The United States in Vietnam của George Kahin, hay các sách của sử gia và nhà phê phán chiến tranh Việt Nam Howard Zinn, Sổ tay Việt Nam của tổ chức Quaker. Sau này, cả Tài liệu mật Lầu Năm Góc cũng thấy xuất hiện trên giá sách. Một số tù binh thổ lộ với các khách Mỹ tới thăm họ và các phóng viên rằng, nhờ các cuốn sách này mà lần đầu tiên, họ hiểu về Việt Nam như một đất nước trọn vẹn. Một phi công cho biết: “Thật là ấn tượng khi anh bay, nhất là khi anh bị súng phòng không Việt Nam nhằm bắn vào. Một cảm giác đầy quyền năng khi điều khiển một chiếc phản lực… Anh không nghĩ về đối thủ, anh chỉ nghĩ về mục tiêu, cũng như nghĩ về gia đình mình, về tiền trả giờ bay, tiền thưởng. Chỉ đến khi bị bắn rơi, anh mới vỡ lẽ: “Trời ơi, thì ra tôi đã gieo tai họa!”.

Do bị ám ảnh bởi tiếng đồn rằng các tù binh Mỹ từng bị tẩy não ở Triều Tiên và quyết không để cho mình bị như vậy, các “tù cứng” (hard-core, diện kiêu binh, thường là “con ông cháu cha” trong không lực Hoa Kỳ) đã “tranh đấu trong tù”, thậm chí cố tình khiêu khích để bị phạt. Chẳng hạn, không chịu dậy khi đã có kẻng báo thức, không chịu gấp chăn màn, không chịu chào các quản giáo, hoặc chào kiểu trêu ngươi, không chịu sử dụng nhà vệ sinh theo đúng quy định, vứt thức ăn xuống toilet để làm tắc cống tiêu, đập cửa hay gõ thùng xô để làm ầm, tìm dịp để vi phạm quy tắc, làm hư hỏng đồ dùng của trại… Jeremiah Denton, một trong những tù binh thuộc diện “anh chị bự”, nói với một phóng viên vào năm 1973 rằng: “Chúng tôi buộc quản giáo phải nổi hung với chúng tôi”. Và bất kỳ hình thức nào được áp dụng để trừng phạt những kẻ phá quấy được họ xem là “hành hạ”. Đơn cử trường hợp Rodney Knutson, một trong những tù binh Mỹ tự cho là mình “bị hành hạ”. Năm 1965, Knutson đã bắn giết người dân thường không có vũ khí để tìm đường tẩu thoát, để rồi miêu tả hình phạt dành cho mình là “hành hạ”. Chứng kiến những trò chọc giận cán bộ quản giáo của các phi công Mỹ diện “con ông cháu cha”, nhiều tù binh tỏ ra khó chịu. Họ xem những âm mưu trốn chạy do các “anh chị” đầu têu là vô ích và nguy hiểm. Nhưng rồi đa số trong họ đã dịu đi, vì thời gian đã góp nhặt đủ bằng cớ cho thấy, cuộc chiến này của Mỹ đâu xứng để phải liều mạng tỏ mặt yêng hùng. Từ năm 1971, đã có tới nửa số sĩ quan ra mặt chán ghét chiến tranh… 

Trao đổi thư từ dĩ nhiên là một nhu cầu cấp thiết giữa các tù binh với gia đình họ. Nhưng Lầu Năm Góc lập tức dùng kênh thư tín cá nhân này để gửi các vật dụng do thám cho các phi công. Các máy ghi lén được nhét vào trong ruột bánh xà phòng thơm Ivory; tuýp thuốc đánh răng Colgate được nhồi các linh kiện máy phát và máy thu; bánh mứt thì chứa các chỉ thị mật. Mặt trong giấy bọc kẹo cao su có in chỉ thị thu thập tin về trại giam. Các cán bộ quản giáo nhanh chóng lật tẩy trò này và đưa các tang vật ra trưng bày ở Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) ở Hà Nội. Lầu Năm Góc chối phắt sự dính líu vào những mưu đồ gián điệp này…             


  LÊ ĐỖ HUY
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan