Vợ ông Phạm Nhật Vũ khai gia đình phải gánh nợ 1.000 tỷ đồng

Ngày đăng: 06:30 18/12/2019 Lượt xem: 377


  Vợ ông Phạm Nhật Vũ khai gia đình phải gánh nợ 1.000 tỷ đồng


                                                Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Vợ ông Phạm Nhật Vũ cho rằng ông là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã khắc phục số tiền lớn như vậy - gần 8.800 tỷ đồng.

 

"Chồng tôi đã đứng lại chịu trách nhiệm, không trốn chạy, không trốn tránh dù có cơ hội ở lại nước ngoài", diễn đạt tiếng Việt thành thạo, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói chiều nay tại TAND Hà Nội.

Bà cho hay ông Vũ từng tâm sự với vợ phải chủ động khắc phục để nhà nước không bị thiệt hại, để chứng minh ông không lấy tiền của nhà nước. Bà chia sẻ, ủng hộ quan điểm này của chồng.

"Gần một năm qua, gia đình phải gom góp tiền để trả khoản này cùng các khoản khác. Hiện chúng tôi mang nợ gần 1.000 tỷ đồng", bà nói và mong toà cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng khoan hồng đặc biệt.

 
 
 
 
Video Player is loading.
 
 
Hiện tại 
 
1:37
/
 
Thời lượng 
 
2:37
 
Đã tải: 0%
 
 
Tiến trình: 0%
 
 

Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna.

Trong chiều nay, người thân của ba bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) đều xác nhận được các ông đề nghị nộp giúp số tiền đã nhận hối lộ để khắc phục hậu quả. Cả ba đều đã nộp tiền nhận hối lộ.

Vợ ông Tuấn nói số tiền 200.000 USD (hơn 4,4 tỷ đồng) không thấy mang về nhà nhưng bà đã thu xếp hoàn lại để mong ông được giảm nhẹ hình phạt.

VKSND Tối cao ghi nhận ông Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD, ông Trương Minh Tuấn nộp 4,1 tỷ đồng, ông Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỷ đồng. Riêng ông Nguyễn Bắc Son "có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền". Hiện ông mới nộp gần 600 triệu đồng trong tổng số 3 triệu USD nhận hối lộ.

Các tài khoản, sổ tiết kiệm có tổng giá trị gần 5 tỷ đồng của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà bị phong tỏa. Các ông đều chấp nhận dùng tài sản này để khắc phục hậu quả hành vi phạm tội của mình.

Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna tại toà. Ảnh: TTXVN

Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna tại toà. Ảnh: TTXVN

Hiện, 14 bị cáo trong vụ án đã nộp tổng cộng gần 8.900 tỷ đồng nhưng chiếm phần lớn (gần 8.800 tỷ đồng) là tiền do ông Vũ nộp trả MobiFone khi hai bên hủy hợp đồng mua bán. Còn lại là tiền do ông Son, Tuấn, Trà, Hải nộp lại khoản nhận hối lộ.

Trả lời VnExpress tại kỳ họp Quốc hội tháng 11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình xác nhận tiền thu hồi trong vụ án này là số tiền thu nhiều nhất từ trước tới nay trong các đại án tham nhũng.

Ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận vai trò chủ mưu

Chiều 17/12, lúc ngồi ở băng ghế bị cáo, lúc chuyển sang ngồi ghế tựa riêng, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son một mực không nhận "vai trò cầm đầu hay chủ mưu" trong vụ án vi phạm đầu tư công ở MobiFone.

Ông Son trình bày, dự án đầu tư vào lĩnh vực truyền hình xuất phát từ nhu cầu, chức năng nhiệm vụ của MobiFone nên doanh nghiệp viễn thông này chủ động đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông. Mọi văn bản, kiến nghị, giải quyết của Bộ cũng đều dựa trên đề xuất này. Sau này, MobiFone có nhiều văn bản kiến nghị đề xuất song "không phải do Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo".

Nguyễn Bắc Son khai chiều 17/12 về vai trò cầm đầu
 
 
 

Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khai trong quá trình chỉ đạo dự án, ông không "quyết liệt yêu cầu hoàn thành trong năm 2015" như cáo buộc của VKS. "Tôi không ra văn bản có hiệu lực nào với bút phê như vậy", bị cáo Son khẳng định. Dù vậy, ông thừa nhận có chỉ đạo MobiFone làm theo tinh thần của Thủ tướng, yêu cầu thực hiện trong năm 2015 theo đề xuất của MobiFone song văn bản này chưa có hiệu lực, đã bị huỷ bỏ.

Cựu bộ trưởng Son cho hay việc nhận là chủ mưu, cầm đầu không phải là lời khai của ông mà "điều tra viên viết vào", sau đó ông ký xác nhận. "Tôi chỉ nhận là người đứng ở vị trí cao nhất, nhận trách nhiệm người đứng đầu", ông khai.

"Tôi không phải người cầm đầu. Không có ai là cầm đầu, là chủ mưu ở đây". Theo ông, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định việc lấy cung có ghi âm, ghi hình nên giờ chỉ cần "đề nghị cho xem lại sẽ rõ lời khai" lúc ấy như thế nào.

Ông Son giữ lời khai "có nhận hối lộ" khi trả lời luật sư Hùng song từ chối trả lời một luật sư khác về miêu tả hiện trường nhận 3 triệu USD (hơn 66,5 tỷ đồng) này.

Hỏi cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, luật sư Hùng nêu vấn đề: "Khi xác nhận lời khai của bị cáo Son là đúng về số tiền anh đưa, anh đã đọc một hay nhiều bản cung của bị cáo Son?".

Đầu cúi thấp, ông Vũ nói chậm: "Tôi được xem tài liệu nhưng không nhớ tài liệu gì. Tôi nói không nhớ chính xác số tiền, có cách nào gợi ý không thì mọi người có cho xem và tôi xác nhận". Trả lời xong câu hỏi của luật sư khoảng 5 phút, bị cáo Vũ với dáng vẻ mệt mỏi, gập hẳn người được cảnh sát tư pháp đưa ra khỏi phòng xử. HĐXX cho biết do tình trạng sức khoẻ nên sẽ bố trí thời gian phù hợp để bị cáo Vũ có mặt tại tòa.

Theo cáo buộc, khi Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Son đã chỉ đạo, giao ông Tuấn ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 để phê duyệt dự án. Từ đây, AVG bán cho MobiFone 95% cổ phần với giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền gần 6.500 tỷ đồng.

Sau dự án, ông Vũ đã hối lộ ông Son 3 triệu USD (hơn 66 tỷ đồng), ông Trà  2,5 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng), ông Hải 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) và ông Tuấn 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).

( C. H sưu tầm )

 
 


 

tin tức liên quan