Trong nhiều vụ án, kể cả án oan sai, khi các bị cáo phản cung ngay tại tòa, những lời kêu oan đó hầu như không tác động đến Hội đồng xét xử (HĐXX). Lý do chính là tại các bút lục, lời khai đều rõ và phù hợp với diễn biến vụ án. Chỉ đến khi vụ án oan sai được lật lại, do nhiều nguyên nhân, mới thấy có người đã bị oan do bị nhục hình nên nhận bừa tội.
Trong phiên tòa xét xử vụ Mobifone mua AVG hôm qua, việc ông Nguyễn Bắc Son phản cung càng khiến dư luận thêm phẫn nộ, bởi chẳng ai tin. Đặc biệt, việc thẩm phán công bố bức thư ông Son gửi về cho vợ, thừa nhận rất rõ việc đã nhận đút lót 3 triệu USD, khiến ông Son chỉ biết cúi đầu.
Thứ nhất, nếu không phản cung, chắc chắn một điều, với lời khai đã đưa 3 triệu USD cho con gái của mình, không sớm thì muộn, con gái của ông Son cũng dễ vướng vào vòng lao lý. Bởi, dù con gái của ông Son tìm cách né không đến tòa theo giấy triệu tập, thì cơ quan chức năng có thể cưỡng chế đến tòa để lấy lời khai, đối chất với ông Son. Lúc đó nhiều mâu thuẫn trong các lời khai sẽ bật ra. Hoặc để làm rõ số tiền 3 triệu USD đi đâu, cơ quan điều tra sẽ mở rộng vụ án và khi đó, với các biện pháp nghiệp vụ, con gái ông Son khó lòng chối cãi (nếu có nhận).Câu hỏi đặt ra, là người thông minh, biết HĐXX khó chấp nhận chuyện phản cung này, nhưng vì sao ông Son vẫn phản cung?
Mặt khác, con gái ông Son không thừa nhận đã nhận số tiền đó như lời khai từ bố mình, khiến cả hai bố con đều vào thế cực khó trước cả pháp luật lẫn dư luận. Do vậy, phải chăng ông Son phản cung, thay đổi lời khai, trước tiên là muốn cứu con gái khỏi vòng tố tụng, dù rằng, có thể thêm tình tiết tăng nặng vì... ngoan cố?
Trước phiên tòa, dư luận đã xôn xao vì chuyện bố con ông Son lôi nhau vào cuộc, “lật mặt” nhau vì 3 triệu USD. Đến nay, khi ông Son phản cung, quanh co thay đổi lời khai, cho dù là để cứu con gái thật, thì dư luận cũng chẳng mảy may động lòng, mà chỉ thấy càng nực cười và thêm bức xúc, phẫn nộ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa xử đại án Mobifone mua AVG. Ảnh: TTXVN.
Thứ hai, trong vụ án mua bán AVG này, chưa thấy một bị cáo nào tố cáo bị nhục hình. Chỉ duy nhất bị cáo Son phản cung, với lý do bị mớm cung trong lúc tinh thần hoảng loạn. Ông Son khai rằng, lúc đầu khai nhận hối lộ tiền Việt, sau nghe điều tra viên nên khai nhận USD; hoặc lúc đầu số tiền không phải là 3 triệu USD, mà do điều tra viên gợi ý nên nhận số đó... Điều đó có thể xảy ra, tuy nhiên, diễn biến có thể là, với những bằng chứng của các ĐTV đưa ra, ông Son không thể chối cãi nên phải thừa nhận đã nhận hối lộ của bị cáo Phạm Nhật Vũ và một số thuộc cấp.
Cuối cùng, công luận cho rằng ông Son là “tổng đạo diễn” vụ mua bán AVG. Với những gì được thông tin, ông Son đúng là “tổng đạo diễn”, nhưng chỉ bó gọn trong Bộ do ông ta quản lý thì đúng hơn.
Mặt khác, bị cáo Son chỉ đạo thực hiện phi vụ này trên cả mức quyết liệt: Chính phủ chưa chấp thuận vẫn yêu cầu cấp dưới triển khai nhanh; Chỉ đạo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn - người không phụ trách mảng - đốc thúc, theo dõi và trực tiếp ký một loạt văn bản liên quan vụ việc mua AVG; Khi biết Tổng giám đốc Mobifone Cao Duy Hải không muốn ký bản hợp đồng mua bán này, ngay tại bàn tiệc ông Son chỉ đạo Chủ tịch HĐQT Mobifone Lê Nam Trà ký ...Nhưng những hành vi này cũng cho thấy, ông Son cũng chỉ quyết liệt được ở trong bộ do mình quản lý.Diễn biến vụ án cho thấy, trong quá trình giao dịch thương vụ AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị ông Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa Mobifone với AVG. Ngay cả thông tin doanh nghiệp nước ngoài đặt cọc số tiền lớn để mua AVG với giá cực cao là do chính bị cáo Vũ đưa ra, nhưng các cơ quan chức năng, trong đó có bị cáo Son “tin” là thật!?
Vụ án cho thấy, tất cả các lời khai của các bị cáo đều cho thấy hành vi đưa và nhận hối lộ đều diễn ra sau khi hợp đồng đã được ký kết và Vũ đã nhận tiền của Mobifone. Điều đó cho thấy, hoặc là hai bên đều rất “hiểu” và tin nhau, hoặc có một sức ép cực lớn đến ông Son. Mặt khác, dù chưa biết được “lại quả” bao nhiêu, cũng không có “đồng tiền đi trước...”, ông Son liệu có làm “tổng đạo diễn” vụ mua bán AVG?
Và dù thương vụ còn nhiều mờ ám như vậy, vì sao một số bộ, ngành liên quan vẫn đồng ý với đề nghị của Bộ TTTT vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ mà dư luận muốn có lời giải đáp.
( C. H sưu tầm)