Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với VnExpress về ý nghĩa lễ cúng tất niên.
|
Nhà văn hóa Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ về lễ cúng tất niên. Ảnh: Võ Thạnh
|
- Kết thúc một năm âm lịch, các gia đình Việt Nam thường tổ chức cúng tất niên. Lễ cúng này xuất phát từ đâu, thưa ông?
- Lễ cúng tất niên gắn liền với Tết Nguyên đán. Rất khó xác định niên đại bắt đầu của Tết Nguyên đán, có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thời cổ đại, người Việt Nam áp dụng theo lối âm lịch (lịch trăng) và bắt đầu xuất hiện phong tục Tết Nguyên đán.
Đối với người phương Đông, nhất là Việt Nam, Trung Hoa, kể cả một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa người Trung Hoa cổ đại như Nhật Bản, Triều Tiên, người ta xem ngày chuyển giao năm cũ và năm mới rất quan trọng. Cuối năm âm lịch, người dân thường tổ chức cúng tất niên để đánh dấu một năm đã qua và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới.
- Ngoài việc đánh dấu kết thúc năm cũ, lễ cúng tất niên của người Việt Nam còn mang ý nghĩa gì?
- Tất niên là dịp người dân soát xét tất cả hoạt động gọi là công nợ trong năm, nợ nần ai thì bằng mọi cách trả cho xong trước ngày 30 Tết. Người ta tránh không để nợ nần kéo dài sang năm mới.
Lễ cúng tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cảm tạ trời đất.
Để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên, người dân dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho tươm tất, đặc biệt là chăm chút lau dọn bàn thờ gia tiên để rước ông bà vào dịp Tết.
|
Mâm cổ cúng tất niên của một gia đình xứ Huế. Ảnh: Võ Thạnh
|
- Mâm cỗ cúng tất niên truyền thống của người Huế gồm những gì?
- Người Huế cũng giống như người dân những vùng đất khác, thường sau ngày 25 tháng chạp bắt đầu làm lễ cúng tất niên. Những người kinh doanh thường làm sớm, còn gia đình gần ngày 30 Tết mới cúng.
Là kinh đô triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Huế hiện vẫn giữ được nghi lễ cúng tất niên và cách sắp đặt trong lễ cúng. Mâm cỗ cúng rất đa dạng, các món ăn đều do gia chủ chuẩn bị và nhất thiết phải có bánh tét, dưa món, mứt gừng, những vật phẩm đặc trưng cho phong vị Tết.
Người Huế bố trí bàn cúng tất niên cầu kỳ, đủ ba bàn thượng, trung, hạ. Trên bàn thượng, người Huế thường để bình hoa, mâm ngũ quả, xôi, chè, con gà trống. Mâm ngũ quả phải có nải chuối bởi chuối tượng trưng cho sự sung túc.
Bàn trung có các món xào, bánh tét, bánh chưng, món mứt... Bàn hạ ngoài áo binh, hột nổ, người ta cúng thêm khoai, sắn, đậu, những phẩm vật dành cho cô hồn vất vưởng không có gia đình thờ tự.
|
Mâm cúng tất niên thường phải có gà đặt ở bàn thượng. Ảnh: Võ Thạnh
|
- Với cuộc sống ngày nay, ông có lời khuyên gì cho người dân khi cúng tất niên?
- Lễ cúng tất niên là phong tục đẹp có từ xa xưa mà người dân ngày nay vẫn giữ được. Trong lễ cúng, người dân thường thêm vàng mã, áo binh, giấy tiền. Tôi cho rằng với cuộc sống hiện nay, khi cúng tất niên ta nên hạn chế đốt vàng mã. Nếu được, người dân có thể cúng vàng mã theo kiểu tượng trưng với xấp giấy vàng mã, giấy tiền khoảng 10 tờ, đốt vàng mã nhiều quá không tốt, hoang phí.
Võ Thạnh