"Đại dịch Virus Corona Vũ Hán, nhớ Bác sĩ Carlo Urbani

Ngày đăng: 09:55 26/01/2020 Lượt xem: 2.048

------------------------------------------------------------------------

ĐẠI DỊCH VIRUS CORONA VŨ HÁN, 
NHỚ BÁC SĨ CARLO URBANI

         Tôi được gặp bác sĩ Carlo Urbani vài lần cả khi anh về Nam Định trong dự án phòng chống giun sán (Khi ấy tôi là Trưởng khoa Ký sinh trùng của Trung tâm phòng chống sốt rét và bướu cổ Nam Định) và những lần đi công tác tại Viện phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương mà anh ở đó với tư cách là chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Không có cái cảm giác xa lạ thường thấy với người nước ngoài bởi anh rất thân tình. Một vài kỷ niệm với anh, tôi đã viết trong bài Phong cách Carlo Urbani được đăng trang trọng trên trang 1 của báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) ngày 10/5/2003 sau ngày anh mất vì nhiễm virus SARS và được Bộ Y tế chọn in lại năm 2016 trong cuốn Ký ức 60 năm Y học Dự phòng Việt Nam.
         Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, cả thế giới rúng động khi virus corona có điểm khởi đầu từ thành phố Vũ Hán gây dịch viêm phổi, tính đến ngày 1 Tết đã có 54 người thiệt mạng và 1.610 người bị nhiễm bệnh trên khắp Trung Quốc. Không chỉ ở Trung Quốc, dịch viêm phổi do virus corona mới có dấu hiệu lây lan nhanh, hiện virus này đã được phát hiện tại Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nepal, Malaysia, Pháp, Mỹ và Australia.
         Mạng China Global Television Network ngày 25.1 (1 Tết) đưa tin bác sĩ Liang Wudong của bệnh viện Tân Hoa, Hồ Bắc người luôn túc trực ở tuyến đầu tại ổ dịch Vũ Hán đã tử vong ở tuổi 62 vì virus corona.
         Vậy là 17 năm sau ngày Carlo Urbani mất, lại có những bác sĩ tử vong khi chăm sóc người bệnh. Tôi càng nhớ đến Carlo, người bác sĩ của Tổ chức thầy thuốc không biên giới, chuyên gia tư vấn cho WHO về kiểm soát bệnh do ký sinh trùng. Ngày 28/2/2003, bác sĩ Carlo Urbani được mời tới Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội và phát hiện bệnh nhân Johny Chen, doanh nhân người Mỹ không phải bị bệnh cúm nặng như các bác sĩ chẩn đoán mà có thể là một căn bệnh mới rất dễ lây nhiễm. Những ngày sau đó dù không phải nhiệm vụ nhưng là bác sĩ hàng ngày anh vẫn đến theo dõi bệnh nhân và khi khẳng định với chẩn đoán của mình, lập tức anh thông báo tới WHO và Bộ Y tế Việt Nam để cách ly, theo dõi khách du lịch ... do đó làm chậm sự lây lan của căn bệnh này. Có thể nói, các quy trình phòng dịch hữu hiệu nhất từ việc phòng chống bệnh dịch SARS đã được triển khai để chống dịch viêm phổi do virus corona mới này.
         Vào ngày 11/3/2003, Carlo Urbani bị sốt khi bay từ Hà Nội đi Bangkok để đến dự một cuộc hội nghị về bệnh do ký sinh trùng ở trẻ em mà anh sẽ là chủ tọa. Khi tới sân bay, anh tới bệnh viện và được cách ly để điều trị. Sau 18 ngày được điều trị đặc biệt, Carlo Urbani qua đời vào lúc 11:45 ngày 29/3/2003. Sau khi anh mất 2 tuần, một loại virus chủng corona (sau được đặt tên là virus SARS) đã được nhận diện là nguyên nhân gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe acute respiratory syndrome - SARS) và đại dịch SARS khiến 8.096 bị bệnh và 774 người chết được khống chế. Những cảnh báo sớm của anh tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã giúp những phản ứng kịp thời ở quy mô lớn và đã cứu hàng triệu người khắp thế giới.

 

Bác sĩ Carlo Urbani
         Carlo Urbani là người vui tính, hóm hỉnh và tinh tế. Làm việc một cách khoa học, giảng dậy thì dễ hiểu, nói chuyện dễ mến và cuốn hút. Khi ăn cơm với anh tại một nhà hàng ở Nghĩa Hưng, Nam Định thấy cách mà anh ăn cua biển khác mình. Ta thì hay dùng tay lột luôn cái mai con cua, con ghẹ nhưng anh dùng kéo để cắt riềm ở trên mai con cua, con ghẹ sau đó dùng tay nhẹ nhàng lột cái mai ra, trông con cua lúc này thật là hấp dẫn bởi màu hồng của gạch, màu vàng của trứng...được hiển hiện bắt mắt. Bộ râu quai nón đậm chất Italia nhưng gương mặt anh thật hiền, tôi hỏi đùa là râu nhiều thế này thì có ăn được thịt chó mắm tôm không, anh cười rằng ăn được...
         Vậy là gần 20 năm sau ngày phát hiện và khống chế được dịch SARS và cũng ngần ấy năm Carlo Urbani rời xa trần thế. Năm 2019 vắt sang 2020 này khí hậu và môi trường biến động phần lớn bởi tác động của con người. Con người vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân của chính mình dẫn đến một vài sự thay đổi như hoa sữa đột nhiên nở vào tháng 5 (thường mọi năm vào cuối thu), cây sung gần Tết vẫn ra hoa và quả (mọi năm chỉ ra quả vào mùa mưa, khoảng từ tháng 4 đến tháng 11) và đêm giao thừa, ngày 1 Tết lại có mưa giông, sấm chớp, mưa đá... ngập hết đường phố, điều mà gần 60 năm cuộc đời tôi chưa hề chứng kiến. Có thể sẽ xảy ra đại dịch như các nhà khoa học dự báo khi nghiên cứu biến đổi gen của một số loài virus chăng?.
         Đã có bài học từ đại dịch SARS từ 17 năm trước và với sự hy sinh cao cả của 6 thầy thuốc Việt Nam và Pháp tại bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) cùng người thầy thuốc không biên giới, đại diện cho WHO Carlo Urbani, trong lúc chờ giới Y khoa và Khoa học tìm vaccin và thuốc đặc trị bệnh do virus corona, chúng ta phải tự bảo vệ mình trước. Ngày Tết này nên hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc với người đi về từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Vũ Hán. Cần sử dụng các thực phẩm giàu vitamine nhằm giúp tăng cường sức đề kháng. Khi ho, hắt xì hơi nên dùng khăn hoặc giấy, không dùng tay che miệng và thường xuyên rửa tay với nước sát khuẩn, mặc đủ ấm, đeo khẩu trang khi đi đường. Khi bị sốt không rõ nguyên nhân phải được khám và điều trị tại các cơ sở y tế...
         Vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, chúng ta chung tay phòng chống đại dịch viêm phổi do virus corona mới.
Ngày 1 Tết Canh Tý 2020.
Bác sỹ CKI. Lê Lợi.
CCB Sư đoàn 968 - Bộ đội Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 
tin tức liên quan