Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu có ý nghĩa gì?

Ngày đăng: 09:26 07/02/2020 Lượt xem: 442

           Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu có ý nghĩa gì?


                                                           Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng vốn bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng qua thời gian, đã trở thành một nét văn hoá tín ngưỡng đặc sắc của Việt Nam với rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.

 

Nguồn gốc xa xưa của ngày Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng

Có nhiều câu chuyện truyền miệng kể về sự tích Tết Nguyên tiêu. Trong đó, chuyện kể về một con thiên nga trên thiên đình là giai thoại khá phổ biến và được nhiều người truyền tai.

Theo đó, Ngọc Hoàng rất yêu thích một con thiên nga trên thiên cung. Một ngày nọ, con thiên nga bay xuống hạ giới rồi bị thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng hay tin, nổi giận sai quân xuống trần thiêu trụi mọi thứ vào ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Rất may, một vị quan trong triều không đồng tính với quyết định này nên đã hạ giới bày cách cho người trần thoát khỏi đại hoạ. Theo lời dặn của ông, đúng ngày rằm tháng Giêng, mọi nhà đều treo lồng đèn màu đỏ để Ngọc Hoàng nghĩ lệnh phòng hoả đã được thi hành.

Nhân gian thoát nạn và cứ đến ngày này hàng năm lại treo đèn lồng như một cách tưởng nhớ, trả ơn vị quan tốt bụng trên thiên đình.

Câu chuyện khác lại kể rằng, vào thời Tây Hán, các cung nữ vào dịp Tết rất nhớ nhà, nhưng không được về thăm do cung vua canh phòng cẩn mật. Một cung nữ tên Nguyên Tiêu vì quá cô đơn, buồn tủi mà đã nhảy xuống giếng tự kết liễu cuộc đời.

Lúc đó, Đông Phương Sóc - vị quan dưới thời Hán Vũ Đế đã kịp thời cứu sống cung nữ này. Ông cũng bày cách khiến nhà vua giao cung nữ Nguyên Tiêu làm bánh trôi tế thần linh, tránh kiếp nạn kinh thành bị Ngọc Hoàng dùng lửa thiêu trụi.

ram thang gieng tet nguyen tieu co y nghia gi
Người dân thường treo nhiều đèn lồng trong ngày Tết Nguyên tiêu (Ảnh minh hoạ: Thanh niên)

Mưu kế thuận buồm xuôi gió, nhà vua thưởng cho cung nữ Nguyên Tiêu về thăm nhà. Kể từ đó, ngày 15 tháng Giêng thành ngày Tết Nguyên tiêu (theo tên gọi của cung nữ), bánh trôi cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày này.

Theo một câu chuyện khác, vua Hán Văn lên ngôi đúng ngày rằm tháng Giêng nên hàng năm cứ đến đêm ngày rằm này lại ra ngoài chung vui với người dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa đọc là Tiêu, lại là đêm rằm đầu tiên của năm nên Hán Văn gọi là ngày Tết Nguyên tiêu.

Ngoài ra, còn có tích kể Tết Nguyên tiêu được gọi là Tết Trạng nguyên vì vào ngày rằm đầu tiên của năm, vua mời các trạng nguyên đến yến tiệc, cùng xem hoa thường nguyệt tại vườn thượng uyển...

Ý nghĩa đẹp đẽ của Tết Nguyên tiêu tại Việt Nam

Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) cho đến nửa đêm ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Dù có nhiều sự tích khác nhau về nguồn gốc, song ở Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu đều mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình. Đây là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện rồi thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.

Ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu còn được coi là "Tết muộn" vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, là cơ hội để đoàn viên với gia đình nào không may có người thân bị ốm, đi vắng vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

ram thang gieng tet nguyen tieu co y nghia gi
Bánh trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên tiêu (Ảnh: dfic.cn)

Theo quan niệm của người Việt, "đầu xuôi đuôi lọt" tức là thời khắc đầu tiên trong năm rất quan trọng. Ngày mùng 1 tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày 15 tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu và cả 2 đều mang hy vọng khởi đầu cho một năm mới hanh thông, an khang thịnh vượng.

Sau nhiều thế kỷ du nhập vào Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu đã dần trở thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt Nam, thấm nhuần Phật pháp và là dịp để người dân tỏ lòng thành kính với các vị thần, Phật, với gia tiên.

Với ý nghĩa đó, rằm tháng Giêng là 1 trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt, đặc biệt là các Phật tử, thường viếng chùa lễ Phật, cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.

Dân gian có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" để nhấn mạnh sự quan trọng của ngày rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt. Thời điểm ngày rằm đầu tiên của năm trùng với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu, thu hút sự tham gia đông đảo của Phật tử cũng như nhiều người dân.

Năm nay Canh Tý 2020, Tết Nguyên tiêu là thứ 7 ngày 8 tháng 2 Dương lịch. Đây là ngày Tân Tỵ, ngũ hành Kim, ngày Hoàng đạo, thích hợp cho nhiều việc như đính hôn, cúng tế, cầu phúc, cầu tự, thăm hỏi người thân bạn bè, nhập học... nhưng cũng có nhiều điều kiêng kỵ.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan