Cuộc đời của Lưu Dung - vị quan lưng gù nổi tiếng nhà Thanh - được nhiều người biết đến qua sử liệu, phim ảnh. Tương truyền, ông có một cái bướu ở lưng. Vì thế, dân gian gọi ông Lưu La Oa.
Sinh năm thứ 58 Khang Hy, tức năm 1719 công nguyên, Lưu Dung có tên chữ là Sùng Như, hiệu là Thạch Am. Ông là người ở Chư Thành, Sơn Đông.
Vào năm Càn Long thứ 16 (1751), Lưu Dung đỗ tiến sĩ. Ông làm đến chức Nội các đại học sĩ. Sinh thời, ông nổi tiếng về tài thư pháp.
Không những vậy, ông còn nhà nhà thơ, học giả hiểu rộng biết nhiều.
Suốt thời gian làm quan, Lưu Dung sống giản dị, không ham giàu sang và suốt ngày lo nghĩ cho lợi ích của dân chúng.
Không tham ô, nhận hối lộ bất cứ một khoản tiền nào dù là nhỏ nhất, Lưu Dung trở thành vị quan thanh liêm, chính trực, được người dân tin tưởng và kính trọng.
Dù có chiếc lưng gù nhưng Lưu Dung không bao giờ cúi đầu trước cường quyền, kẻ ác hay xu nịnh gian thần để có con đường quan lộ rộng mở.
Đặc biệt, Lưu Dung còn có hành động yêu nước thương dân, không ngại nói dối vua. Đó là khi ông lừa nhà vua ăn củ nâu nhưng nói rằng đó là khoai Lại Phố. Nhờ kế sách thông minh và tài ăn nói sắc bén, người dân ở Lại Phố không còn phải khổ cực trồng và tiến cống loại đặc sản khó trồng này.
Ngay cả khi bị đày, Lưu Dung cũng tìm cách nâng được bức tượng Quan Âm khổng lồ lên trên cao để giúp đỡ dân chúng. Vị quan lưng gù này còn cứu nguy cho triều đình trước những lần sứ giả nước ngoài gây khó dễ.
Lưu Dung cũng được người đời nhớ đến là người tìm ra nguyên nhân gây ra lụt lội và tìm cách trị thủy hiệu quả. Những điều này cho thấy vị quan lưng gù này luôn dốc lòng làm việc vì nước vì dân.