Cách Triều Tiên kiểm soát virus corona dù sát vách “ổ dịch” Trung - Hàn

Ngày đăng: 07:39 29/02/2020 Lượt xem: 354


Cách Triều Tiên kiểm soát virus corona dù sát vách “ổ dịch” Trung - Hàn


                                                   Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí


Triều Tiên đã siết chặt việc cách ly hải quan ở khu vực biên giới và thực hiện nhiều biện pháp kịp thời để ngăn chặn dịch corona lây lan từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Giới chức y tế Triều Tiên họp bàn về dịch corona trong bức ảnh được đăng trên Rodong Sinmun ngày 23/2. (Ảnh: Yonhap)

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết toàn bộ hàng hóa được đưa tới các cảng ở Triều Tiên hoặc đi qua các cầu ở biên giới nước này phải được giữ lại ở khu vực cách ly trong 10 ngày và khử trùng toàn bộ, trước khi được chuyển phát theo quy trình liên quan. Biện pháp kiểm soát này được áp dụng với toàn bộ hàng hóa và không có ngoại lệ.

Theo Rodong Sinmun, toàn bộ hàng hóa và container chở hàng đều phải được khử trùng từ trên xuống dưới. Báo Triều Tiên viện dẫn kết quả nghiên cứu về virus corona chủng mới (Covid-19) cho thấy tỷ lệ sống sót của virus này ở mức cao.

“Các hàng hóa được mang từ một nước khác có thể được sử dụng như vật trung gian lây nhiễm virus”, Rodong Sinmun đưa tin.

Báo Triều Tiên một lần nữa khẳng định hiện chưa có bất kỳ ca nhiễm virus Covid-19 nào tại Triều Tiên, mặc dù nước này có chung đường biên giới với Trung Quốc và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Bộ trưởng Y tế Triều Tiên tuần này đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước, khẳng định Triều Tiên chưa xuất hiện ca nhiễm virus Covid-19. Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bình Nhưỡng gần đây cũng cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về số người nhiễm virus corona từ Triều Tiên.

Triều Tiên tuần trước thông báo tất cả du khách nước ngoài và những người bị nghi nhiễm virus corona chủng mới sẽ bị cách ly 30 ngày. Bình Nhưỡng mong muốn tất cả các cơ quan chính phủ và người nước ngoài tại Triều Tiên tuân thủ quy định này một cách “vô điều kiện”.

Cách Triều Tiên kiểm soát virus corona dù sát vách “ổ dịch” Trung - Hàn - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Các nhân viên mặc đồ bảo hộ kiểm tra máy quét thân nhiệt đặt tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. (Ảnh: Yonhap

Đại sứ Triều Tiên tại Geneva (Thụy Sĩ) Han Tae-song ngày 20/2 cho biết Triều Tiên đang nỗ lực hết sức để ngăn dịch corona xâm nhập vào nước này. Ông Han khẳng định Triều Tiên chưa có bất kỳ ca nhiễm virus Covid-19 nào.

“Tôi đã được thông báo rằng chúng tôi sẽ kéo dài thời gian cách ly, thực tế là 14 ngày, nhưng theo các kết quả nghiên cứu khoa học, virus corona chủng mới thậm chí có thể lây nhiễm 3 tuần sau đó. Đó là lý do chúng tôi kéo dài thời gian cách ly lên 30 ngày. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”, Đại sứ Triều Tiên cho biết.

Từ tháng 1, Triều Tiên đã tăng cường các biện pháp bảo vệ nước này trước dịch corona, siết chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, đồng thời tăng cường biện pháp cách ly bất kỳ ai từ Trung Quốc tới Triều Tiên. Các quan chức và người dân Triều Tiên đều được nhìn thấy đeo khẩu trang trong các bức ảnh do truyền thông nhà nước công bố.

Triều Tiên cũng kiểm tra các nguồn nước uống như sông hồ, để đảm bảo mầm bệnh corona không theo dòng nước chảy vào Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà máy tại Triều Tiên cũng tăng cường sản xuất khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus.

Triều Tiên tuyên bố thiết lập một hệ thống khẩn cấp toàn quốc nhằm đối phó dịch corona. Bình Nhưỡng thậm chí gọi những nỗ lực phòng ngừa này là “vấn đề chính trị”, quyết định số phận của đất nước.

Gần như tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á đều xác nhận ít nhất một trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên, danh sách này không có Triều Tiên, mặc dù nước này có chung biên giới với những nơi có “ổ dịch” corona như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trung Quốc tính đến nay đã hơn 2.400 ca tử vong và gần 77.000 ca nhiễm virus Covid-19. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng báo động về dịch corona với hơn 500 ca nhiễm và 4 ca tử vong.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan