Chính phủ có bổ sung Phó Thủ tướng thay ông Vương Đình Huệ?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ tưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc có xem xét vấn đề trên hay không phụ thuộc vào ý kiến của Thủ tướng.
Chiều ngày 3/2, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, một câu hỏi được phóng viên đặt ra là Chính phủ có tính phương án bố trí nhân sự thay thế vị trí ông Vương Đình Huệ - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã được điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội hay không?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phân tích, theo Điều 98 Hiến pháp 2013 và Điều 28 luật Tổ chức Chính phủ 2015, Thủ tướng có thẩm quyền về việc đề xuất bổ nhiệm nhân sự của Chính phủ theo quy định của Đảng. Vì vậy, việc xem xét vấn đề này phụ thuộc vào ý kiến của Thủ tướng.
Trước đó, ngày 7/2, Bộ Chính trị có quyết định điều động ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thôi tham gia Ban Cán sự đảng Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Sau khi ông Vương Đình Huệ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng đã ký Quyết định 235 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1527 về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Quyết định 235, Thủ tướng bổ sung phân công công tác với các lãnh đạo Chính phủ những phần việc vốn thuộc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đảm nhiệm trước khi ông được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Theo Quyết định 235, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhận thêm việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành Khối kinh tế tổng hợp gồm: Kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng sẽ theo dõi và chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Tiền gửi.
Thủ tướng cũng sẽ làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Bình đảm nhận phần theo dõi và chỉ đạo: Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gánh thêm nhiệm vụ giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Hội nhập kinh tế quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương; cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận thêm trách nhiệm giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; xóa đói giảm nghèo.
Ông Đam trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội; làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được giao thêm việc giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Phát triển các loại hình doanh nghiệp; kinh tế hợp tác, hợp tác xã; làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
(C. H sưu tầm)