Dịch Covid-19: Vì sao xét nghiệm âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
"Thời điểm lấy mẫu âm tính với Covid-19 có nghĩa là thời điểm đó chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh, phải tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó".
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Hà Nội, ngày 13/3.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, toàn thành phố Hà Nội đã xét nghiệm được 3.236 mẫu phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đã sàng lọc được 2.240 trường hợp cách ly tập trung tại 4 khu cách ly tập trung, tất cả đều cho kết quả âm tính.
Những ngày tới, Trung tâm tiếp tục lấy 996 mẫu xét nghiệm sàng lọc các ca nghi ngờ và các ca tiếp xúc gần. “Chúng ta xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các ca mắc để hạn chế thấp nhất số lây lan ra cộng đồng" - ông nói.
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phát biểu trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, các trường hợp F1 có kết quả âm tính thì từ thời điểm có kết quả âm tính về trước là an toàn, tức là chưa phát bệnh, chưa có khả năng lây lan cho người khác.
Theo đó, với những trường hợp âm tính, cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ 14 ngày, bởi hiện nay thông tin tổng kết cho rằng, thời gian ủ bệnh là 14 ngày.
"Thời điểm lấy mẫu âm tính có nghĩa là thời điểm đó chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh. Phải tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó" - ông Cảm nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, Hà Nội đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp y tế hiện đại. Phương pháp này theo quy trình giống như đang thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bảo đảm việc xét nghiệm có kết quả chính xác đến 99,9%, không xảy ra tình trạng “âm tính giả”.
"Xét nghiệm có kết quả âm tính thì đảm bảo 99,99% là âm tính. Xét nghiệm giai đoạn đầu phải đảm bảo âm tính chính xác là âm tính, còn trường hợp dương tính thì tiếp tục gửi lên T.Ư để khẳng định lại. Nhưng tránh thấy âm tính mà chủ quan, đặc biệt những người tiếp xúc gần. Những người đó vẫn có nguy cơ phát bệnh và vẫn lây lan ra cộng đồng" - ông Cảm nói thêm.
Cơ quan chức năng của Hà Nội đang giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại nhà ở quận Cầu Giấy.
Ông Cảm cũng cho biết, công tác cách ly hiện nay là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19 khi thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh. Việc tự giác cách ly của người dân vô cùng quan trọng. Các cơ quan chức năng cần thiết phải “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, từng cơ quan để phát hiện các trường hợp từ vùng có dịch về, người nghi ngờ nhiễm Covid-19 để tổ chức giám sát, theo dõi, cách ly và phát hiện sớm, đưa đi điều trị để giảm bớt thiệt hại.
"Tôi có cảm giác đang có tâm lý yên tâm với xét nghiệm âm tính và cách ly 14 ngày. Nhưng không phải như vậy. Ở Trung Quốc, tổng kết có trường hợp kéo dài nhất, ủ bệnh đến 39 ngày. Trung bình ủ bệnh là 22,5 ngày, dài là 27 ngày. Xác suất âm tính là điều kiện ban đầu, cách ly 14 ngày là điện kiện thứ hai. Theo dõi tiếp 20 – 30 ngày mới an tâm. Cần chú ý tuyên truyền điều này" - ông Chung nói.Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện nay số liên quan tiếp xúc gần (F1) với các ca dương tính có thể phát bệnh trong những ngày tới.
Theo Chủ tịch Hà Nội, cố gắng tuyên truyền đến những người đang cách ly, "sau 14 ngày rồi vẫn cố gắng đừng đi lại lung tung", hạn chế tối đa vì an toàn của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng, xã hội.
Ông Chung cho rằng, cần cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất người bị lây nhiễm trên địa bàn thành phố; phấn đấu không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Các giải pháp phải làm nhanh, chính xác, có hiệu quả. Chuẩn bị mọi cơ sở vật chất cho các kịch bản từng cấp độ, đến đâu xử lý đến đó, tránh để tình trạng chậm, gây lây nhiễm nhiều như ở một số nước.
Liên quan đến việc tổ chức cách ly, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu, tất cả các trường hợp tiếp xúc với người nghi ngờ mắc Covid-19, tiếp xúc của tiếp xúc từ F1 đến F3 cần thực hiện nghiêm túc việc cách ly, trong đó những người F1 (tiếp xúc gần với bệnh nhân) được cách ly tại bệnh viện, còn F2 (tiếp xúc gần với F1), F3 (tiếp xúc gần với F2) được cách ly tại nhà, không đi ra ngoài, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn, ở trong phòng mở cửa thoáng.
“Nhiều biện pháp cách ly khác nhau đã được các nước đang có dịch Covid-19 áp dụng nhưng hiệu quả nhất vẫn là cách ly tại nhà. Việc cách ly trên diện rộng tại nhà và các trạm y tế, nếu người cách ly thực hiện nghiêm túc sẽ hạn chế được nguy cơ lây chéo” – Chủ tịch Hà Nội phân tích.
Chiều ngày 13/3, Bộ Y tế tiếp tục công bố 2 ca bệnh Covid-19, đều tại Hà Nội. Cụ thể, bệnh nhân số 46 (nữ, 30 tuổi, địa chỉ ở Khương Trung, Khương Trung, Thanh Xuân). Bệnh nhân là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines trên chuyến bay của từ London về Hà Nội ngày 9/3.
Bệnh nhân số 47 là nữ (43 tuổi, địa chỉ ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân là giúp việc trong toà nhà của bệnh nhân số 17 (được phát hiện từ ngày 6/3, bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên của Hà Nội), có tiếp xúc gần.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 47 ca mắc Covid-19, trong đó: Vĩnh Phúc (11 trường hợp), Bình Thuận (9), Hà Nội (7), TP.HCM (5), Quảng Ninh (4), Đà Nẵng (3), Quảng Nam (2), Lào Cai (2), Khánh Hòa (1), Thanh Hóa (1), Ninh Bình (1), Huế (1).
|
( C. H sưu tầm)