Sống chung với đại dịch. Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:25 17/03/2020 Lượt xem: 987
Sống chung với đại dịch.
Hoàng Văn Kính

 
          Phải sống chung với đại dịch vì chẳng có cửa nào để chạy cả. Mới đây ngày 11/3, ông Tổng giám đốc tổ chức y tế thế giới WHO đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Như vậy một căn bệnh mới đã lây lan ra toàn thế giới. Cập nhật đến sáng hôm nay ngày  18/3 toàn thế giớ đã phát hiện trên 163.000 trường hợp mắc Covid-19 ở 148 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3.600 người đã tử vong. Cũng theo WTO tâm điểm của đại dịch từ Vũ Hán đã chuyển sang châu Âu. Còn tại Việt Nam ta đại dịch đã lây lan ra nhiều địa phương, số ca bệnh cũng  đang tăng lên và con virus Covid-19 đã biến đổi gen thành bốn biến chủng, khác với con virus đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc nơi xuất phát điểm của dịch bệnh này. Sự biến đổi này làm cho con Covid-19 “ hung hăng hơn”, khó lường hơn.
          Đại dịch toàn cầu hay sự biến đổi gen của con Covid-19 không làm thay đổi cách mà chúng ta đã và đang phòng chống, ngược lại càng phải tích cực  và quyết liệt hơn. Muốn hay không chúng ta vẫn phải sống trên mảnh đất mà đại dịch đang hoành hành để tìm cách nhanh chóng khắc chế đẩy lùi và tiêu diệt nó.
          Thông tin được cập nhật trên các phương tiện truyền thông  về sự lây lan của dịch, về số người mắc, số người bị cách li… để mỗi người dân kịp thời nắm bắt được diễn biến của dịch qua đó nêu cao cảnh giác cùng chung tay phòng chống. Nhưng cũng với những thông tin đó mà không được sử lí một cách đúng đắn thì dễ gây hoảng loạn làm cho vấn đề càng phức tạp thêm.
          Thái độ trước hết trong lúc này là phải hết sức bình tĩnh, chủ động phòng chống, làm theo khuyến của WHO và các cơ quan chức năng của ngành y tế nước ta. Những khuyến cáo ấy thật sự là cẩm nang phòng chống bệnh, dù có ngàn lần nhắc lại cũng không thừa, đấy là: Phải thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn nhất là sau khi đến nơi đông người, sau khi ho, hắt hơi. Khi tay chưa được rửa sạch thì không đưa lên mắt, mũi, miệng.
          Khi ho hoặc hắt hơi phải che miệng bằng khăn hoăc giấy nếu không có thì có thể dùng tạm bằng mặt trong của ống tay áo, sau đó cần lập tức rửa tay theo đúng quy cách. Khăn, giấy đã dùng phải bỏ vào thùng rác. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao như người cao tuổi, người có bệnh lí nền về phổi, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp cần tránh tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc với người khác cần đứng xa ít nhất 2m.
          Nhà cửa phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, gọn gàng. Những vị trí trong nhà thường xuyên tiếp xúc nhiều như tay nắm, bàn ghế, công tắc đèn, điện thoại, lan can cầu thang, vòi nước, nhà vệ sinh…cần phải thường xuyên được sát khuẩn. Nếu cơ thể bạn không được khỏe mạnh hoặc xuất hiện những triệu chứng không bình thường thì nên tự cách li, không ra ngoài.
          Nếu bị sốt, ho, khó thở thì phải tìm ngay đến các trung tâm Y tế. Đeo khẩu trang để tránh giọt bắn từ miệng ra ngoài, đặc biệt khi tiếp xúc với người khác, với các nhân viên Y tế, khi tham gia giao thông công cộng. Những người còn đang khỏe mạnh khi tiếp xúc với người bệnh cũng phải đeo khâu trang.
          Người nhiễm Virus Covid-19 có thể phát bệnh sớm hoặc muộn trong phạm vi 14 ngày bởi vậy nên khi nhập cảnh từ các trung tâm dịch bệnh hoặc  từng tiếp xúc với người mắc bệnh nhất thiết phải được các li dù tự nguyện hay không. Quá trình cách li phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Trung tâm để tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân và cộng đồng. Cần tuân thủ đầy đủ các quy định về khai báo Y tế toàn dân. Cần phải đưa thông tin thật chính xác, dấu bệnh, khai báo không trung thực chỉ tự hại bản thân, làm cho bệnh không thể kiểm soát được.
          Chính vì không có các biện pháp quyết liệt như: Không hạn chế tụ tập đông người; không khuyến khích người dân đeo khẩu trang; không hạn chế tự do đi lại; không hướng dẫn cách phòng bệnh đặc biệt với người cao tuổi…nên ở Italya, Tây ban nha, Pháp, Anh và các nước khác thuộc Liên minh châu Âu dịch bệnh đang tăng lên theo cấp số nhân. Một số quốc gia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, tuyên bố phong tỏa toàn quốc, tự cách li. Từ thực tế này đang buộc họ phải suy nghĩ lại cách thức phòng chống con covid-19 theo cách mà chúng ta đang làm.
          Nhớ câu nói của nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “ Phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Lúc này mỗi người dân phải thật bình tĩnh, chủ động phòng ngừa, tuân thủ đầy đủ mọi quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đồng thời nhắc nhở người khác cùng làm theo là giải pháp hữu hiệu nhất để tự bảo vệ mình,  góp phần chung tay cùng toàn xã hội phòng tránh, đánh bại đại dịch Covid-19.
          Đấy là cách chống dịch tốt nhất trong đại dịch.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan