Những nhà trọ ấm tình người

Ngày đăng: 03:42 20/04/2020 Lượt xem: 329

Những nhà trọ ấm tình người

Anh Duy ở Kon Tum xây 12 phòng trọ miễn phí cho những người khó khăn, còn chị Hưởng ở TP Nha Trang bỏ tiền túi thuê trọ cho người thất nghiệp tránh Covid-19.

Chiều ngày giữa tháng 4, anh Trần Quang Duy, 36 tuổi, đi bộ hơn 200 mét từ nhà ra khu trọ ở tổ dân phố số 4, thị trấn Đắk Hà, Kon Tum bật nước tưới tắm cho cây cối trong vườn.

Nhìn thấy anh, chị Phương Lê (34 tuổi), một khách ở trọ miễn phí gần 2 năm cười bẽn lẽn: "Em bảo ở nhờ anh một năm rồi đi mà tới giờ vẫn chưa xoay xở được". Anh Duy động viên: "Nếu khó khăn cứ ở, không phải ngại. Còn trẻ, còn vất vả là đương nhiên. Cứ cố gắng trời sẽ không phụ công mình cô ạ".  

Chị Phương Lê không phải là khách trọ duy nhất được hưởng "ưu đãi". Ông chủ Trần Quang Duy đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng xây 12 phòng trọ làm nơi ở miễn phí cho những người nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Ông chủ nhà trọ này sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở TP HCM. "Tôi từng được rất nhiều người cưu mang, trong đó có vị sư trụ trì một ngôi chùa ở Sài Gòn hỗ trợ từ lúc nhỏ đến khi học hết cao đẳng. Tôi vẫn nhớ lời thầy 'đừng nghĩ đến chuyện trả ơn thầy mà hãy cố gắng thành công để giúp đỡ những người khác", Duy nói, từ chối kể nhiều về quá khứ của mình.

Khi rời Sài Gòn về Kon Tum, anh cùng vợ mở hiệu thuốc và kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Khấm khá, năm 2017, Duy xây dựng ngôi nhà hai tầng cho gia đình ở thị trấn Đắk Hà, đồng thời xây dãy trọ bốn phòng cho người khó khăn trọ miễn phí. Một năm sau, Duy mua đất xây thêm 8 phòng mới. Tổng chi phí xây dựng hơn 3 tỷ. Khách đến trọ được miễn phí, chỉ phải chi tiền điện, nước phục vụ sinh hoạt.

Không có việc làm, chị Lê ở nhà chăm sóc hai con, chồng thu nhập từ nghề lái xe không ổn định. Nhờ người quen giới thiệu, vợ chồng chị Lê có chỗ sinh hoạt miễn phí suốt hai năm qua. Ảnh: Quang Duy.

Không có việc làm, chị Lê ở nhà chăm sóc hai con, chồng thu nhập từ nghề lái xe không ổn định do từng bị tai nạn giao thông và hiện giờ là ảnh hưởng do Covid-19. Nhờ người quen giới thiệu, vợ chồng chị Lê có chỗ sinh hoạt miễn phí suốt hai năm qua. Ảnh: Quang Duy.

Bên trong cánh cổng lát đá hoa cương treo tấm biển "Nhà trọ tình thương" kèm số điện thoại của anh Duy là 12 phòng trọ khép kín, mỗi phòng rộng 36m2, có gác xép, lát gạch hoa, đều đã kín phòng. Khu trọ có khuôn viên để trẻ con vui chơi và vườn trồng cây ăn quả, rau màu để người lớn tận dụng "tăng gia sản xuất".

Chị Phương Lê kể hơn 2 tháng nay, chồng chị là một tài xế xe tải, từng bị tai nạn lao động gần như thất nghiệp vì Covid-19. Chị ở nhà nội trợ chăm hai con 5 tuổi và 7 tuổi nên cuộc sống vốn khó khăn càng thêm chật vật.   

"Ở Đắk Hà này chắc anh Duy là có một, không có hai. Nếu không được ở trọ miễn phí chỗ anh, vợ chồng con cái nhà tôi chỉ có nước ra đường ở", chị nói.   

Một trong ba khu trọ miễn phí của gia đình anh Duy dành tặng người nghèo ở thị trấn Đắk Hà. Ảnh: Quang Duy.

Một trong ba khu trọ miễn phí của gia đình anh Duy dành tặng người nghèo ở thị trấn Đắk Hà. Ảnh: Quang Duy.

Cũng như chị Phương Lê, chị Nguyễn Kiều Oanh, 28 tuổi, được san sẻ một phần gánh nặng khi đến trọ miễn phí ở nhà trọ tình thương.

Từ bé, Oanh và anh trai đã phải lo cho bố đẻ bị tâm thần. Nhưng hơn ba năm trước, anh trai bị lupus ban đỏ biến chứng suy thận. Nhà cửa, tài sản đều đội nón ra đi. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai vợ chồng Oanh và chị dâu. Một tuần nay, chị dâu dẫn hai cháu đi biệt tích nên Oanh vừa phải chăm con nhỏ, vừa đến viện trông anh trai.

Trước đây, chị kiếm sống nhờ làm thuê ở vườn điều, rẫy cà phê. Chồng Oanh chở cá thuê, thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng.

"Mấy hôm nay tôi ở viện chăm anh trai nên không đi làm được. Không chỉ dịch bệnh mà ngày thường chúng tôi đã phải chịu ơn lớn của anh Duy. Anh tốt mà hòa đồng, hay hỏi han và động viên mọi người lắm", Oanh nói. 

Không có nhà trọ để cho người nghèo ở miễn phí như gia đình anh Duy, nhưng ở phường Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa, chị Nguyễn Thị Hưởng, 38 tuổi, cũng đang bao bọc 20 người thất nghiệp vì Covid-19.    

Vợ chồng chị thuê hai phòng trọ, một phòng 5 triệu đồng và một phòng hơn một triệu đồng/tháng, để những người mất việc vì dịch bệnh ở miễn phí hơn một tháng nay. Ngoài ra, người phụ nữ quê Hậu Giang còn hỗ trợ họ ba bữa ăn mỗi ngày, chi phí trung bình khoảng 500 nghìn đồng, cho mỗi người mượn từ 1-2 triệu đồng gửi về quê.

Khoảng 15 người trong số đó là đội thợ làm cùng chị, nghỉ dịch nhưng xa nhà nên không thể về quê. Năm người khác là người làm cũ. Mất việc, họ loay hoay với đủ nghề khác để kiếm sống nhưng bất lực khi lệnh cách ly xã hội ban hành.

"Tôi xem các anh em như thể người nhà nên khi khó khăn không thể khoanh tay đứng nhìn. Đằng sau những người đàn ông này còn có vợ con, gia đình", người phụ nữ quản lý đội thợ lát đá hoa cương nói.

Theo nghề hơn 5 năm, nhưng chưa khi nào vợ chồng chị Hưởng lao đao như lần này. Thời gian cách ly xã hội kéo dài, vợ chồng chị cũng phải vay mượn để trang trải cho mình và hơn 20 người thất nghiệp.

"Hồi đầu bữa nào cũng thịt cá cho anh em. Nhưng dịch kéo dài nên tui ra tận cửa biển tìm cá nào tươi mà rẻ thì mua, rồi đổi bữa bằng rau, bằng trứng, cố đùm bọc nhau. Được cái khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ. Mọi người bảo 'giờ chị cho cháo ăn thôi em cũng mừng'", chị kể. 

Chục ngày nay, chị Hưởng giới thiệu những người đàn ông thất nghiệp theo dân chài đi đánh bắt gần bờ để có thêm thu nhập. 

Anh Lơ Văn Đức (35 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, nhà anh cách TP Nha Trang hơn 200 km nhưng vì không có xe khách để về, lại lo ngại di chuyển khi có dịch nên đành ở lại.

"May nhờ có vợ chồng chị Hưởng cưu mang, lo giúp chỗ ăn, thuê cho chỗ ngủ chứ không tôi chẳng biết phải sống thế nào", anh Đức nói.

Nhật Minh

tin tức liên quan