Xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị gì trước tòa?
Xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị gì trước tòa?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Tại phiên xử vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đại diện Quân chủng Hải quân (QCHQ – bị hại trong vụ án) đã phát biểu quan điểm về xử lý thiệt hại đối với 3 khu đất "vàng" trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM) và số tiền hơn 939 tỷ đồng.
Tại phiên tòa xử Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và 7 bị cáo, đại diện QCHQ với tư cách là bị hại đã được Tòa đề nghị bày tỏ quan điểm.
Theo vị đại diện QCHQ, ông Nguyễn Văn Hiến lúc đó là Tư lệnh QCHQ chịu trách nhiệm chung về mọi mặt hoạt động của quân chủng, trong đó có quản lý, sử dụng đất quốc phòng đảm bảo đúng mục đích, quy định.
Với tư cách là Tư lệnh QCHQ, ông Nguyễn Văn Hiến khi đó thực hiện theo chủ trương kết luận được Thường vụ Đảng ủy QCHQ thông qua, ký các văn bản theo đề xuất của cơ quan chức năng như phòng kinh tế, tài chính, Công ty Hải Thành.
Về thiệt hại của QCHQ, theo vị đại diện, với sai phạm của các bị cáo, quân chủng đã bị mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất ở đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM, vì các khu đất đã sang tên cho các công ty liên doanh.
Cụ thể, tại khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng đã bị các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan lừa đảo chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất, đem đi thế chấp ngân hàng, đến nay chưa giải chấp. "Nếu như vụ việc không được phát hiện kịp thời, có nguy cơ cao khu đất bị phát mại", vị đại diện QCHQ nói.
Tòa đặt vấn đề về số tiền thiệt hại hơn 939 tỷ đồng là tiền sử dụng đất 3 khu đất ở đường Tôn Đức Thắng do Công ty Hải Thành không nộp về cho Quân chủng, Quân chủng bị lừa như thế nào?
Vị đại diện QCHQ cho biết, bị cáo Hệ, Diệt, Hoan đã gian dối trong việc lập tờ trình số 10 ngày 8/3/2006 phản ánh về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện với các đối tác trong, ngoài quân đội gửi QCHQ để xin liên danh thực hiện dự án cao ốc văn phòng cho thuê.
Vì tin tưởng nên QCHQ không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh nên chấp thuận về liên doanh với công ty này.
Vị đại diện cho rằng, đến nay khi làm việc với Cơ quan điều tra, QCHQ mới biết, tại thời điểm đó, năm 2006, Công ty Yên Khánh mới được thành lập 7 tháng, không có vốn, không có cơ cấu, nguồn nhân lực. Vũ Thị Hoan là giám đốc công ty nhưng chỉ là sinh viên năm nhất ở Đại học Công nghiệp, chị Hoan là cháu ruột của bị cáo Đinh Ngọc Hệ.
Sau khi ký được hợp đồng liên doanh, các đối tượng của công ty Yên Khánh Hải Thành đã làm thủ tục chuyển Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang công ty Yên Khánh Hải Thành và thế chấp tại ngân hàng và hiện đang thế chấp tại Ngân hàng BIDV, đến nay không có khả năng trả nợ mà QCHQ, Công ty Hải Thành không biết.
Về giá trị khu đất 7-9 đường Tôn Đức Thắng (Quân 1, TP.HCM) có trị giá hơn 525 tỷ đồng, tính thời điểm định giá năm 2010. Tòa đã công bố về kết luận định giá khu đất này và hỏi các bị cáo Hệ, Hoan, Diệt có ý kiến gì không? Cả 3 bị cáo đều nói không có ý kiến gì.
Tòa đã hỏi đại diện QCHQ về quan điểm xử lý 3 khu đất và số tiền chuyển mục đích sử dụng như thế nào? Vị đại diện cho biết, đối với 3 khu đất đề nghị tòa buộc các đối tượng, công ty liên doanh liên quan trả lại quyền sử dụng cho QCHQ quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Đối với số tiền hơn 939 tỷ đề nghị nộp về trả QCHQ quản lý, sử dụng do TP. HCM đã cho phép giữ lại để xây dựng, củng cố doanh trại, phúc lợi.
Về khu đất số 2 và số 9-11 đường Tôn Đức Thắng (Quận 1.TPHCM), vị đại diện QCHQ cho biết, việc tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật và Bộ Quốc phòng, tuy nhiên, hiện các đối tác đã đầu tư số tiền rất lớn vào các dự án nói trên nhưng chưa thu hồi được vốn nên quan điểm của QCHC là đề nghị tòa xử lý theo quy định của pháp luật. Phía QCHQ sẽ đề nghị các cấp thẩm quyền có cơ chế phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
( C. H sưu tầm )