Trung Quốc đối mặt hình ảnh toàn cầu bị sứt mẻ vì Covid-19
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Trung Quốc đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và các nước châu Âu, trong bối cảnh số người chết vì căn bệnh viêm phổi bí ẩn trên toàn cầu tiếp tục tăng.
Tham vọng lấp đầy "khoảng trống" của Mỹ
Trung Quốc đã khiến thế giới bất ngờ khi kiểm soát tương đối nhanh dịch Covid-19, vốn khởi phát tại thành phố Vũ Hán hồi cuối năm ngoái. Đây là thành quả đáng ghi nhận sau khi Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm phong toả nhiều thành phố, đóng cửa các doanh nghiệp và thực hiện xét nghiệm virus trên hàng nghìn người.
Việc Mỹ ngập chìm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong nước và có những động thái giảm vai trò trên thế giới đã tạo ra cơ hội lớn cho Trung Quốc vươn lên trở thành nước hỗ trợ toàn cầu.
Trong những tháng qua, Trung Quốc cử chuyên gia y tế đến nhiều nước để chia sẻ kiến thức và chuyên môn về điều trị cho bệnh nhân và khống chế virus lây lan, cùng các lô hàng y tế. Nước này cũng đã cung cấp thiết bị và đồ dùng y tế cho hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, tổ chức 70 hội nghị trực tuyến với các chuyên gia từ hơn 150 nước.
Trung Quốc đã góp thêm 30 triệu USD cho WHO sau khi đóng 20 triệu USD, trong khi Tổng thống Trump tuyên bố dừng đóng góp của Mỹ cho tổ chức này. Bắc kinh tuyên bố sẵn sàng gửi thêm chuyên gia y tế đến các nước có yêu cầu dựa trên tình hình dịch bệnh ở các nước và sự cần thiết phải khống chế dịch bệnh.
Bà Ilaria Carroza, điều phối viên dự án tại Viện Nghiên cứu Hoà bình ở Oslo, Na Uy, đánh giá: “Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ có thể đóng vai trò dẫn đầu, vai trò mà Mỹ có vẻ không muốn đảm nhận trong thời điểm này”.
Ông Nicholas Thomas từ trường Khoa học xã hội Đại học Thành thị Hong Kong cho rằng, Trung Quốc đang sẵn sàng lấp vào khoảng trống từng là chỗ của Mỹ.
Hình ảnh bị sứt mẻ
Thành công trong chống dịch của Trung Quốc cũng nhận được sự ngợi khen nhưng không nhiều. Thay vào đó, Bắc Kinh hứng chịu nhiều chỉ trích và cáo buộc về nguồn gốc gây bệnh, sự chủ quan ban đầu, thiếu minh bạch thông tin và đối xử không công bằng với nhiều bác sĩ có công cảnh báo dịch bệnh... Điều đó khiến Trung Quốc bị đánh giá thiếu trách nhiệm đối với hệ lụy dịch bệnh lây lan toàn cầu.
Trung Quốc cũng đánh mất lòng tin của các quốc gia khác khi được cho là xuất khẩu thiết bị y tế lỗi, kém chất lượng và ủng hộ thuyết âm mưu quân đội Mỹ thả virus ở Vũ Hán.
Không chỉ thế, lợi dụng các nước đang tập trung xử lý dịch Covid-19, Trung Quốc đã có hàng loạt động thái làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại môi trường an ninh hàng hải như gia tăng các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, xây 2 “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa, ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông…
Nhiều chuyên gia cho rằng, quan hệ Trung Quốc với các nước lớn sẽ bị xấu đi hậu Covid-19. Wasng Jisi, một học giả nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh nhận xét, dịch Covid-19 đã đẩy quan hệ Trung-Mỹ xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi mới bang giao, hố ngăn cách kinh tế-công nghệ giữa hai cường quốc “đã không thể đảo ngược”.
Tại Anh, các chính khách kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson cứng rắn hơn với Trung Quốc, cộng đồng tình báo tuyên bố sẽ theo dõi sát mối đe dọa từ Bắc Kinh... Ở châu Âu và Australia, các chính phủ đã chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm tài sản giá rẻ giữa lúc kinh tế lao dốc vì dịch bệnh. Tại Đức, một tờ báo cho rằng Trung Quốc phải bồi thường 160 tỷ USD vì dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Tổng thống Mỹ đã sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa hỗ trợ chống dịch - một dự luật được đề xuất yêu cầu Mỹ giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.
Liên minh châu Âu cũng sẽ tìm cách “giảm sự lệ thuộc thương mại” vào Trung Quốc sau đại dịch. Nhật Bản cũng dành 248,6 tỷ yên (2,33 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.
Như vậy, dù thành công trong chống dịch, có nhiều cơ hội lấp đầy “khoảng trống”, nhưng Trung Quốc không những không tận dụng được, mà còn tự đánh mất hình ảnh của mình. Hình ảnh của Trung Quốc hậu Covid-19 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
( C. H sưu tầm)