Kỳ tích: Nam phi công người Anh mắc Covid-19 "cai" được ECMO

Ngày đăng: 10:11 03/06/2020 Lượt xem: 304

Kỳ tích: Nam phi công người Anh mắc Covid-19 "cai" được ECMO


 

Dân trí Là ca mắc Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam, nam phi công người Anh nhiều lần thập tử nhất sinh, phổi đông đặc. Từ chỗ chỉ 10% phổi hoạt động, nay đã tăng lên 40% và đặc biệt bệnh nhân được cai ECMO.
 

Chiều 3/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch Covid-19 thông báo tin vui với bệnh nhân Covid-19 thứ 91. Sau khi áp dụng các phương án điều trị theo tinh thần hội chẩn, tình trạng sức khỏe bệnh nhân 91 đã được cải thiện tốt hơn. Trong 2 ngày qua, các thông số ECMO được giảm dần và đến 8h30 sáng ngày hôm nay (03/6), bệnh nhân đã ngừng sử dụng ECMO.

 
 
Thời gian hiện tại 2:08
Độ dài 3:44
Đã tải: 72.36%
 
 
1x
Sự hồi sinh kỳ diệu của phi công người Anh nhiễm Covid-19

PGS Khuê cho biết thêm, ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục và giảm được chấn thương áp lực cũng như ngộ độc oxy ở phổi.

Bệnh nhân 91 được phát hiện mắc Covid-19 từ ngày 18/3. Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 77 ngày điều trị.

Trong đó, bệnh nhân bắt đầu suy hô hấp nặng từ ngày 6/4 và phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo).

Với yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, diễn biến bệnh nhân liên tục trầm trọng. Các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng có chỉ định ghép phổi.

Từ chỗ luôn trong tình trạng nguy kịch, hiện nay bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; Mạch: 89 lần/phút; huyết áp: 132/57 mmHg; chức năng thận đã dần hồi phục.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của BN91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác”.

Trong những ngày tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.

Đánh giá về ca mắc Covid-19 này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua tham gia hội chẩn bệnh nhân, các chuyên gia thấy diễn biến bệnh nhân ngày càng tốt lên, dù tình trạng còn nặng. Bệnh viện Việt Đức cũng chuẩn bị sẵn phương án ghép phổi cho bệnh nhân nếu có chỉ định. "Rất may tình trạng bệnh nhân đang khá dần lên, tôi cho rằng nhiều khả năng không phải ghép phổi", GS Giang cho biết.

Về diễn biến dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua 48 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong 328 ca mắc Covid-19, có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Đến nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.169, trong đó:- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 103- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.104
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 962

Về điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày có thêm 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được công bố khỏi bệnh: BN305, BN309, BN317, BN318.

Như vậy đến nay cả nước đã có 302/328 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện cả nước chỉ còn 26 ca mắc Covid-19 đang được điều trị, trong đó,  số ca âm tính từ 1- 2 lần với SARS-CoV-2 là 13 trường hợp.

Hồng Hải


tin tức liên quan