Người anh hùng 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng kỷ niệm của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc, đang sống ở tổ dân phố Tô Hiệu, phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chia sẻ với chúng tôi cuốn “Nhật ký chiến trường” đã nhuốm màu thời gian, được ông ghi lại một cách chi tiết từ ngày đầu nhập ngũ, giọng người anh hùng 67 tuổi sang sảng: “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cánh thanh niên bọn mình hăng hái, sục sôi tinh thần cách mạng lắm, cứ có lệnh là lên đường, đâu có giặc là xông pha. Mặc dù chẳng biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc, nhưng ai cũng vững một niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng". Chính niềm tin, khát vọng cháy bỏng đó đã thôi thúc ông và đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng. Và quả thật, khi lật từng trang nhật ký, chúng tôi bắt gặp trong tâm hồn người lính trẻ ngày ấy niềm lạc quan phơi phới, cùng bao dự định tốt đẹp sau khi đất nước hết chiến tranh, tuyệt nhiên không một chút bi quan, sợ hãi, dù quanh năm suốt tháng phải đối mặt với mưa bom, bão đạn của quân thù, chứng kiến sự mất mát, hy sinh của đồng đội.
|
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc (ngoài cùng bên phải) và đồng đội. |
Nhấp ngụm nước chè vườn nhà, anh hùng Nguyễn Quang Lộc bồi hồi kể lại những năm tháng "quần nhau với giặc" trên khắp chiến trường miền Nam, cho đến ngày đất nước toàn thắng.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8-1971, khi tròn 18 tuổi, Nguyễn Quang Lộc xung phong vào bộ đội, trở thành chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 172, Quân chủng Phòng không-Không quân. Kết thúc 6 tháng huấn luyện về tên lửa vác vai A72, tháng 2-1972, anh cùng đơn vị tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), ngày 13-5-1972, trong trận đánh đầu tiên của đời quân ngũ, Nguyễn Quang Lộc đã lập công xuất sắc, bắn hạ một chiếc máy bay AD6 của Mỹ, bắt sống tên đại úy phi công. Ngay hôm sau, khoảng 10 giờ, anh tiếp tục bắn cháy một chiếc máy bay trinh sát của địch. Hôm đó, chiến sĩ trẻ Nguyễn Quang Lộc thao thức cả đêm, niềm vui mừng trào dâng trong lồng ngực, khiến những dòng nhật ký gửi mẹ bật ra: "Mẹ biết không, chính con cũng không hiểu nổi, một cậu học trò, một đứa con thơ dại của mẹ hôm nào chỉ biết cưỡi xe đạp đi học, trưa về cơm chưa chín là mặt đã xịu ra, thế mà nay đã là một anh giải phóng quân chững chạc. Hôm nay, con đã bắn rơi máy bay Mỹ rồi, còn bắt sống cả giặc lái nữa mẹ ạ. Chiến công này con gửi tặng mẹ". Sau chiến công xuất sắc ngày đầu ra trận, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được đi báo cáo thành tích với Bộ tư lệnh Miền.
Mặc dù lập công lớn trong ngày đầu ra trận, nhưng chiến sĩ Nguyễn Quang Lộc không thỏa mãn, mà ngày đêm học tập, miệt mài nghiên cứu, nhằm tìm ra cách đánh địch hiệu quả hơn. Bởi sau hai lần bị bắn hạ, dường như địch đã nắm được chiến thuật của ta, nên thay đổi tác chiến, cố tình bay thấp, hoặc triệt để lợi dụng các đám mây để ẩn nấp, có lúc bay liên tục, rồi cua gấp để tránh làn đạn phòng không. Cùng với đó, mỗi khi sử dụng máy bay ném bom, chúng đều thả pháo sáng để gây nhiễu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động mới của kẻ thù, anh Lộc cùng đồng đội tiếp tục giáng cho địch những đòn chí mạng. Ngày 11-11-1972, anh bắn rơi chiếc máy bay thứ ba của địch tại bến Chanh (Dầu Tiếng, Bình Dương). Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 18-12 năm ấy, Nguyễn Quang Lộc bắn cháy tại chỗ chiếc máy bay L19 trên bầu trời thị trấn Kiến Đức, nay là thị xã Kiến Đức (Đắc Nông). Sau chiến công này, anh được phong cấp bậc hạ sĩ, được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận.
Do lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 5-1974, Hạ sĩ Nguyễn Quang Lộc là một trong số các xạ thủ A72 được giao nhiệm vụ phối hợp với Lữ đoàn Đặc công biệt động Rừng Sác, luồn sâu vào vùng kiểm soát của địch, bí mật, bất ngờ nổ súng tiêu diệt một mục tiêu quan trọng của chúng. Đến ngày 9-3-1975, anh cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc về Sài Gòn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 25-4-1975, được sự giúp đỡ, chỉ đường của nhân dân, tổ A72 của anh đã áp sát quận Gò Vấp, sẵn sàng tiêu diệt và khống chế máy bay địch ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hỗ trợ cho xe tăng, bộ binh của ta tiến công giải phóng Sài Gòn. Vào 9 giờ 30 phút, ngày 29-4-1975, có một máy bay C119 của địch bay lượn nhiều vòng trên đầu, liên tục bắn pháo hiệu và hỏa lực xuống đội hình ta. Tuy nhiên, chiếc cánh bằng ma mãnh này đã lọt vào tầm ngắm của chiến sĩ A72 Nguyễn Quang Lộc. Và một tiếng nổ như sấm rền khiến nó tan xác ngay trên bầu trời Sài Gòn sau cú nhấn cò chính xác của anh. Đây là chiếc máy bay chỉ huy đang tìm cách ngăn chặn đà tiến công của quân giải phóng. Chiến công trước ngày toàn thắng 30-4 có ý nghĩa rất lớn, sống mãi trong ký ức của Nguyễn Quang Lộc và đồng đội.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Quang Lộc chuyển ngành, đi học tại Tiệp Khắc (cũ). Về nước, ông công tác tại Công ty Cấp thoát nước Vĩnh Phúc, rồi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà máy nước huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nghỉ hưu năm 2009. Theo Đại tá, cựu chiến binh Dương Văn Hào, Chi hội trưởng Cựu chiến binh tổ dân phố Tô Hiệu, trở về cuộc sống đời thường, ông Lộc luôn tích cực tham gia công tác hội và các phong trào tại địa phương; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu phố tin yêu, mến phục. Với công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 26-4-2018, đồng chí Nguyễn Quang Lộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
( C. H sưu tầm)