Nữ điệp viên được thưởng nhiều huân chương nhất thế kỷ XX là ai?

Ngày đăng: 09:10 19/06/2020 Lượt xem: 393

Nữ điệp viên được thưởng nhiều huân chương nhất thế kỷ XX là ai?

 Thứ sáu, ngày 19/06/2020 06:30 AM (GMT+7)
Tháng 4/2005, Chính phủ Australia đã trao tặng Huân chương Ngôi sao châu Úc cho bà Nancy Wake để ghi nhận công lao chiến đấu vì sự nghiệp tự do hòa bình cho nhân loại. Đây là chiếc huân chương cao quý thứ 18 mà bà được chính phủ nhiều quốc gia trao tặng và giúp bà trở thành nữ điệp viên được trao tặng nhiều huy chương nhất.
 
 
 Bình luận 0
 

Nancy Wake sinh ngày 13/8/1912 tại New Zealand, sau đó gia đình bà chuyển sang Australia . Năm 1928, khi mới 16 tuổi bà đã trở thành một bảo mẫu. Và khi được một người dì tặng cho 200 bảng Anh, một số tiền lớn vào năm 1929, bà quyết định đến châu Âu để mưu sinh mà điểm dừng đầu tiên là Anh.

Nữ điệp viên được thưởng nhiều huân chương nhất thế kỷ XX là ai? - Ảnh 1.

Nữ điệp viên huyền thoại Nancy Wake.

Trở thành phóng viên báo Daily Mirror, Wake có dịp đến nhiều quốc gia châu Âu và chứng kiến nỗi bất bình về sự lớn mạnh của chế độ Quốc xã. Năm 1936, trong một lần đến thủ đô Vienne của Áo làm việc và tận mắt chứng kiến cảnh bài xích, bôi nhọ người Do Thái của chế độ Quốc xã, bà tự hứa sẽ là người đi tiên phong trong cuộc chiến chống bài xích người Do Thái. Năm 1939, khi đến làm việc tại thành phố Marseille của Pháp, bà quen biết rồi lập gia đình với một doanh nhân giàu có người Pháp tên Henri Fiocca.

Vậy mà chỉ 6 tháng sau, Đức Quốc xã đã đưa quân xâm chiếm Pháp. Với quyết tâm bảo vệ quê hương chồng, bà Nancy Wake quyết định tham gia phong trào kháng chiến. Lúc đầu bà được giao những nhiệm vụ như giao liên, cung ứng lương thực thực phẩm, mua vũ khí và đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Trong vai vợ một doanh nhân người Pháp giàu có, bà được cấp giấy thông hành di chuyển từ vùng tự do sang vùng tạm chiếm và bà biết tận dụng thời cơ để tổ chức nhiều đường dây đào thoát ra nước ngoài cho hàng chục binh lính Đồng Minh vừa trốn khỏi các nhà tù của Đức Quốc xã.

Dần dần Đức Quốc xã cũng chú ý đến hành động của Nancy Wake và tổ chức theo dõi để bắt giữ. Thế nhưng là một phụ nữ gan dạ, mưu trí, bà đã thoát được nhiều cú “vồ” của mật vụ Gestapo. Đầu năm 1943, bà lui vào hoạt động bí mật và trở thành nhân vật số 1 bị mật vụ Gestapo truy nã với số tiền treo thưởng lên đến 5 triệu frăng cho bất cứ ai chỉ điểm hoặc giết chết bà. Trước tình hình nguy hiểm trên, lực lượng kháng chiến quyết định tổ chức cho bà chuyển sang Anh.

Tại Anh, bà trở thành điệp viên mang mật danh Chuột Bạch của Cục Các hành động đặc biệt (SOE). Vào tháng 4/1944, Nancy Wake cùng một chỉ huy SOE là Trung tá John Farmer nhảy dù xuống vùng Auvergnes ở miền Trung nước Pháp để củng cố và phát triển phong trào kháng chiến nhằm chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cho chiến dịch đổ bộ của Đồng minh sẽ diễn ra tại vùng biển Normandie vào tháng 6/1944.

Sự lớn mạnh của lực lượng du kích đã khiến cho quân Đức phải lo ngại nên quyết định tổ chức một chiến dịch tiễu trừ với sự tham gia của gần 22.000 quân. Gặp sự chống cự quyết liệt của 5.000 du kích quân được trang bị đầy đủ vũ khí dưới sự chỉ huy của Nancy Wake và John Farmer, chỉ trong một tháng càn quét, 1.200 lính Đức đã mất mạng. Từ thất bại này, Đức Quốc xã quyết định rút lui khỏi tỉnh Auvergnes . Từ cuối tháng 5/1944, Auvergnes đã trở thành vùng tự do.

Ngày 6/6/1944 khi Đồng minh triển khai chiến dịch đổ bộ quy mô lên nhiều vùng biển của Normandie thì lực lượng du kích của tỉnh Auvergnes đồng loạt mở các đợt tiến công vào hậu phương của quân Đức, dưới sự chỉ huy của Nancy Wake và John Farmer. Ngày 25/8/1944, Nancy Wake trở thành một trong những chỉ huy du kích đầu tiên có mặt trong đoàn quân giải phóng thủ đô Paris . Thế nhưng cũng tại Paris , bà mới biết tin về việc chồng mình, doanh nhân Henri Fiocca, đã bị Đức Quốc xã sát hại. Một năm sau khi bà chuyển sang Anh, mật vụ Gestapo đã bắt giữ Henri Fiocca, tra tấn và bắn chết do ông không chịu khai báo bất cứ thông tin gì liên quan đến vợ mình.

Khi chiến tranh kết thúc, Nancy Wake quay về Anh và tiếp tục làm việc tại bộ phận hải ngoại của SOE cho đến ngày tổ chức tình báo đặc biệt này giải thể. Năm 1948, bà được bổ nhiệm làm chỉ huy bộ phận phản gián của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh. Ở cương vị này, bà đã cùng các nhân viên của mình lật mặt những điệp viên cuối cùng của Đức Quốc xã còn ẩn náu tại Anh sau khi chiến tranh kết thúc và truy tìm để bắt giữ nhiều điệp viên khác đang tìm cách đào thoát đến nhiều quốc gia nhằm che giấu tội ác của chúng.

Năm 1962, sau khi tái hôn với John Forward, một sĩ quan quân đội Anh bị Đức Quốc xã bắt giữ làm tù binh, Nancy Wake thôi làm ngành tình báo và cùng chồng quay về Australia sinh sống. Đến năm 1968, bà được bầu làm thị trưởng thành phố cảng Port Macquarie của bang New South Wales .

Sau khi cuốn sách có nhan đề "Nancy Wake: Nữ điệp viên mang mật danh Chuột Bạch" được phát hành và trở thành một cuốn sách bán chạy tại Australia đã làm dấy lên một làn sóng yêu cầu Chính phủ Australia nên tặng thưởng cho Nancy Wake một huân chương cao quý nhằm ghi nhận công lao chiến đấu vì sự nghiệp hòa bình cho nhân loại của bà. Vậy nhưng phải đợi đến tháng 4/2005 đích thân Thủ tướng Australia John Howard mới trao tặng Huân chương Ngôi sao châu Úc cho bà Nancy Wake. Đây cũng là chiếc huân chương cao quý thứ 18 mà bà được chính phủ nhiều quốc gia tặng thưởng trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình. Ngày 7/8/2011, Nancy Wake từ trần ở tuổi 98.

Văn Hòa (Theo Female Spy World, ANTG)

tin tức liên quan